Chỉ đường cho hươu...: Làm sao mẹ chịu nghe con nói?

13/11/2023 - 09:31

PNO - Trò chuyện với cha mẹ không phải lúc nào cũng thuận lợi nhưng một khi mở lòng tâm sự được, cháu sẽ cảm thấy như trút đi gánh nặng.

Khi bị bạn học trêu chọc (xô đẩy, cố tình đụng chạm vào người), con về kể cho mẹ nghe liền bị mắng: “Con làm gì để bạn có thái độ đó?”, “Sao không biết tự bảo vệ bản thân?”, “Tại con đi lại vào giờ đó/ chơi với loại người đó/ không nghe lời mẹ dặn nên mới bị vậy”… rồi sau đó mẹ cúp luôn việc con được đi chơi với bạn bè.

Có lúc con định kể với mẹ chuyện ở lớp nhưng mẹ bận, nghe rất xao nhãng, có khi còn gắt: “Có gì nói nhanh lên, nói to lên! Sao cứ ấp úng như ngậm hột thị vậy?” khiến con quên luôn chuyện định kể hoặc chán chẳng muốn nói nữa. Nhiều lần mẹ bảo “Có gì cứ kể với mẹ, mẹ không mắng đâu” nhưng kể xong mẹ vẫn mắng.

Con chẳng biết phải nói chuyện với mẹ thế nào.

Nguyễn Hùng T.

(học sinh một trường THCS ở quận 7, TPHCM)

Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory
Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory

Hồi nhỏ, mỗi khi gặp chuyện gì, trẻ con thường kể với cha mẹ đầu tiên và xin lời khuyên nhưng khi lên cấp II, nhiều học sinh ngại nói chuyện với phụ huynh phần vì cha mẹ bận rộn không tiện nghe con cái kể lể, phần vì thấy cha mẹ có vẻ không hiểu mình nữa. Thành ra lúc cha mẹ có thời gian để hỏi han thì con vừa đi học về đang mệt hoặc nói ra vài câu lại bị “truy hỏi” đến cùng và nghe “giảng”; lúc con đang cao hứng kể chuyện thì cha mẹ lơ đễnh, sốt ruột cắt ngang, chuyển sang chủ đề “rèn luyện đạo đức tác phong”… nên con không còn muốn thổ lộ.

Khi cháu có nỗi niềm cần trình bày với mẹ mà dường như mẹ không lắng nghe hoặc đáp lại không như cháu mong đợi, cháu đừng bỏ cuộc. Lúc đó, ít nhất cháu có vài sự lựa chọn:

- “Phản kháng” với mẹ: “Sao mẹ không nghe con nói? Con có chuyện quan trọng!”.

- Nản, “tắt đài”, từ đó không cho mẹ biết vấn đề của mình.

- Bình tĩnh, chờ đến lúc thuận tiện sẽ nói và chọn cách nào mẹ dễ nghe hơn.

Với cách thứ nhất, mẹ cháu chưa chắc đã chú ý hơn mà còn phê bình cháu vô lễ. Không khí đã căng thẳng, to tiếng thì câu chuyện chỉ bế tắc; chẳng những cháu không giãi bày được mà còn thêm cảm giác có lỗi vì đã nổi nóng với mẹ.

Cách thứ hai quá dễ và nhiều người chọn nhưng chấm dứt nói chuyện thì mẹ không hiểu được tình hình của cháu và không thể giúp cháu giải quyết vấn đề. Khi cháu chẳng thèm nói năng gì, mẹ có thể cho rằng cháu đang giấu giếm chuyện gì đó, cố gặng hỏi và càng khiến cháu khó chịu. 

Cách thứ ba có ích cho cả 2 bên: 

- Cháu nên lựa lúc mẹ rảnh rang đầu óc (2 mẹ con đi cùng nhau, cháu giúp mẹ dọn bàn ăn/rửa chén/xếp đồ…) để có một cuộc trò chuyện thoải mái, cởi mở. Cháu đừng nói lúc mẹ kiệt sức sau ngày dài làm việc. Nên nói những câu ngắn gọn, dễ hiểu và tránh những từ ngữ gây hiểu lầm kẻo cháu nói một đằng nhưng mẹ lại hiểu một nẻo.

- Nhiều khi mẹ không đủ kiên nhẫn để nghe cháu nói hoặc lúc cần nói thì cháu lại quên phải trình bày những gì, nói thế nào để mẹ chịu nghe mình, nhất là những điều khi trò chuyện trực tiếp cảm thấy ngại… Cháu có thể viết thư diễn đạt điều mình muốn nói một cách đầy đủ nhất. Thư tay giúp rút ngắn khoảng cách, gia tăng kết nối và hiểu biết qua lại giữa 2 mẹ con.

- Nếu được dùng điện thoại di động, cháu có thể nhắn tin. Việc nhắn tin cũng giúp mẹ chủ động lựa chọn thời điểm thích hợp để đọc. Tuy nhiên, nhắn tin thì không thể quan sát được cảm xúc và các biểu hiện như ánh mắt, giọng nói… Điều đó có thể khiến mẹ hiểu sai nội dung cháu muốn truyền tải.

- Cháu có thể “bắn tin” qua một người có uy tín với mẹ rằng “cháu đang gặp chuyện ở trường gây ảnh hưởng đến học tập”, “muốn nói lắm mà sợ mẹ la”, “có chuyện không vui mà không biết hỏi ai”… để mẹ chủ động hỏi chuyện cháu.

Trò chuyện với cha mẹ không phải lúc nào cũng thuận lợi nhưng một khi mở lòng tâm sự được, cháu sẽ cảm thấy như trút đi gánh nặng.

Bác sĩ Hoa Tiêu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI