Chỉ đường cho hươu...: Con sinh ra là để thực hiện ước mơ của ba?

05/11/2024 - 09:45

PNO - “Một số ba mẹ nhìn con cái như những phiên bản nối dài của mình, thay vì đó là những cá thể độc lập có những hy vọng và giấc mơ của riêng chúng...".

Ba của con có tuổi thơ vất vả, thiệt thòi nên bù đắp hết sức cho con, mong con ăn học thành tài. Ba chọn trường tốt nhất cho con, tìm thầy cô giỏi, không ngại nắng mưa, xa xôi chở con đi học...

Ngay từ hồi con mới học phép tính cộng, trừ, ba đã không mong gì hơn là con chăm chỉ trong học tập để đậu ngành ngân hàng. Trước đây, ba con từng ước mơ trở thành chuyên gia tài chính nhưng không thực hiện được, do vậy luôn mong ước sau này con sẽ làm được điều đó. Chưa bao giờ ba hỏi con thích gì, chỉ ép con phục tùng theo ý ba mà không xét đến năng lực, điều kiện của con, thậm chí còn chỉ trích những ước mơ của con với sự đánh giá chủ quan khiến con chán ghét, mệt mỏi, ức chế.

Con không hiểu nổi ba, chẳng biết phải nói sao với ba khi thời hạn quyết định nguyện vọng đang đến gần.

Một nam sinh lớp Mười một (quận 7, TPHCM)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Trẻ càng nhỏ càng nhiều ước mơ và những mong muốn viển vông đó biến đổi theo thời gian, hoàn cảnh. Nếu được ba mẹ gần gũi, dìu dắt, thấu hiểu, trẻ sẽ đi đến quyết định đúng đắn. Ngược lại, ba mẹ suy nghĩ chủ quan, phớt lờ tâm tư, nguyện vọng của con có thể vô tình trở thành kẻ “đánh cắp ước mơ của con”, bởi họ kỳ vọng con cái sẽ thực hiện những ước mơ chưa trọn của ba mẹ, còn ước muốn và hoài bão của con chắc lại phải để cho… đời con nó.

Có ba mẹ muốn chọn cho con ngành học tốt để mai sau ra trường có công ăn việc làm ổn định, kinh tế khá giả. Có ba mẹ hướng con cái theo nghề gia truyền để dễ truyền nghề/giúp đỡ con cái sau này. Nhiều ba mẹ hướng nghiệp cho con không theo năng khiếu, sở trường của con mà theo ý thích của gia đình…

Ba mẹ nào cũng khẳng định yêu thương con và mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con nhưng đôi khi lại tước đi quyền quyết định cuộc đời con. Bằng chứng là ba mẹ thường quyết định thay con chuyện chọn nghề, chọn bạn đời mà chưa hiểu rõ con mình thực sự mong muốn gì, có thiên hướng gì và đâu là con đường phù hợp.

Trên thực tế, ba mẹ nào cố thực hiện ước mơ dang dở thông qua con cái có thể làm suy yếu tính tự chủ của con hoặc gây ra áp lực thành công ở con.

Giáo sư tâm lý Brad Bushman (Đại học bang Ohio, Mỹ) cho rằng: “Một số ba mẹ nhìn con cái như những phiên bản nối dài của mình, thay vì đó là những cá thể độc lập có những hy vọng và giấc mơ của riêng chúng. Những ba mẹ này thường muốn con cái thực hiện giấc mơ họ chưa hoàn thành”.

Theo bác sĩ Hoa Tiêu, cháu hãy tìm hiểu công việc cháu muốn làm qua nhiều nguồn: cháu định thi vào ngành, trường nào, hồ sơ bao gồm những gì, điểm chuẩn khoảng bao nhiêu, mức học phí của trường và các chi phí khác ra sao, sẽ ở ký túc xá của trường hay ở đâu… Cháu có thể xoay xở cách nào và cần ba mẹ hỗ trợ mức nào? Cháu có sẵn sàng chấp nhận những thử thách để đi đến cùng?

Để tránh làm ba cháu phiền lòng và căng thẳng tinh thần, cháu nên suy nghĩ thật kỹ rồi trình bày với ba:

- Trước ngã rẽ quan trọng có tính quyết định cho tương lai, sự hỗ trợ, đồng hành của ba là rất cần thiết khi con chưa đủ kinh nghiệm sống và sự chín chắn để có thể chọn cho mình hướng đi đúng.

- Con tự hào khi ba đặt kỳ vọng vào con. Tuy nhiên, phải gồng mình thực hiện ý muốn của ba một cách miễn cưỡng mà từ bỏ giấc mơ, đam mê của chính mình là điều không thực sự tốt cho con. Bởi chỉ bản thân con mới biết rõ khả năng và mong muốn của mình.

- Con tự xét không có đủ năng lực, nhiệt huyết theo ngành nghề ba muốn. Bên cạnh đó, con chưa được gia đình khuyến khích, tạo điều kiện tập trung trau dồi điều con thích và có khả năng. Xin ba hãy “nuôi” nguyện vọng của con, cùng con lên kế hoạch cụ thể, phù hợp để phát huy tốt nhất khả năng của con.

Bác sĩ Hoa Tiêu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI