Chỉ dấu niềm tin

21/06/2024 - 06:30

PNO - Giờ đây, khi lướt Facebook - mạng xã hội phổ biến ở Việt Nam - ta vẫn thường gặp những ảnh chụp các trang báo in, các bài báo in để thông tin sự kiện, vấn đề. Vì sao trên môi trường trực tuyến, lại có hiện tượng này?

Xin thưa, trong thời buổi truyền thông đa nền tảng, thông tin phổ biến mọi lúc, mọi kênh, xô bồ thật giả, hình ảnh tin, bài trên báo in như một chỉ dấu của niềm tin, của tính chính xác, độ tin cậy.

Hơn 20 năm qua, internet đã tác động sâu sắc đến quá trình phát triển báo chí ở Việt Nam, đồng thời cũng tác động đến cách tiếp cận thông tin của công chúng. Sự thoái trào của báo in cũng nằm trong quỹ đạo chuyển đổi số, nhưng ở Việt Nam lại không hoàn toàn giống với nhiều nơi khác. Công chúng báo chí vẫn cần báo in dù số đông đã có thiết bị cầm tay kết nối internet. Theo “Báo cáo toàn cảnh báo chí truyền thông Việt Nam 2023-2024” do Global PR Hub xuất bản, trong năm 2022, cả nước phát hành 250 triệu bản báo in, nghĩa là trung bình khoảng 2,5 bản báo in/người dân.

Cán bộ, nhân viên của Báo Phụ nữ TPHCM chăm chút cho không gian trưng bày của báo, sẵn sàng phục vụ người dân, du khách vào sáng khai mạc
Cán bộ, nhân viên của Báo Phụ nữ TPHCM tại ngày Hội Báo toàn quốc 2024

Giờ đây, ai cũng có thể làm “nhà báo” và tải lên mạng đủ thứ tin tức mọi lúc, mọi nơi. Truyền thông xã hội ngày càng có sức mạnh lớn hơn, tầm ảnh hưởng rộng hơn nhưng bên cạnh sự lan tỏa nhanh những thông tin bổ ích và có lợi cho cộng đồng, tác hại của nó cũng không hề nhỏ do có quá nhiều thông tin sai sự thật, bị bóp méo, dẫn đến sự khủng hoảng tâm lý tiếp nhận truyền thông. Công chúng luôn phải băn khoăn “thông tin ở đâu đáng tin cậy hơn”.

Tất nhiên, các cơ quan truyền thông của Việt Nam hiện nay vẫn khai thác các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, Zalo, TikTok… để phát triển nội dung. Trong 20 năm trở lại đây, báo chí Việt Nam đã hoàn thiện dần loại hình báo chí phát hành trên môi trường internet, khai thác các kênh nghe, nhìn trực tuyến. Nhưng, trong tâm lý tiếp nhận truyền thông, hình ảnh của trang báo in “giấy trắng mực đen” mới là bảo chứng cho độ tin cậy, độ sâu của tri thức. Vì thế, không chỉ có thế hệ lớn tuổi còn duy trì thói quen đọc báo in hằng ngày và thích cầm tờ báo để đọc hơn là xem tin tức trên màn hình cảm ứng. Hiện nay, thế hệ trẻ vẫn thích đọc báo in nhưng ở dạng e-paper trên mạng và dùng bản chụp PDF hay JPEG của trang báo làm chứng liệu. Nhiều website báo chí giờ đây có thêm mục e-paper để độc giả có thể xem báo in trên màn hình cảm ứng.

Chuyển đổi số báo chí là một lựa chọn tất yếu. Báo in cũng phải số hóa để đáp ứng nhu cầu của độc giả thời đại 4.0. Nhưng điều quan trọng là, bên cạnh việc cung cấp thông tin sự kiện, báo in cần tập trung vào việc tăng cường nội dung chất lượng cao, chuyên sâu và có giá trị mà độc giả không thể dễ dàng tìm thấy ở các nguồn khác. Báo in hiện đại cần tạo ra các mô hình phân phối và các hình thức tương tác mới với công chúng truyền thông.

Một số cơ quan báo chí đã thể nghiệm những sản phẩm “ngoài mặt báo”, sản phẩm giá trị gia tăng hay các mô hình đăng ký trả phí, tài trợ nội dung, hợp tác với các công ty công nghệ… và thu được thành công bước đầu. Tất nhiên, việc khai thác nội dung đa nền tảng, tăng cường thông tin dạng video, podcast, đồ họa, hội thảo trực tuyến để tăng cường tương tác, thu hút và giữ chân độc giả cũng như xây dựng cộng đồng độc giả chung thủy vẫn là chọn lựa không thể xem nhẹ.

Độc giả luôn đặt niềm tin vào một nền báo chí khách quan, trung thực, độc lập với các nhóm lợi ích. Trong bối cảnh thông tin hiện nay, các loại hình báo chí nói chung và báo in nói riêng cần phải xem trọng hơn nữa tính phụng sự để giúp công chúng có được quyền tiếp cận thông tin chính thống - tức thông tin được kiểm chứng theo những quy tắc nghề nghiệp - nhằm đảm bảo độ tin cậy, chính xác, công bằng, cân bằng, thông tin chuyên sâu, hữu ích.

Phan Văn Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI