Chỉ đường cho hươu: "Anh đã quyết, cấm cãi!"

19/01/2025 - 07:11

PNO - Định kiến có thể khiến ta mất đi khả năng nhìn nhận thực tế muôn màu. Trong sinh hoạt, định kiến dẫn đến thói tẩy chay, công kích ngầm từ những chuyện nhỏ nhặt, làm sứt mẻ các mối quan hệ.

Con từ miền Tây lên thành phố làm việc, bạn trai con quê miền Trung. Anh ấy rất giỏi giang tháo vát, nên đã gây dựng được cơ ngơi khang trang. Anh đưa được ba mẹ và 2 em vào sống chung. Bởi thế, bà con dòng họ coi anh là người đàn ông thành đạt, đầy quyền uy.

Nhưng con thấy anh càng ngày càng bảo thủ, luôn coi mình là sáng suốt, giành quyền quyết định thay con và mọi người trong gia đình. Câu nói thường ngày của anh là: “Anh đã quyết rồi! Cấm cãi!” (mặc dù sai lè và đầy định kiến).

Anh cũng thường đem các tiêu chuẩn “nhà anh”, “quê anh”, “món ăn xứ anh” ra bắt con phải theo. Bực nhất là anh hay đánh giá con người qua vẻ ngoài, xuất thân của họ, ngay cả với ba mẹ con, khiến con rất ức chế. Nhiều khi anh bị người xung quanh ghét vì phân biệt, kỳ thị.

Em gái 18 tuổi (quận Gò Vấp, TPHCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhiều người mang sẵn định kiến về ai đó, điều gì đó qua “kinh nghiệm”, “vốn sống”, “lời dạy của cổ nhân”. Họ đánh giá chủ quan về một người hoặc một nhóm người qua giới tính, quan điểm sống, quan hệ xã hội, tuổi tác, tôn giáo, dân tộc, ngôn ngữ, quốc tịch... hoặc các đặc điểm cá nhân khác, từ đó dẫn đến việc phân biệt đối xử. Người định kiến chỉ cảm thấy thoải mái, tin cậy với những người thuộc “phe mình” và né tránh hoặc loại bỏ những người thuộc “phe khác”.

Trong dân gian, biết bao đúc kết qua thành ngữ, tục ngữ, ca dao, dân ca quy chụp những đặc điểm bất biến về người hay vật, xuất phát từ cách nhìn sai lệch hoặc dựa trên cảm tính và có chiều hướng “dìm hàng”. Chẳng hạn, đánh giá về con người thì “nhất lé, nhì lùn, tam hô, tứ rỗ”, “quân tử lông chân, tiểu nhân lông ngực, “đàn ông rộng miệng thì sang, đàn bà rộng miệng tan hoang cửa nhà”, “những người ti hí mắt lươn, trai thì trộm cướp, gái buôn chồng người”; chọn vật nuôi thì “gà đen chân trắng, mẹ mắng cũng mua, gà trắng chân chì, mua chi giống ấy”…

Có lẽ người ta luôn tìm kiếm và cảm thấy yên tâm khi ở bên những người được cho là giống mình (cùng huyết thống, đồng hương, đồng bào...). Từ việc cảm thấy thoải mái và an toàn, dễ thông cảm, dễ sống với những người cùng “tần số” với mình, người ta có thể e ngại, lo lắng thậm chí có thái độ kỳ thị với những người khác “hệ”.

Ngay ở các nước phương Tây, đa số người dân cởi mở khi tiếp xúc với các dân tộc khác, nhưng vẫn có khoảng 10% - 20% dân chúng có thái độ thù địch công khai với người nhập cư và những người thuộc nhóm yếu thế, bị cho là đe dọa giá trị truyền thống của họ.

Theo nhà báo lão thành người Mỹ Walter Lippmann, sở dĩ định kiến len lỏi được vào đầu óc của nhiều người là vì:

- Là thứ có sẵn, cần là có ngay.

- Bao giờ cũng giản đơn hơn thực tiễn.

- Thường giả tạo và hời hợt, nên dễ hòa hợp với số đông.

- Có sức sống dai dẳng.

Đành rằng kinh nghiệm sống giúp cho con người gây dựng nên những quy tắc chung mang giá trị nhất thời nào đó, nhưng các định kiến có thể khiến ta mất đi khả năng nhìn nhận thực tế muôn màu đang diễn ra.

Trong sinh hoạt, định kiến dẫn đến thói tẩy chay, công kích ngầm từ những chuyện nhỏ nhặt khiến người khác bất mãn, giận dữ, mất lòng, làm sứt mẻ các mối quan hệ.

Để góp ý với người yêu, nhất là một người luôn nói "Anh đã quyết rồi!" thật khó. Có lẽ cháu nên thử cách thủ thỉ những câu chuyện đời thực với anh ấy. Ví dụ, chuyện xảy ra tại ngôi trường ở một thị trấn của Bỉ có những học sinh di cư người Hồi giáo học cùng dân bản địa. Trẻ em di cư với trẻ em bản xứ vui vẻ hòa đồng với nhau. Một ngày nọ, một phụ huynh nhập cư viết thư gửi thị trưởng, đề nghị bỏ các món ăn có nguồn gốc thịt heo khỏi thực đơn căn-tin nhà trường, vì dẫu học trò Hồi giáo không ăn thịt heo, nhưng việc nhìn thấy thịt heo hàng ngày cũng là sự xúc phạm đến tôn giáo.

Ngài thị trưởng đã viết thư trả lời phụ huynh vô cùng nhã nhặn: "Thưa bà, con cái bà đã sống và hoà nhập ở quê hương mới một cách tốt đẹp. Vậy tại sao giờ đây bà lại muốn biến nơi đó trở thành giống như nơi bà đã ra đi?".

Mưa dầm thấm lâu, hy vọng người yêu cháu sẽ ứng xử tốt hơn, để vừa không bị "mất gốc", vừa hòa hợp với văn hóa của mảnh đất anh ấy chọn làm quê hương thứ hai.

Bác sĩ Hoa Tiêu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI