Chỉ đường cho hươu...: 3 cấp độ phòng vệ

24/06/2024 - 17:21

PNO - Trẻ em về quê hòa mình vào thiên nhiên qua các hoạt động: tắm sông, đá banh, thả diều..., phải làm sao bảo vệ an toàn cho các em?

Gia đình cháu quây quần đông đúc, cháu lớn nhất 18 tuổi, ngoài 3 đứa em ruột còn có các em con dì, con cậu - 6, 7 đứa từ mẫu giáo đến cấp II - đều do cháu quản lý.

Kỳ nghỉ hè đến, các bậc cha mẹ khá giả thưởng cho con đi du lịch nước ngoài thăm danh lam thắng cảnh hoặc tham gia các câu lạc bộ năng khiếu, nhiều gia đình đưa con cái về quê thăm họ hàng để có dịp hòa mình vào thiên nhiên qua các hoạt động: tắm sông, đá banh, thả diều… Chúng cháu sống tại vùng quê luôn rồi nên cứ thả cho lũ trẻ tự chơi. Có điều, “An toàn là bạn, tai nạn là thù”, cháu phải làm sao bảo vệ các em?

Nguyễn Chí H. (Trị An, Đồng Nai)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Mọi người đều biết, mỗi ngày trẻ phải được chơi tự do (không có sự hướng dẫn của người lớn) ít nhất 1 tiếng rưỡi. Chơi tự do là lúc trẻ “mô phỏng” cuộc sống - vừa vui chơi và phát triển tính tự lập, vừa hòa đồng với tập thể thay vì chỉ ru rú trong nhà vì sự an toàn. Thế nhưng, điều các nhà chuyên môn cũng như nhiều bậc cha mẹ lo lắng là tai nạn thương tích đã và đang là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 15 tuổi tại Việt Nam.

Ngoài tai nạn giao thông và đuối nước là 2 nguyên nhân chính gây tử vong ở lứa tuổi sơ sinh cho đến vị thành niên, còn nhiều rủi ro khi các em tham gia hoạt động ngoài trời như bị côn trùng chích (ong, kiến ba khoang, rết, bò cạp…); rắn cắn; trèo cây bị té; bị động vật (chó, trâu, bò, ngựa…) cắn, húc, đá…; ngộ độc (thức ăn, thuốc ngủ, chất tẩy rửa, thuốc trừ sâu, a xít…); say nóng; say nắng…

Những tai nạn thương tích ở trẻ khi hoạt động ngoài trời có thể tổng hợp thành những nhóm nguy cơ:

1. Các tai nạn thương tích không chủ ý như tai nạn giao thông, đuối nước, té, ngộ độc, điện giật, hóc, nghẹn…

2. Có chủ ý như: đánh nhau, tự tử, bạo lực gia đình…

Ngay ở trong nhà cũng ẩn chứa những rủi ro gây tai nạn thương tích cho trẻ như: phỏng (lửa, nước sôi, canh nóng, cà phê nóng…), khói độc xông vào đường thở, vật nhọn đâm vào mắt, hóc dị vật đường thở (hột trái sa-pô-chê, hột bắp, đồ chơi…), sặc sữa/cháo, “chết đuối trên cạn” do chúi đầu vào vật dụng chứa nước, té cầu thang/lầu, điện giật…

Căn cứ vào toàn bộ quá trình trước, trong và sau khi tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích, ta chia thành 3 cấp độ dự phòng:

- Dự phòng cấp 1: nhằm tránh để xảy ra tai nạn thương tích bằng cách loại bỏ các yếu tố nguy cơ hoặc không tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây tai nạn: lắp đặt rào chắn quanh ao hồ, đậy nắp hố gas, để bình nước nóng ở nơi an toàn mà trẻ em không với tới được…

-Dự phòng cấp 2: nhằm giảm mức độ nghiêm trọng của các thương tổn khi xảy ra tai nạn thương tích: đội nón bảo hiểm khi đi xe máy, cài dây an toàn khi ngồi ô tô hoặc máy bay, mặc áo phao lúc đi tàu thuyền…

- Dự phòng cấp 3: thực hiện biện pháp sơ cấp cứu và điều trị để giảm thiểu hậu quả của tai nạn thương tích, tàn tật và tử vong.

Việc học cách sơ cấp cứu giúp trẻ bình tĩnh khi đứng trước tai nạn. Trẻ cần biết cách xử trí và làm đúng ngay từ đầu trong khi chờ đợi người lớn đến cứu giúp và gọi được cấp cứu đến hỗ trợ: sơ cứu ngạt thở, ngừng thở, ngừng tim (trường hợp điện giật, đuối nước, phỏng, té…); xử trí ban đầu khi bị chấn thương mắt; xử trí khi ngộ độc thực phẩm, hóa chất; cầm máu vết thương; xử trí trước trường hợp ngất xỉu, ong chích, rắn cắn…

Những ngày quá nắng nóng không ra ngoài chơi, cháu có thể tổ chức cho các em vui chơi tại nhà theo chủ đề, chẳng hạn “bày buổi cắm trại trên bãi biển”: cũng che dù, trải khăn, bày đồ hàng tưởng tượng cho bữa tiệc nướng. Hoặc vài hàng ghế nhựa có thể giúp các em cháu học văn minh khi lên xuống, nhường ghế khi “đi xe buýt”. Cháu còn có thể dạy các em những bài học về giáo dục giới tính và phòng tránh xâm hại tình dục…

“Làm anh thật khó/Nhưng mà thật vui”, cháu hãy tự trang bị cho mình và truyền đạt cho các em 3 cấp độ phòng vệ để người lớn trong nhà có thể yên tâm buông tay cho con nghỉ hè.

Bác sĩ Hoa Tiêu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI