Chỉ đường cho hươu...: Ba mẹ đòi lại quà

23/10/2024 - 05:50

PNO - Theo số liệu nghiên cứu không chính thức, hơn 80% trẻ vị thành niên tại Việt Nam được xếp vào đối tượng nghiện điện thoại thông minh. So với các nước trên thế giới, tỉ lệ này ở mức độ rất cao.

Khi con lên cấp III, ba mẹ thưởng 1 chiếc điện thoại thông minh. Ban đầu, con rất thích thú với chiếc điện thoại mới, tải từ điển tiếng Anh và các ứng dụng học tập về máy. Đi kèm với đó, con cũng tập sử dụng mạng xã hội và nhiều ứng dụng như Viber, Zalo...

Về sau, con coi chiếc điện thoại là vật bất ly thân, là cầu nối với thế giới. Mới gặp ai lần đầu, chúng con không chỉ hỏi nhau tên tuổi, số điện thoại mà còn trao đổi tài khoản mạng xã hội; nhiều khi quên cả tên thật, chỉ nhớ tên giao lưu kết bạn trên mạng. Đi đâu mà lỡ không cầm theo điện thoại di động, con cảm thấy bồn chồn, lo âu. Ngồi ăn với gia đình, thay vì giao tiếp với mọi người, con cứ cắm mặt vào màn hình…

Vì chuyện này, gia đình con nổ ra chiến tranh lạnh. Ba mẹ kết tội con bị nghiện điện thoại và tịch thu “tang vật”. Con bất mãn khi ba mẹ đã thưởng rồi mà đòi lại.

Một nam sinh lớp Mười một (quận Bình Thạnh, TPHCM)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Chưa đủ bằng chứng thực nghiệm để chứng minh nghiện điện thoại thông minh cũng giống các chứng nghiện khác như ma túy hay cờ bạc. Tuy nhiên, tâm lý học đã dùng từ Nomophobia để gọi tên chứng rối loạn lo âu liên quan đến việc không có điện thoại di động. Có người bị tăng nhịp tim và huyết áp, thậm chí toát mồ hôi và không làm được gì.

Ông Nitin Gajria - Giám đốc Google Việt Nam - công bố: số lần 1 người Việt cầm điện thoại xem mỗi ngày là 150 lần, bình quân khoảng hơn 10 lần trong vòng 1 giờ bởi không phải ai cũng đem theo máy tính xách tay khi ra ngoài nhưng điện thoại thì có thể mang đi bất cứ đâu, dùng bất cứ khi nào. Theo số liệu nghiên cứu không chính thức, hơn 80% trẻ vị thành niên tại Việt Nam được xếp vào đối tượng nghiện điện thoại thông minh. So với các nước trên thế giới, tỉ lệ này ở mức độ rất cao.

Cháu tự xét xem, ngoài những điều cháu nhận ra ở bản thân, có thêm các triệu chứng này không:

- Không muốn để lỡ cuộc gọi nào/phải trả lời tin nhắn ngay, thành ra chẳng có việc gì cũng mở điện thoại xem, rồi lại cất đi.

- Hay gặp hiện tượng “tiếng rung ma”: ngỡ có chuông báo từ điện thoại hoặc nghe nhạc chuông của người khác cũng giật mình nghĩ là của mình dù trên thực tế máy đang im lìm.

- Thức dậy và đi ngủ cùng với việc kiểm tra xem có tin nhắn, cuộc gọi hay thông báo từ các ứng dụng, thậm chí nửa đêm thức giấc cũng vớ ngay điện thoại để mở xem có “động tĩnh” gì không…

- Cảm thấy khó chịu, bồn chồn khi điện thoại hết pin, sập nguồn, ngoài vùng phủ sóng, mạng yếu… và phải khắc phục ngay khi có thể để cập nhật thông tin bởi sợ mình sẽ thành… người tối cổ.

- Học hành sao nhãng, kết quả giảm sút vì cắt xén thời gian cho việc ngồi lướt mạng, tán gẫu với bạn bè, nghe nhạc, chơi game…

- Giảm thời gian cho gia đình, bạn bè, hoạt động ngoài trời và các mối quan hệ xã hội; hạn chế nói chuyện trực tiếp, thay vào đó là nhắn tin, gọi điện, gửi hình.

Điện thoại di động mang tới nhiều tiện ích, giúp người dùng tiếp cận kho tàng tri thức vô tận, khơi nguồn sáng tạo và có nhiều trò giải trí lý thú. Nếu để bị nghiện thì tai hại nhất là mất thời gian vô ích, cũng như các phương tiện giao thông giúp con người di chuyển được dễ dàng và nhanh hơn nhưng mặt trái là gây tai nạn, thương tích.

Chẳng hạn việc sử dụng điện thoại quá nhiều dẫn đến một bệnh lý mới - bệnh cúi đầu, ảnh hưởng tới hệ xương, đặc biệt là xương vùng cổ, vai, gáy, lưng…

Theo Trung tâm Phẫu thuật cột sống và phục hồi chức năng New York (Mỹ), cúi đầu một góc 45 độ sẽ làm tăng thêm 22kg đè lên cổ, góc cúi càng tăng thì trọng lượng “đè” lên cổ càng lớn khiến cơ ở vùng lưng, vai, cổ bị mỏi, đau nhức…

Ba mẹ cháu nghiêm khắc trong quản lý việc dùng điện thoại của con cái là có lý do chính đáng. Cháu hãy “cai” lướt điện thoại bằng cách cam kết với ba mẹ chỉ mở những ứng dụng thiết thực cho việc học tập/giải trí lành mạnh; quản lý giờ vào mạng; tắt điện thoại khi ngủ và để xa tầm tay; đặt chuông báo thức bằng đồng hồ; tăng cường hoạt động thể chất và giao tiếp… Hãy coi chiếc điện thoại như người giúp việc chứ đừng biến nó thành ông chủ của cháu.

Bác sĩ Hoa Tiêu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI