Chỉ đường cho hươu...: Giúp bạn “trị” thói ở dơ

22/10/2023 - 10:32

PNO - Nhiều bạn trẻ kém ý thức cộng đồng nhưng lại đề cao quá mức cuộc sống cá nhân, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người xung quanh.

Bạn ấy 15 tuổi, ăn uống bừa bãi, thường xuyên thức khuya, ăn mặc dơ dáy, người lúc nào cũng bốc mùi; vậy mà cứ cho rằng đang "sống là chính mình”. Mẹ bạn ấy và người giúp việc phải thường xuyên dọn dẹp căn phòng đầy rác của con. Khi mẹ bạn ấy nói: “Con có thể sống như một con người được không?”, bạn ấy tự ái và “tổn thương” đến mức hành xử dại dột.

Gia đình đã chuyển bạn vào học trường nội trú để bạn được rèn luyện kỷ luật bản thân. Giám thị phải kèm cặp bạn, ngay cả đi tắm cũng phải canh. Con sống chung phòng cũng được phụ huynh của bạn gửi gắm. Con phải làm sao để giúp bạn?

Nguyễn Th. (học sinh lớp Mười, quận 12, TPHCM)

Cách đây vài năm, mạng xã hội đưa tin về một “em bé khổng lồ” quen ỷ lại vào sự cung phụng của cha mẹ, 8 tuổi còn được đút ăn, 11 tuổi còn phải cõng. Khi cha mẹ lần lượt qua đời, “bé bự” không biết tự tắm rửa, lo ăn uống cho bản thân. Hàng xóm thương tình cho thức ăn nấu sẵn thì em ăn, cho thực phẩm thì cứ để nguyên đó đến khi hư.

Chàng trai ấy đã chết đói, chết rét khi mới 23 tuổi. Chuyện các trai xinh, gái đẹp khi đi ra ngoài nhìn sang chảnh nhưng phòng trọ thua cái chuồng heo cũng không hiếm.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Nhiều bạn trẻ kém ý thức cộng đồng nhưng lại đề cao quá mức cuộc sống cá nhân, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người xung quanh. Họ luôn muốn thoải mái nhất cho bản thân, cái gì tiện cho mình thì làm, bất kể đang gây phiền phức cho người khác. Chỉ có việc ăn ở cho sạch sẽ còn chưa thực hiện nổi thì dù học ở ngôi trường tốt, điều kiện lý tưởng cũng khó vươn tới những hành vi mang tính trí tuệ cao hơn như đọc sách, yêu động vật, làm thiện nguyện, tranh luận và tôn trọng sự đa chiều… đừng nói đến nhân sinh, triết lý sống, đạo đức xã hội, nhân cách cần thiết của một con người.

Thói “làm biếng, ở dơ” không vi phạm nội quy nhà trường hoặc phạm pháp nhưng lâu dài sẽ trở thành hành vi gây khó chịu. Đây được định nghĩa là những thói quen gây phiền nhiễu của một cá nhân khiến người bên cạnh thường xuyên bận tâm, làm cạn kiệt năng lượng và tinh thần của họ. Thói xấu nhỏ đó có thể trở thành yếu tố chính khiến người khác bị xao nhãng, bực bội; đe dọa đến các mối quan hệ của cá nhân và đội ngũ đồng thời ảnh hưởng đến năng suất học tập/làm việc của người đó.

- Cháu cần kiểm soát cảm xúc khi sống chung phòng với bạn ấy. Hãy khéo léo trò chuyện, nói rõ quan điểm và cảm xúc của cháu nhưng đừng mỉa mai, chê bai vì điều này có thể khiến bạn ấy xấu hổ, bảo thủ hoặc tức giận.

- Xem xét các nguyên nhân tiềm ẩn khiến bạn “mất khả năng tự chăm sóc bản thân”: bàn học lộn xộn có thể là dấu hiệu cho thấy bạn ấy đang gặp khó khăn trong việc quản lý, sắp xếp thời gian; mùi cơ thể có thể là hệ quả của bệnh tật; trốn tắm phải chăng là có nỗi ám ảnh về sợ té ngã/sợ nước/sợ bóng tối hồi ấu thơ; khả năng tự quản kém có thể là do thiếu đào tạo từ nhỏ… để rồi từ đó giúp bạn gỡ rối dần dần.

- Tìm kiếm sự hỗ trợ: Nếu hành vi gây khó chịu của bạn ấy chuyển sang mức độ nghiêm trọng hơn (ăn, sinh hoạt, vứt rác ngay tại giường; vô tư xài đồ của người khác mà không xin phép, bỏ trực nhật…), tốt nhất cháu nên báo để người phụ trách xử lý. 

Nên nhớ, khi đối phó với người ở dơ, cháu không được cả nể, cái gì cũng cần quy định chi tiết mới dễ xử:

- Giường ngủ - nơi một người dành gần 1/3 cuộc đời để nghỉ ngơi cũng là nơi chứa rất nhiều mồ hôi, tế bào chết của cơ thể: là địa bàn hoạt động lý tưởng của bụi bặm, vi khuẩn, nấm và nhiều “cư dân” khác. Quy định cấm “bạ đâu vứt đó” trên giường, không thức quá khuya ảnh hưởng giấc ngủ bạn cùng phòng.

- Phòng vệ sinh: tuyệt đối không dùng chung bàn chải. Các món đồ dùng để vệ sinh cá nhân phải dùng riêng.

- Có thể không tắm hằng ngày nhưng có 4 nơi phải rửa sạch trước khi ra ngoài và khi đi ngủ: mặt, nách, bẹn, chân nhằm loại trừ nguy cơ rước vào các bệnh nổi mụn, hăm, nấm ở bàn chân, kẽ chân, móng…

- Trực nhật đầy đủ, nghiêm túc: quét nhà, lau nhà, chà rửa phòng vệ sinh… 

Chung quy, bạn ấy cần rèn “cái nết” là tính tự giác, tự chủ - hội tụ từ nền nếp gia đình, văn hóa công cộng và ý thức bản thân. 

Bác sĩ Hoa Tiêu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI