Chỉ đường cho hươu: Bị "hội đồng"

02/12/2024 - 06:35

PNO - “Chị đại” này thù và ghim con vụ cãi nhau trên mạng nên đang tung quân điều tra con

Con học lớp Mười. Gần đây, con cãi thắng một bạn trên mạng, ai ngờ đó là “trùm trường” con và học trên con 2 lớp. “Chị đại” này thù và ghim con vụ cãi nhau trên mạng nên đang tung quân điều tra xem con tên thật là gì, học lớp nào để kéo bè phái khủng bố, bắt nạt, cô lập và “xử án”.

Con cảm thấy bất an, suy sụp, gần như luôn trong tình trạng sợ hãi. Đi học thì con lạc lõng, phiền muộn vì cả lớp không ai chấp nhận con; ở nhà thì con liên tục đau đầu, đau bụng, mất ngủ... Máy tính, điện thoại hay thư mới trong hộp thư cũng khiến con hoảng hốt.

Con phải làm gì bây giờ?

Một nữ sinh 15 tuổi (quận 7, TPHCM)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock


Thời nay, tình trạng học sinh các cấp bị bạo lực mạng không ngừng tăng bởi đây là nhóm đối tượng sử dụng mạng nhiều nhất (blog, phòng chat, mạng xã hội hay trang confession…), bởi kẻ bắt nạt tha hồ công kích người khác sau màn hình/qua bàn phím mà danh tính bản thân không bị bại lộ, khiến họ cảm thấy an toàn hơn. Thế nhưng, chẳng ai vô cớ công kích người khác, phải không? Theo trang Very well family, có 3 nguyên nhân:

- Coi đó là cách phản đòn gián tiếp: Khi hằng ngày bị dồn ép, gây sự, người ta có xu hướng “giận cá chém thớt”, trút giận lên người khác, bao gồm những kẻ đã gián tiếp làm tổn thương họ. Kể cả biết đó là biện pháp tiêu cực, họ vẫn làm vì muốn người khác cũng phải chịu khổ như mình.

- “Ngáo quyền lực”: Người ra đòn nghĩ mình luôn đúng, tự cho mình quyền chỉ trích người khác, phán xét đúng sai hoặc đôi khi cho rằng nạn nhân đáng phải chịu những điều đó. Các anh hùng bàn phím cho rằng “mình không làm người khác cũng làm” và ngang nhiên thực hiện hành vi đó.

- Trò tiêu khiển mạng: Không ý thức được việc tấn công người khác qua mạng sẽ gây tổn thương tinh thần người ta đến đâu, kẻ bắt nạt chỉ coi đó như trò tiêu khiển, thu hút sự chú ý để có được cảm giác thành công.

Bạo lực mạng (cyber bullying) là hình thức bắt nạt, quấy rối thông qua phương tiện điện tử. Kỹ thuật số càng phát triển, tình trạng bạo lực mạng xảy ra ở thanh thiếu niên càng tăng. Hành vi bắt nạt bao gồm đăng tin đồn, đe dọa công kích cá nhân, quấy rối, tung thông tin cá nhân, dùng từ ngữ thù ghét “dán nhãn” cho đối tượng… được lặp đi lặp lại, gây tổn hại trực tiếp đến sức khỏe tinh thần của nạn nhân, khiến nạn nhân gia tăng cảm xúc tiêu cực, lo lắng bất an và có thể dẫn đến trầm cảm, thậm chí tự tử.

Giống như cháu lúc này, các nạn nhân phải hứng chịu sự phủ nhận của một nhóm người trong thời gian dài, dẫn đến cảm giác cô độc, tách biệt xã hội, lòng tự tôn sụt giảm:

1. Các nạn nhân ở độ tuổi nổi loạn thường có xu hướng không chia sẻ với phụ huynh mà loay hoay tìm cách tự giải quyết hoặc “cắn răng” chịu đựng một mình. Họ sợ cha mẹ can thiệp và bị tước quyền lợi (tịch thu điện thoại, cấm truy cập mạng…) hoặc sợ cha mẹ “phán” rằng dám làm thì dám chịu, mặc kệ, chơi ngu còn kêu ai...

2. Mâu thuẫn trong thế giới ảo sẽ kéo theo việc “xử nhau” ngoài đời thực. Chấm dứt hoàn toàn tình trạng này phụ thuộc vào văn hóa hành xử, cách suy nghĩ và ý thức của từng người. Nhiều em dại dột nhờ các “anh em xã hội” gặp đối thủ dàn xếp khiến tình trạng bạo lực leo thang.

3. Đến bây giờ vẫn chưa có biện pháp cụ thể hay rõ ràng nào. Đa số lời khuyên cho rằng lứa tuổi vị thành niên cần sử dụng mạng đúng cách, áp dụng các biện pháp ngăn chặn một số diễn đàn không lành mạnh.

Có 1 cách rất nhanh gọn: cháu hãy khóa trang cá nhân, rời khỏi mạng, ra ngoài nhiều hơn; nếu bị truy ra, hãy hạ cái tôi để xin lỗi nhân vật đó một cách thành khẩn (xin lỗi chưa hẳn vì cháu nói sai, cãi cùn mà là thái độ tranh luận chưa văn minh chẳng hạn). Nếu đối phương có ý định hành hung, cháu hãy tìm kiếm sự bảo vệ an toàn.

Bác sĩ Hoa Tiêu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI