Chỉ đường cho hươu: Đừng để tiền chi phối quan hệ mẹ con

25/11/2024 - 15:46

PNO - Con tìm được việc làm, có lương, ngoài ra còn chăm chỉ làm thêm, nhờ vậy đóng góp phần lớn chi tiêu trong gia đình. Vậy mà mẹ vẫn mắng con là đứa “ăn hại”.

Ngay khi nuôi con học xong phổ thông, mẹ con tuyên bố “xóa bỏ chế độ bao cấp”, yêu cầu con nhanh chóng kiếm việc để tự nuôi thân.

Con tìm được việc làm, có lương, ngoài ra còn chăm chỉ làm thêm, nhờ vậy đóng góp phần lớn chi tiêu trong gia đình. Vậy mà mẹ vẫn mắng con là đứa “dựa dẫm, ăn bám”, nặng lời hơn là “ăn hại”. Đó là lúc mẹ gặp chuyện đột xuất (có đám hiếu hỉ, cần mua sắm/sửa chữa nhà cửa…) mà trong nhà không có sẵn tiền. Bực lên, mẹ còn gay gắt cả chuyện con “vô duyên nên chưa có người yêu”, “tuổi này mau lấy chồng để mẹ rảnh nợ”.

Con không biết phải làm sao để yên ấm nhà cửa.

Em gái 18 tuổi (TP Tân An, tỉnh Long An)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock


Đối với từng hộ gia đình, thu nhập khác nhau sẽ có chi tiêu khác nhau, đặc biệt trong lúc vật giá leo thang, thu nhập eo hẹp. Cùng nhau góp sức, không quá rạch ròi, tính toán chi li tiền bạc thì gia đình sẽ hạnh phúc. Nếu chi tiêu không hợp lý sẽ dẫn đến thâm hụt, lạm chi, nợ nần…; các thành viên rất dễ xung đột khi cần lo cho các việc đột xuất.

Ngay cả với những gia đình đủ ăn hoặc dư dả, tiền vẫn có thể là nguyên nhân gây va chạm vợ chồng, mẹ con, anh em do:

- Tài chính thất thoát.
- Không tin tưởng khả năng quản lý của nhau.
- Chưa trao đổi thẳng thắn về kế hoạch chi tiêu, xác định ai là người quản lý.
- Không minh bạch về thu nhập hằng tháng của mỗi người (lập quỹ đen, những khoản nợ hoặc trả góp hằng tháng…).

Cháu không nên xem việc kiếm tiền - giữ tiền - tiêu tiền trong gia đình là chuyện tế nhị tránh bàn đến mà trái lại, cần trao đổi, chia sẻ những khó khăn về tài chính với mẹ thay vì chỉ nộp tiền mỗi tháng để hoàn thành nghĩa vụ.

Trước hết, cháu tạo không gian thích hợp để mẹ con trò chuyện với nhau (xung quanh không ồn ào, không có sự can thiệp của người khác để tránh bị mất tập trung). Nếu tính cách của mẹ và cháu khác nhau, người tằn tiện, người tiêu hoang, hãy tìm điểm chung, điểm cân bằng giữa mong muốn của 2 bên để thương lượng, thỏa hiệp:

- Phải có tài khoản chung của cả gia đình, giao cho 1 người “tay hòm chìa khóa”. Mỗi người vẫn có tài khoản cá nhân để chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu.

- Có sổ chi tiêu: Ghi rõ phần thu từ các nguồn lương, thưởng, làm thêm, buôn bán để biết quỹ có bao nhiêu; vạch ra giấy kế hoạch chi tiêu dự trù trong tháng có sự đồng ý của 2 mẹ con. Viết rõ chi tiêu trong ngày và tổng kết tất cả các khoản vào cuối tháng (tiền ăn uống, tiền điện, tiền nước, tiền internet, tiền học, tiền mua sắm, tiền khám chữa bệnh, tiền làm đẹp...). Nếu thu không đủ bù chi, tháng sau sẽ phải điều chỉnh. Nếu vay mượn, phải có thời hạn trả kẻo sa vào nợ nần.

- Đừng quên trích ra một khoản tiết kiệm để dự phòng các khoản đột xuất (ốm đau, hiếu hỉ...), từ đó biết cách cân đối thu chi, đầu tư và tiết kiệm thông minh trong gia đình.
- Có tham vọng hay còn gọi là đặt mục tiêu dài hạn: Lập kế hoạch rõ ràng để tiết kiệm nhiều hơn, kiếm tiền nhiều hơn cho dự định tài chính lớn để “tiền đẻ ra tiền” (mua nhà, mua xe, tích lũy cho tương lai…).

- Tránh mọi trường hợp nghi ngờ, không tin tưởng lẫn nhau. Đề ra cách giải quyết khi xảy ra xung đột lợi ích tài chính (người có tính kiểm soát - người lãng phí, cùng một thời điểm mẹ con đều cần tiêu tiền cho mục đích cá nhân, người thân cần chu cấp, rủi ro bị mất thu nhập…).

Mẹ - con là quan hệ ruột thịt, không phải quan hệ tài chính, cháu đừng để cuộc sống hằng ngày chỉ nghĩ tới tiền. Dù có thể xảy ra mâu thuẫn vẫn phải yêu thương, đùm bọc, chia sẻ, thông cảm.

Bác sĩ Hoa Tiêu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI