Chị Đỗ Thị Xuân Chi - Tự hào khi được góp phần tạo luồng sinh khí mới cho sự bình đẳng về giới trong đơn vị

31/01/2022 - 07:18

PNO - Trung tâm Chăm sóc khách hàng (CSKH) của EVNHCMC hôm nay là cổng kết nối hiện đại, chuyên nghiệp và thân thiện với hàng triệu khách hàng sử dụng điện ở TP.HCM.

Thế nhưng ít ai biết, năm 2012, khi EVNHCMC quyết định thành lập Trung tâm CSKH, đã có biết bao khó khăn. 

Người được nhận trọng trách xây dựng trung tâm vào những ngày đầu là chị Đỗ Thị Xuân Chi, thành viên Hội đồng thành viên tổng công ty (TCT), khi ấy là Phó trưởng Ban Tổ chức và Nhân sự. Hai tháng trời ròng rã xây dựng ý tưởng, đề xuất chế độ, đào tạo kỹ năng… nhiều ngày chị Xuân Chi phải ở lại cơ quan tới khuya. Vậy mà, giờ đây, Trung tâm CSKH đầu tiên trong ngành điện của cả nước này trở thành nhân tố góp phần xây dựng hình ảnh, uy tín của ngành điện TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

Chị Đỗ Thị Xuân Chi, thành viên Hội đồng thành viên  Tổng Công ty Điện lực TP.HCM
Chị Đỗ Thị Xuân Chi, thành viên Hội đồng thành viên Tổng Công ty Điện lực TP.HCM

Phóng viên: Nhiều người cho rằng phụ nữ làm công tác lãnh đạo sẽ gặp khó khăn hơn nam giới, chị có gặp trở ngại nào về giới không, thưa chị?  

Chị Đỗ Thị Xuân Chi: Hơn mười năm làm cán bộ quản lý, tôi thấy lãnh đạo TCT luôn quan tâm và tạo điều kiện để cán bộ nữ hoàn thành nhiệm vụ, phát triển bản thân; luôn ưu tiên để cán bộ nữ nâng cao trình độ, bồi dưỡng kiến thức quản trị phù hợp với chức danh quy hoạch. Cán bộ nữ cũng được bố trí công tác, giao nhiệm vụ phù hợp với năng lực, sở trường. Môi trường làm việc bình đẳng, hoàn toàn không có sự kỳ thị giữa nam và nữ. 

Tôi chỉ nhận thấy chút khó khăn là nếu mình cố gắng nhiều trong công việc, tham gia học tập, đào tạo nhiều bên cạnh việc phải đảm bảo chăm sóc tốt cho gia đình thì thời gian chăm sóc bản thân không còn nhiều, dẫn đến nhiều lúc sức khỏe không được tốt. 

* Gắn bó với ngành điện trong nhiều năm, qua những vị trí công tác khác nhau, chị tự thấy mình phù hợp nhất ở vị trí nào?  
- Tôi đã trải qua các lĩnh vực công tác như quan hệ quốc tế, tổ chức nhân sự, pháp chế, truyền thông. Mỗi vị trí công tác quản lý đều đòi hỏi những kỹ năng, trình độ riêng biệt bên cạnh những kỹ năng và kiến thức quản lý chung. Do đó ở vị trí nào thì mình cũng phải tự học hỏi, đào tạo cho phù hợp với yêu cầu của vị trí đó. 

* Theo chị, làm sao để mọi người không tự ti vì “mình là nữ” mà nhìn ra sức mạnh nội tại để vươn lên, khẳng định chính mình?

- Tôi thấy có rất nhiều nhân viên nữ có năng lực nhưng còn nhiều e ngại, không dấn thân, không phấn đấu nhiều hơn để có vị trí cao hơn. Ngày xưa tôi từng có cảm giác này, nhưng rồi tôi nghĩ, nếu tôi buông tay là phụ lòng tin cậy của các lãnh đạo, và quan trọng là mình không góp phần tạo được luồng sinh khí mới cho sự bình đẳng về giới trong đơn vị, không động viên được các cán bộ nữ khác. 

Tôi cho rằng ở môi trường lao động bình đẳng cao như của TCT, các chị em nên cố gắng nhiều hơn, tham gia vào vai trò quản lý nhiều hơn. 

* Chị làm thế nào để cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình, thưa chị? 

- Tôi luôn cố gắng để ngoài làm việc, dành thật nhiều thời gian cho gia đình, chăm lo cho các bữa ăn, quan tâm chăm sóc để chồng và hai con cùng đảm bảo sức khỏe. Công việc nội trợ cũng giúp tôi vận động tay chân nhiều hơn bên cạnh việc ngồi hàng giờ ở cơ quan. Tôi cũng luôn tranh thủ thời gian tập thể dục, chơi thể thao để giảm stress, tăng cường sức khỏe.  
* Xin cảm ơn chị.

Nghi Anh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI