Chỉ đường cho hươu...: "Black dog" là gì?

03/09/2024 - 10:00

PNO - Quanh con rất nhiều người mắc chứng “black dog”. Con sợ bị lây cái bệnh bạc nhược đó và đánh mất niềm vui sống cũng như mục tiêu phấn đấu.

Con học năm cuối phổ thông, ở chung xóm trọ với các anh chị sinh viên, công nhân để gần trường tiện đi học. Một số anh chị có tâm trạng buồn chán, đơn điệu, bế tắc, hay than thở về không khí giảng đường tẻ nhạt và mệt mỏi. Các anh chị bảo ngày nào cũng chán, chẳng làm được tích sự gì, chơi nhiều cũng chán, thoải mái quá cũng chán, học lại càng chán hơn… Mấy anh làm công nhân thì lười biếng, mở miệng là cáu kỉnh, hành xử thiên về bạo lực, suốt ngày thở dài, cứ như không thiết sống nữa.

Khi con hỏi thăm thì 1 anh sinh viên bảo họ bị mắc chứng “black dog”. Con sợ bị lây cái bệnh bạc nhược đó và đánh mất niềm vui sống cũng như mục tiêu phấn đấu.

Một nam sinh 17 tuổi (TP Thủ Đức, TPHCM)

Ảnh minh họa - Shutterstock
Ảnh minh họa - Shutterstock

Nếu một người hay cáu kỉnh, cảm thấy cô độc, trống rỗng, vô dụng và lãnh đạm với xung quanh; cảm thấy mình làm việc quá nhiều, lạm dụng chất kích thích hoặc phải tìm kiếm cảm giác mạnh từ các hoạt động mạo hiểm, có lẽ người ấy đang mang một black dog - cách ví von tượng hình của chứng depression - trầm cảm.

Chứng này có những dấu hiệu dễ nhận biết: hay bực tức và nản chí/dễ gây gổ/dễ mạo hiểm (lái xe lạng lách, phóng nhanh vượt ẩu và quan hệ tình dục bừa bãi chẳng hạn)/tránh các hoạt động chung của nhóm bạn hoặc gia đình/than mệt mỏi/đánh mất sự say mê học tập và làm việc, các sở thích và việc quan tâm xây dựng các mối quan hệ. Nặng nhất có thể xuất hiện ý nghĩ tự sát (ở nam giới nhiều gấp 4 lần so với phụ nữ). Nhẹ hơn thì luôn miệng thở dài khi trò chuyện với mong muốn được giãi bày tâm sự và tìm kiếm sự chia sẻ. Cũng có người “bán than” trên mạng xã hội để vơi bớt nỗi lòng. Bệnh chán này vô tình lan sang những cư dân mạng khác.

Nhiều người cho rằng sở dĩ một số thanh thiếu niên hay than phiền là do thiếu sân chơi bổ ích, chương trình học ít lôi cuốn, ít được rèn luyện các kỹ năng mềm. Không phải thời nay thanh niên mới cảm thấy buồn, “sống mòn”.

Điều tra năm 2010 của phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Hồng Tung (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho thấy, sau 5 năm, tình trạng bi quan, chán nản trong thanh niên có chiều hướng tăng lên một cách đáng lo ngại: 73,1% thanh niên từng có cảm giác buồn chán, 27,6% từng thấy mình vô tích sự đến nỗi không muốn hoạt động như bình thường, 21,3% từng thất vọng hoàn toàn về tương lai và 4,1% nảy sinh ý định tự giải thoát.

Điều đáng ngạc nhiên là ở nhóm tuổi càng trẻ hơn thì mức độ và tỉ lệ buồn chán càng cao: 75% người được hỏi trong độ tuổi 14-17 và 18-21 từng trải qua tâm trạng chán nản, buồn rầu trong khi ở nhóm tuổi 22-25 là hơn 65%.

Kết quả khảo sát khác của phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Hồng Tung, trong số hơn 2.000 thanh niên tham gia trả lời, có đến 84,5% cho biết họ “chưa bao giờ” nghĩ đến việc tự tử, có 10,6% cho biết họ “hiếm khi”, 3,5% “thỉnh thoảng” và 1,4% “thường xuyên” hay “rất thường xuyên” nghĩ đến việc “đăng xuất khỏi trái đất”.

Kết quả điều tra đã đưa ra lời cảnh báo về hiện tượng người trẻ có xu hướng sống tiêu cực đang gia tăng. Nhiều bạn trẻ có biểu hiện rõ về sự lạnh lùng, vô cảm với chính mình và các mối quan hệ xã hội (chán sống, sử dụng chất kích thích, khủng hoảng, rạch tay, không giúp đỡ người bị nạn, sống buông thả, đi hoang, tự tử...). Khảo sát trên nhiều học sinh, sinh viên cho biết có 2,6% trả lời luôn có hung khí trong người và sẵn sàng hành xử bạo lực.

Cháu nên tìm hiểu và chuyển đến khu nội trú có giá ưu đãi cho học sinh sinh viên hoặc bàn bạc với gia đình đến ở nhờ nhà họ hàng có nền nếp, trật tự, tôn trọng việc học. Dù ở xa trường hơn chỗ trọ cũ hoặc giá đắt hơn nhưng bù lại, cháu sẽ dậy sớm hơn, tự lo bữa sáng đầy đủ và đem theo nước uống để có sức học cả buổi; chiều về tắm rửa, giặt giũ, làm bài, giải trí. Cháu sẽ có thêm kỹ năng quản lý thời giờ, tiết kiệm tiền và chăm sóc bản thân. Điều đó giúp đẩy các chất hóa học lên làm hưng phấn não, xua tan các triệu chứng buồn chán, giảm căng thẳng thần kinh và sự giận dữ (nếu có).

Có câu nói: “Không có ai chết đuối trong mồ hôi của chính mình”. Vạch cho mình mục tiêu và sự chuyên cần, cháu sẽ đi đến đích, sợ gì black dog!

Bác sĩ Hoa Tiêu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI