Chỉ đường cho hươu...: Con trai bị hái trái non

07/06/2023 - 10:32

PNO - Em bị thầy dạy kèm “giở trò” quấy rối, sàm sỡ. Em phản ứng thì bị nói là “hỗn hào”, “láo”.

2 chị em con từ tỉnh lẻ lên thành phố trọ học. Em trai con vừa tiết lộ với con một chuyện tày trời: mấy tháng đi học phụ đạo ở trung tâm, em đã bị thầy dạy kèm “giở trò” quấy rối, sàm sỡ (lần đầu ở phòng của thầy, những lần sau lúc ở phòng vệ sinh, lúc ở gầm cầu thang hoặc ngay tại lớp khi vắng người). Em phản ứng thì bị nói là “hỗn hào”, “láo”.

Em báo với người phụ trách, cô ấy ngạc nhiên phẩy tay: “Con trai ăn trái cấm chẳng mất mát gì”, “Loại bị xâm hại thường là “trai cong”, không phải đàn ông thực sự”… Em đi khám để lấy xác nhận, bác sĩ nói rằng cơ thể em có đáp ứng lại những kích thích tình dục chứng tỏ đã thỏa hiệp với thủ phạm về việc xâm hại. Vì thế, em không còn dám kể với ai vì sợ họ sẽ nghĩ em đồng tính hoặc nói dối. Hiện em đã nghỉ học ở trung tâm đó và đang cố tỏ ra là mình không việc gì nhưng con rất lo cho em.

Một nữ sinh 18 tuổi giấu tên

(TP Thủ Đức, TPHCM)

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCKhutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

1 cậu bé bị “hái trái non” sẽ gặp rắc rối tâm lý bằng hoặc nhiều hơn 1 bé gái cùng hoàn cảnh, vì ngoài những hậu quả thể lý, tâm lý, thiếu niên nam còn đánh mất niềm tin vào bản thân (không dám mách vì sợ người lớn không tin; hổ thẹn, nhục nhã, tự cho là mình hèn, không tự vệ được, trầm uất, nuôi chí trả thù…), giảm sút lòng tự trọng và nghi ngờ mình thiếu nam tính. Nạn nhân thường rất cô độc, xấu hổ, sợ hãi, nhất là không tin được ai và không biết ai sẽ đứng về phía mình khi nói ra sự thật. 

Hậu quả về lâu dài chưa thể đo đếm hết được. Biến cố bị cưỡng bức ảnh hưởng lên một nhân cách đang trưởng thành. Có em bị di chứng tự ghê sợ bản thân, để rồi khi lớn lên tìm nhiều cách tiêu cực để khỏa lấp vết thương tinh thần. Có em tiếp tục trở thành “con mồi” cho tình dục đồng giới. Nhiều nạn nhân xa lánh mọi người, bỏ bê học hành kéo theo những ảnh hưởng nặng nề hơn trong tương lai.

Cháu cần báo với gia đình để có kế hoạch bảo vệ em. Đừng bao giờ coi đó là chuyện vạch áo cho người xem lưng và giải quyết bằng cách đóng cửa bảo nhau.

- Không trách mắng, đổ tội cho em. Khẳng định em không có lỗi và giúp em lấy lại tinh thần, vượt qua nỗi sợ hãi về tâm lý.

- Mạnh dạn làm đơn tố cáo và thông tin nhanh nhất với cơ quan cảnh sát điều tra để họ thu thập bằng chứng, đưa sự việc ra ánh sáng. Điều đó không phải em phản bội trường lớp mà là góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, đặc biệt là các hành vi xâm hại học sinh.

- Đưa em đến lớp giáo dục giới tính, dạy kỹ năng sống để em hiểu hành vi nào là không được phép với thân thể mình và có kỹ năng phòng tránh; biết cách tự bảo vệ bản thân trước những hành vi sai trái của người xung quanh. Cảnh giác với các ứng dụng trực tuyến trên mạng xã hội bởi qua đó dễ dàng kết nối với người khác để tâm sự và bị họ rủ rê “đi xa hơn nữa”.

- Cha mẹ không chủ quan, xem nhẹ tâm trạng và những câu chuyện “không đầu không cuối” của con. Hãy quan tâm các biểu hiện thiếu tập trung, xao nhãng, lo âu, học hành sa sút, hay giật mình, hay để ý đến chuyện giới tính, làm “chuyện ấy” với bạn khác (để thăm dò phản ứng của bạn với tình huống tương tự của mình)… Đó có thể là dấu hiệu đầu mối cho biết 1 ca đã/đang bị xâm hại tình dục.

- Phụ huynh không nên có tư tưởng “trăm sự nhờ thầy” và giao khoán tất cả cho thầy cô khiến trẻ ngầm hiểu rằng những người kia có quyền làm vậy và mình phải chịu đựng dù sợ hãi và không thích. 

Ai trong chúng ta cũng có thể là “bạn” hay “thù” của chính mình. Cháu và người thân cần giúp em trai lựa chọn trở thành người bạn tốt nhất của bản thân. 

Bác sĩ Hoa Tiêu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI