Chỉ đường cho hươu: Chữa… “bệnh GATO”

19/11/2024 - 06:19

PNO - Tính đố kỵ có bình thường không? Làm sao xua ngay cảm xúc hậm hực đó để xây dựng quan hệ tốt với bạn bè xung quanh?

Con 15 tuổi. Từ ngày có nhận thức tới nay, chưa khi nào con cảm thấy lòng mình có niềm vui trọn vẹn. Ở nhà thì bực bội vì mẹ con chiều em gái hơn, đi học thì ghét mấy đứa chơi nổi, xem phim thì ức chế với vai nữ chính, ngay cả đứa bạn thân từ nhỏ cũng bị con “bo bo xì” nhiều lần vì cái tính hay mở rộng vòng tay đón bạn bè mới. Ba mẹ con nói con có tính đố kỵ.

Tính đố kỵ có bình thường không? Làm sao xua ngay cảm xúc hậm hực đó để xây dựng quan hệ tốt với bạn bè xung quanh?

Một nữ sinh lớp Mười
(huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Ai đó đã nói rằng đố kỵ là sự ngưỡng mộ âm thầm những phẩm chất của người khác mà mình chưa có; chứng tỏ đố kỵ là một cảm xúc nhất thời, tự nhiên, vô hại ở con người. Nhà tâm lý học người Mỹ Joel Frank cho rằng đố kỵ là sự kết hợp giữa sợ hãi, bất an và so sánh.

Cảm xúc ấy bắt nguồn từ ước muốn hoàn thiện bản thân. Đứng trước một điều tốt đẹp, ai chẳng bị thu hút và ước muốn đến gần hoặc sở hữu nó. Nếu đố kỵ đến mức cảm thấy đau và tức tối khi người khác vui hưởng lợi lộc, đồng thời chỉ muốn tước đoạt và phá hoại niềm vui của họ thì đã trở thành độc hại. Nó làm giảm sút lòng tin và sự gần gũi giữa 2 bên, khiến người ta dễ có hành vi cạnh tranh, thái độ kiêu ngạo với nhau. Giới trẻ gọi đó là “bệnh GATO” (ghen ăn, tức ở).

Khoa học não bộ đã chỉ ra rằng đố kỵ với người khác sẽ kích thích thùy trán của vỏ não, có liên quan đến cơn đau thể chất và nỗi đau tinh thần. Trải nghiệm về sự đố kỵ là yếu tố dự báo về sức khỏe tâm thần kém hơn và hạnh phúc thấp hơn trong tương lai của một người.

Một số nghiên cứu cho biết sự đố kỵ khác nhau theo lứa tuổi và giới: người còn trẻ có thể đố kỵ với những người hơn tuổi về những thành công trong giáo dục và xã hội, ngoại hình và tài năng; người trưởng thành ghen ghét nhau về tài sản; đàn ông có sự ganh tị về địa vị xã hội và uy tín; phụ nữ hay so bì với nhau về sự hấp dẫn; nghệ sĩ tức nhau về sự nổi tiếng…

Có 2 lý do để cháu cần dẹp tan cảm xúc đố kỵ trong lòng.

Thứ nhất, đố kỵ vừa biểu lộ niềm ước ao muốn có được những điều thiện hảo trong đời vừa biểu lộ sự thất vọng vì những điều mình đã nhận được từ cuộc sống. Điều đó khiến người ta trở nên xấu tính, so đo, tức tối khi cảm thấy chẳng ai cho mình điều gì, từ đó quay sang hậm hực với người giỏi giang, nổi bật, có tiếng tăm.

Thứ hai, đố kỵ thường xuất hiện ở những người không có lòng biết ơn. Bởi vì lòng biết ơn nảy sinh tình yêu thương, thói đố kỵ chỉ sinh ra thù ghét.

Để chiến thắng thói đố kỵ gây cảm xúc tiêu cực trong tình bạn, cháu nên áp dụng các cách sau:

- Công nhận, khích lệ, cổ vũ thành tích của bạn bè, xem như mình có thêm động lực để phấn đấu.

- Không “dìm hàng”/đánh giá thấp bất kỳ ai được ca ngợi là ưu tú, hoàn hảo. Mặt khác, không coi thường bản thân là kém cỏi, thiếu may mắn; cũng không khoe khoang, tâng bốc mình khiến bạn bè ganh ghét.

- Ngừng theo dõi những nhân vật trên mạng làm mình nảy sinh tâm lý đố kỵ.

- Không ngồi lê đôi mách, nói xấu sau lưng bạn. Đây là hình thức thể hiện sự đố kỵ phổ biến nhất trong học đường.

- Đem lòng biết ơn thay thế cho sự đố kỵ vào những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống hằng ngày.

Bác sĩ Hoa Tiêu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI