Chỉ đường cho hươu...: Ăn mặc, để tóc sao cho khỏi lố?

14/04/2023 - 10:44

PNO - Nên ăn mặc, để tóc sao cho vẫn thể hiện được cá tính mà không lố?

Mới đây, các phụ huynh lớp cháu xôn xao trước hình ảnh cô giáo dùng kéo cắt tóc nữ sinh ngay trên bục giảng. Phe tán thành cho rằng: “Cô làm điều này là bình thường. Gia đình không dạy được thì để cô dạy. Với tụi “quỷ nhỏ” cứ phải nghiêm khắc mới được”,

“Ủng hộ cô, tóc cắt đi sẽ mọc lại nhưng tính cách không uốn nắn từ nhỏ sẽ hỏng hết”… Ý kiến của phe chống: “Với tuổi teen, bị cắt tóc trước đám đông là lời sỉ nhục nặng, có thể ảnh hưởng tâm lý”, “Ngay giữa lớp học còn xử vậy, làm sao dạy trẻ biết tôn trọng người khác; biết tự bảo vệ mình khi bị người khác xâm phạm, xâm hại?”…

Chúng con nên ăn mặc, để tóc sao cho vẫn thể hiện được cá tính mà không lố ạ?

Một số học sinh lớp Mười (quận 4, TPHCM)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Xưa nay, những bộ đồng phục tinh khôi gắn liền với biết bao thế hệ học trò đã giúp học sinh trở nên bình đẳng. Tuy nhiên, nhiều học sinh dù giàu hay nghèo vẫn muốn “chơi nổi”, biến bộ đồng phục trở nên lố lăng, không phù hợp với lứa tuổi: quần đồng phục sửa thành bó sát cơ thể, váy đồng phục cắt thật ngắn như bước ra từ truyện tranh; nữ sinh phấn son, tóc để lòa xòa, nhuộm nhiều màu, đi giày cao gót; nam sinh để tóc dài đến vai hoặc vuốt keo dựng đứng như trên sàn diễn “thời trang” hay bắt chước theo thần tượng… cốt để thể hiện sự chống đối hoặc phá phách ở lứa tuổi nổi loạn. 

Các bạn ấy cho rằng mặc như vậy mới là người “sành điệu”, “đẳng cấp”, không bị thiên hạ chê là “lỗi thời”, “lạc hậu”; “học sinh nhuộm tóc đâu phải là xấu, có phải ai nhuộm tóc, ăn mặc sành điệu khi đi học đều lười học, nghịch ngợm, đua đòi, quậy phá, vô kỷ luật”; “đó chỉ là cách làm đẹp và thể hiện cá tính của bản thân thôi mà”…

Việc ăn mặc “phá cách” đi đôi với làm tóc/nhuộm tóc khiến các bậc phụ huynh lo lắng rằng con em mình dành nhiều thời gian để chăm chút vẻ bề ngoài sẽ lơ là việc học tập; vòi vĩnh, xin tiền cha mẹ để đua đòi “lên đồ” biết bao nhiêu là đủ; sợ trai gái mới lớn ăn mặc hớ hênh dễ thu hút bạn xấu hay kẻ không đứng đắn, bị lôi kéo vào những trò yêu đương vô bổ hoặc bị lạm dụng. 

Đồng phục học sinh bao gồm quần áo, giày dép, ba lô/cặp xách… thường là những món đồ giản dị, kín đáo, hợp lứa tuổi. Khi đến trường, học sinh mặc áo trắng với phù hiệu của trường, phối với quần tây/váy là hình ảnh gợi một vẻ đẹp trong sáng tuy không quá nổi bật nhưng vẫn rất thanh lịch.

Bộ đồng phục còn nhắc nhở học trò ý thức trách nhiệm và niềm tự hào về truyền thống ngôi trường đang theo học, đồng thời thể hiện sự chỉn chu, khỏe khoắn của bạn trai và nét duyên dáng, dễ thương của bạn gái. Các bạn học sinh từ chối bộ đồng phục khác nào từ chối tư cách học sinh. 

Nhiệm vụ hàng đầu của học sinh là dành thời gian học tập, tu dưỡng chứ không phải đi biểu diễn văn nghệ, tạo ấn tượng. Trước giờ, hình ảnh học trò vẫn luôn gắn với sự giản dị, trong sáng, chân phương. Ở trường, các cháu nên tuân thủ quy định về đồng phục và giữ vệ sinh sao cho luôn thơm tho, sạch sẽ, gọn gàng.

Ngoài giờ học, các cháu “có quyền” chọn những bộ trang phục mang đến phong cách tự do, thoải mái thể hiện sự sáng tạo. Đẹp không nhất thiết cứ phải “thời thượng”, miễn là hợp với lứa tuổi, vừa làm nổi bật nét đẹp của tuổi học trò vừa lịch sự. Ngay cả khi được phép nhuộm tóc như trong dịp hè hay nghỉ tết, các cháu cũng nên chọn màu nhuộm phù hợp, tránh những màu sắc lòe loẹt, phản cảm.

Hơn nữa, nhiều loại thuốc nhuộm tóc hiện nay có hóa chất độc hại, không rõ nguồn gốc xuất xứ, dễ gây hại đến sức khỏe cho lứa tuổi mới lớn.

Nhà văn Mỹ Mark Twain từng nói: "Quần áo làm nên diện mạo con người. Những kẻ mặc quần áo như… trần truồng không thể tạo được cái gì đó có ích cho xã hội". Ước gì khi đòi tự do trong chuyện thể hiện bản thân qua hình thức bên ngoài, các cháu cũng chủ động hơn trong việc sống có lý tưởng, biết tự lập, sẵn sàng làm điều tốt.

Bác sĩ HOA TIÊU

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI