"Chỉ đúng đường cho hươu con" trong trường tiểu học

25/10/2022 - 20:48

PNO - Suốt 3 năm qua, các câu chuyện về giới tính được học sinh Trường TH Nguyễn Thái Học (quận 1) mạnh dạn trao đổi thông qua Câu lạc bộ Bạn gái.

"Các bạn có biết "dâu rụng" là gì không?"- "Là rụng tóc phải không cô?"; "Là đến kỳ kinh nguyệt phải không cô?"... buổi sinh hoạt Câu lạc bộ (CLB) Bạn gái, Trường TH Nguyễn Thái Học (quận 1) cho học sinh nữ khối 5 sáng 25/10 được bắt đầu như thế. 

Cô Phạm Thị Thanh Huyền, chuyên viên tâm lý, chủ nhiệm CLB Bạn gái giải thích: "Cô dùng từ "dâu rụng" là để mô tả hiện tượng sinh lý rất bình thường của bạn nữ chúng mình. Đây là kết quả thay đổi nội tiết hàng tháng trong cơ thể, khi cơ thể xuất hiện kinh nguyệt theo chu kỳ chứ không phải là bị chảy máu đâu. Thông thường, từ 11- 18 tuổi sẽ bắt đầu thời kỳ "dâu rụng". Thế nhưng cũng sẽ có một số bạn từ 8 tuổi đã có kinh nguyệt rồi và được gọi là dậy thì sớm".

"Vậy khi bị "dâu rụng" phải làm gì ạ cô?", Tống Gia Hân (lớp 5/6) mạnh dạn đặt câu hỏi.

"Khi đến thời kỳ "dâu rụng" các em cần phải báo với ba mẹ, giáo viên và những người mà các em cảm thấy tin tưởng để được giúp đỡ nhé. Khi "rớt dâu" ở trường các em có thể xuống phòng y tế hoặc phòng tâm lý để nhờ các cô hỗ trợ", cô Huyền nhắn nhủ. 

Học sinh nữ mạnh dạn chia sẻ các vấn đề về giới tính trong CLB Bạn gái
Học sinh nữ mạnh dạn chia sẻ các vấn đề về giới tính trong CLB Bạn gái

CLB Bạn gái ra đời từ năm học 2019-2020, với mong muốn trang bị sớm cho học sinh nữ kiến thức về tâm sinh lý, giới tính, kỹ năng cơ bản nhận biết và phòng tránh xâm hại trẻ em. CLB sinh hoạt mỗi tháng một lần, luân phiên từng khối 3, 4, 5. Chủ đề xoay quanh kiến thức về tâm sinh lý, giới tính, phòng chống xâm hại... song nội dung sẽ ở những mức độ phù hợp với nhận thức của học sinh từng khối lớp.

"Câu chuyện về giáo dục giới tính vẫn được xem là vấn đề nhạy cảm của nhiều gia đình. Người lớn vẫn cho rằng lứa tuổi tiểu học còn nhỏ, biết gì đâu mà nói, nói ra khác nào "vẽ đường cho hươu chạy". Thế nhưng, tỷ lệ học sinh dậy thì sớm hiện đang ngày càng gia tăng; học sinh lại có nhiều điều kiện tiếp xúc với các thông tin về giới tính trên mạng xã hội; ngày càng nhiều các vụ xâm hại trẻ em... thì cần thiết người lớn phải "chỉ đúng đường" để các em hiểu đúng, không tò mò làm theo các thông tin xấu, độc", cô Phạm Thị Thanh Huyền khẳng định.

Cô Nguyễn Thị Như Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Thái Học kể, trước đây từng có nhiều học sinh nữ bật khóc khi đi học... mà xuất hiện kinh nguyệt. Khi đó, chính thầy cô cũng lúng túng vì bất ngờ. Đôi khi thầy cô cũng gặp khó để phát hiện, hỗ trợ kịp thời học sinh các câu chuyện về giới tính, tâm lý, mâu thuẫn lứa tuổi như... nghỉ chơi, cô lập các bạn trong lớp.

"CLB Bạn gái hoạt động với 100% học sinh nữ ở 3 khối 3, 4, 5 tham gia. Các em rất thoải mái, mạnh dạn chia sẻ câu chuyện thầm kín của bản thân, tự tin khi được hỗ trợ, giúp đỡ. Không còn học sinh nữ nào phải bật khóc về chuyện này nữa. Nhiều câu chuyện các em không chia sẻ với cô chủ nhiệm nhưng lại sẵn sàng viết thư tâm sự với cô tư vấn tâm lý... Từ đó, nhiều vấn đề đã được nhà trường can thiệp, trao đổi với phụ huynh kịp thời để nâng đỡ các em. Đến nay các vấn đề về giới tính được học sinh trong trường nắm rất vững, phụ huynh cũng an tâm", cô Nguyễn Thị Như Quỳnh vui mừng nói.

Những lá thư "thủ thỉ thù thì"

Cô Phạm Thị Thanh Huyền vui mừng khi nhận được những lá thư thủ thỉ thù thì của học sinh
Cô Phạm Thị Thanh Huyền vui mừng khi nhận được những lá thư "thủ thỉ thù thì" của học sinh

"Hôm nay là thứ 7, sau khi con đi chơi về, vô nhà vệ sinh thì thấy máu chảy ra nhiều. Mẹ kêu là "bị rồi để mẹ lấy băng cho dán". Cô ơi, khi con bị kinh nguyệt thì con nên làm gì để giữ vệ sinh và không nên làm gì ạ?".

"Cô giáo lớp con nói là không biết bài nào cứ giơ tay làm, nếu làm sai cô sửa. Khi con làm sai cả lớp cười con, con quê lắm, con cũng buồn. Tới giờ ra chơi các bạn lại chọc con hoài, con buồn mà con không dám khóc, con sợ khóc các bạn cười con thêm. Con phải làm sao ạ?".

"Trong lớp có một bạn nam rất hay làm phiền con. Con rất bực bội và đã nói với ba mẹ, cô giáo nhưng bạn vẫn cố chấp. Con chỉ giải quyết bằng cách khuyên bạn và không nhắc lại chuyện đó nữa. Cô còn cách giải quyết gì giúp con không?"...

Những lá thư được học sinh Trường TH Nguyễn Thái Học gửi nhờ cô Phạm Thị Thanh Huyền "gỡ khó" thông qua hộp "biết tuốt" trước cửa phòng tư vấn. Khi khó nói trực tiếp tại CLB Bạn gái, các bạn sẽ tìm đến hòm thư, gặp riêng cô để chia sẻ. Ngoài những lá thư xin lời khuyên về chuyện tế nhị, nhiều lá thư còn tâm sự về chuyện gia đình, hay chỉ đơn giản kể về niềm vui khi được điểm cao, được bạn bè giúp đỡ... Có khi có cả thư của các bạn nam. 

"Tôi luôn khuyến khích học sinh đề tên khi gửi thư để có thể tìm hiểu cặn kẽ vấn đề mà các em gặp phải, bởi có vấn đề phải cần đến sự hỗ trợ của giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu và phụ huynh. Khi nhận được thư, tôi sẽ viết thư trả lời từng em, gấp thư thành hình trái tim và trao tận tay học sinh...", cô Phạm Thị Thanh Huyền chia sẻ.

Quốc Trung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI