Chỉ đường cho hươu...: Lời chào hỏi chẳng vui vẻ gì

11/10/2023 - 06:34

PNO - Thoạt nghe thì mấy lời hỏi thăm ấy có vẻ bày tỏ sự quan tâm, nhưng thực sự đó là cách thọc mạch đời tư của người khác một cách vô duyên, khiếm nhã.

Con mới… rớt đại học, đang nung nấu quyết tâm thi lại vào ngôi trường mình yêu thích. Từng chứng kiến một số anh chị mỗi lần thi lại, kết quả lại xa vạch đích một chút nên con càng… vận nội công để ôn luyện cho kỳ thi năm sau. Vậy mà bạn bè, khách khứa, thậm chí họ hàng, người thân hễ nhìn thấy mặt con là hỏi thăm: “Có người yêu chưa? Khi nào lấy chồng?” với gương mặt nửa tò mò nửa lo lắng. 

Con cảm thấy rất ức chế bởi mới tốt nghiệp phổ thông, chưa có nghề nghiệp gì, còn phải sống dựa vào ba mẹ, đang phấn đấu cho mục tiêu thi đại học… Ba mẹ con giải thích rằng đó chỉ là lời hỏi thăm thay cho lời chào, không cần để tâm nhưng con thấy lời chào hỏi kiểu ấy chẳng vui vẻ gì. 

Nguyễn Mỹ H. (quận 12, TPHCM)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Tết cổ truyền năm nọ dấy lên chuyện một số bạn sinh viên, công nhân xa quê tìm mua “áo ăn tết”. Đó là loại áo thun trắng, in mấy dòng chữ nổi bật ở phía trước ngực áo (thậm chí cả sau lưng): “Chưa có người yêu. Có sẽ báo. Báo sẽ cưới. Hỏi gì nữa không ạ?” nhằm trả lời những lời hỏi thăm/lục vấn xoay quanh cùng chủ đề của “quý ông bà cô bác anh chị” trong họ ngoài làng, làm ăn tết mất ngon. 

Câu chuyện trên phản ánh một tình trạng ở Việt Nam: người ta hay đưa ra mấy câu hỏi “vô thưởng vô phạt” bất cứ lúc nào, với bất cứ ai chỉ để thay lời “xin chào” và “tạm biệt”. Có câu hỏi chẳng cần đợi nghe câu trả lời, nào là: “Sao dạo này đen/già/béo/gầy… thế?”, “Làm ăn thế nào?”, “Đi đâu đó?”; nào là: “Độ này phát tướng khiếp luôn”, “Làm gì mà xuống sắc thấy ớn”…

Có những câu hỏi mà người được hỏi càng trả lời, người hỏi càng thắc mắc hỏi tới (chẳng hạn: hỏi “có người yêu chưa”, đáp “chưa” thì “tại sao chưa, tưởng còn nhỏ dại lắm à?”; đáp “có” thì “chừng nào cưới?”, “nó làm nghề gì, thu nhập bao nhiêu, cha mẹ làm gì, nhà cửa ra sao…?”.

Hỏi “có chồng chưa”, đáp “chưa” thì “chừng nào có?”; đáp “có” thì “chừng nào có con?”. Hỏi “có con chưa”, đáp “chưa” thì “mau mau làm đi kẻo hiếm muộn”, đáp “có” thì “chừng nào có đứa thứ hai”, đáp “đã có 2 cháu rồi” thì hỏi “con trai hay gái, phải làm thêm cho đủ nếp đủ tẻ…”…).

Thoạt nghe thì mấy lời hỏi thăm ấy có vẻ vô hại, thậm chí còn bày tỏ sự quan tâm, thân tình nhưng thực sự, không có gì đi vào đời tư của người khác một cách vô duyên, khiếm nhã nhanh bằng kiểu đó.

Hiểu rõ kịch bản thì cháu sẽ không việc gì phải nhăn nhó khó chịu, nhún vai bỏ đi; lầm lì “giả điếc” không đáp lại; trả lời lí nhí, miễn cưỡng; gượng gạo cười trừ; bật lại cho bõ ghét… Thực tế, cháu không có nghĩa vụ phải trả lời một câu hỏi khiến mình cảm thấy khó chịu. Nhưng để tránh thiếu lịch sự và giữ được thiện cảm với mọi người, cháu có thể cười rất tươi thay cho câu trả lời hoặc lễ phép đáp lại rằng “con chưa nghĩ đến, con còn lo học” và xin phép đi chỗ khác, không nhất thiết phải khai báo thành khẩn và ngồi chịu trận nghe họ phân tích thiệt hơn hoặc bị họ mau mắn “mai mối” để “thoát ế”.

Tò mò, nhất là tò mò việc riêng tư của người khác, đặc biệt với một thiếu nữ là thiếu văn minh, thậm chí thô lỗ. Nó có thể khiến cô ấy bối rối, khó xử, chạnh lòng, cảm thấy mình mất giá trị, thậm chí tổn thương hoặc nổi giận. Người lịch thiệp không hỏi tuổi tác, thu nhập và tình trạng hôn nhân của người khác vì đó là quyền riêng tư bất khả xâm phạm. 

Bác sĩ Hoa Tiêu 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI