Tôi đi ngang quán cà phê và tình cờ nhìn cửa sổ. Cửa kính có rèm che. Cơn gió thổi từ cửa chính khiến mép tấm rèm bay bay tạo nên một khe hở dập dờn. Trong một giây, tôi nhìn thấy chị dâu và một khuôn mặt đàn ông, môi chạm môi.
Cơn gió ngừng, tấm rèm rủ xuống che khuất. Tôi rơi vào cơn xáo động. Ai cũng khen chị dâu hiền hậu, dễ thương. Ba má tôi cưng chị lắm. Có lần anh Hai nhậu nhẹt về muộn, chị chưa nói gì thì anh Hai đã bị ba má cho một trận.
Lỡ mình lầm thì sao? Lỡ là ai đó hao hao mà tấm kính dán hình hoa lá cành rối rắm khiến mắt tôi bị nhòe? Tôi quyết định đi ra cửa trước, lòng thật mong mình lầm. Nhưng đúng là chị dâu và người đàn ông lạ. Đôi mắt chị mở to thảng thốt nhìn tôi.
***
Tôi tiếc cho tình cảm ba má dành cho chị, đặc biệt là má. Má thương con dâu như con gái. Về nhà tôi hơn một năm rồi mà chị chưa hề phải dậy sớm nấu bữa sáng.
Giao mùa, chị ho sụt sịt, anh Hai mua thuốc cảm về thì má gạt đi, nói đàn bà con gái hở tí mà uống thuốc tây thì dễ bị sạm da, rồi má đi chợ tìm mua củ nén nấu cháo giải cảm cho chị. Có ngày mưa, chị đi làm về bị ướt, má trách anh Hai sao không dặn vợ ở yên để chồng đem áo mưa tới đón.
Anh Hai thì khỏi phải nói, yêu vợ lắm mà còn được má “bắc thang cho mà leo” nên anh không phải ngại chuyện hờn ghen giữa một nửa thế giới quanh anh.
Có lần giữa trưa Chủ nhật, đang xem phim thì chị nói bâng quơ: “Bây giờ mà có ly trà sữa thì hay ha”, anh lập tức bấm điện thoại đặt trà sữa, sau 15 phút thì người ta giao. Chỉ một ly, trong khi tôi ngồi ngay đó. Mấy lần chứng kiến tôi bị anh Hai bỏ quên, má cười xòa: “Đàn ông còn chiều chuộng vợ thì cuộc đời còn được yên ổn, con à!”.
Chia tay cuộc tình vì người thứ ba, tôi mới hiểu thấu câu nói của má.
***
Vậy nhưng má chỉ đúng một nửa. Rõ ràng vậy. Nếu không thì sao chị dâu ngoại tình? Hai tiếng ngoại tình, dù còn trong ý nghĩ chứ chưa văng ra thành lời buộc tội, khiến tôi ù tai.
Thật vô lý là bí mật tội lỗi của chị dâu trở thành bí mật tội lỗi của tôi. Nếu tôi nói ra, hẳn anh Hai sẽ đau khổ lắm. Tôi không muốn mình là người báo tin xấu cho anh. Thế nhưng không nói với anh thì tôi biết nói với ai đây?
Nói với má? Đổ gánh nặng qua vai má. Má sẽ quyết định cho anh Hai biết hay không? Tôi hình dung má rơi vào cơn chấn động. Nỗi tổn thương là vô cùng.
Tìm đâu trên đời này bà mẹ chồng cưng con dâu như má? Và thêm nỗi buồn cho con trai của mình nữa. Không. Tôi không muốn mình báo tin xấu cho má. Mà không nói ra thì có phải tôi đồng lõa với chị?
Biết đâu chị nghĩ tôi cũng giống chị, coi ngoại tình là bình thường, miễn về nhà đúng giờ cơm? Bỗng dưng phải nặng lòng với bao nghĩ ngợi, tôi ghét chị ghê gớm vì đã khiến tôi rơi vào tình cảnh này.
Tối đó, chị gõ cửa phòng tôi, tôi nói vọng là đang bận quá. Sống chung nhà nhưng tôi cố tránh để không phải gặp riêng chị. Có má trong bếp thì tôi mới vô bếp, cả nhà quây quần trong phòng khách mà ba má đứng lên thì tôi cũng đứng lên theo.
Tôi sợ phải nói chuyện với chị. Tôi không muốn phải nghe lời phân bua mà tôi không thể phân định thật giả. Mà nếu thật lòng hối lỗi thì hẳn chị đã thú nhận với chồng.
Cách xử sự của anh Hai cho thấy anh vẫn chưa biết gì. Còn tôi - kẻ “biết gì” - thì giằng co giữa nói hay không. Cho đến bữa cơm chiều hôm đó, anh Hai hớn hở báo tin chị đã có thai. Ba má tôi mừng lắm.
***
Má tấm tắc khen em bé giống anh Hai hồi còn nhỏ như đúc. Bên ngoại tới thăm thì hít hà em bé giống ông cậu quá chừng. Bạn chị tới thăm thì xuýt xoa em bé dễ thương giống mẹ quá đi thôi… Còn tôi vừa nhìn em bé vừa cố nhớ khuôn mặt người đàn ông trong quán cà phê mà không thể nhớ rõ.
Dù em bé giống ai, tôi cũng quyết định im lặng. Em bé không đáng phải chịu khổ vì lỗi lầm của người lớn. Giờ đây, nói ra hay không là chuyện của chị dâu. Làm mẹ, hẳn chị sẽ chọn điều tốt nhất cho con mình.
Tôi đã có người yêu mới. Có lẽ tình yêu khiến tôi dễ tính hơn chăng? Hay đơn giản là tôi quá bận bịu với tình yêu của mình nên không muốn quan tâm chuyện gì khác?
Chẳng biết nữa. Nỗi phẫn nộ trong tôi tiêu tan dần. Đi làm về, tôi bồng bế em bé, hôn làn da thơm mùi sữa, bỗng thấy lòng mình dịu lại và mong muốn cuộc sống yên bình cho tất cả.
Tôi không tránh chị khi một mình nữa. Những khi em bé khóc mà má đang bận tay nấu nướng dưới bếp, tôi vào phòng hỏi chị cần giúp gì không. Thật ra đó là cái cớ tôi cho chị để nói riêng với tôi điều bấy lâu chị muốn nói mà tôi từ chối nghe.
Tôi muốn trả lời rằng tôi đã quên chuyện đó rồi. Song chị không nói gì. Làm mẹ khiến chị thay đổi và không cần phân bua nữa? Làm mẹ cho người ta một sức mạnh khác thường chăng?
|
Ảnh minh họa |
Nhưng sao hai tay chị xếp mớ khăn và tã lại lúng túng nhường kia? Má tôi nói người mẹ phải được thanh thản tươi vui thì mới có sữa tốt cho em bé bú. Tôi muốn chị được thanh thản, nhưng tôi không muốn chủ động khơi chuyện đó, cho dù là với thiện chí.
Vậy nên tôi chỉ bế em bé và hát ru bằng một bản tình ca. Má tôi bỗng xuất hiện, tay còn cầm đôi đũa. Tưởng má nghe tiếng khóc nên sốt ruột muốn bồng cháu chứ tay còn cầm đũa thì sao mà bồng bế? Tôi ngạc nhiên nhìn má, còn má thì dứ đôi đũa vào trán tôi mà nói: “Ru con nít đừng có hát mấy bài yêu đương thất tình nghe không tốt đâu”.
Trời đất, tôi chỉ nghêu ngao thôi. Mà tôi vừa hát bài thất tình sao? Miệng hát mà tâm trí tôi để đâu đâu nên cứ tuôn ra thôi. Tôi bật cười. Má chỉ thích con cái mình vui nên đang nhăn mặt mà má cũng nhoẻn cười.
“Con nít mà nghe nhiều tiếng cười vui thì lớn lên thông minh lanh lợi lắm đó”, má nói một cách tự hào và hy vọng. Tôi hôn em bé và lấy giọng nựng nịu lặp lại lời má: “Cười vui lên cho em bé thông minh lanh lợi nghen”.
***
Ngày em bé thôi nôi, họ hàng hai bên tới thăm tíu tít khen em bé đẹp trai giống ba. Bà ngoại săm soi một hồi tìm ra một điểm giống bên ngoại là cái nốt ruồi nhỏ xíu trên vai: “Nè, cái nốt ruồi này giống y ông ngoại”.
Chị bế em bé tươi cười rạng rỡ, anh Hai lăng xăng chụp hình cho hai mẹ con. Tạo dáng nào. Thay cái mũ tai mèo bằng mũ tai thỏ, thay giày vải màu đỏ qua giày len màu cam…
Phần được chờ đợi nhất của tiệc thôi nôi là dự đoán tương lai. Mỗi người đặt trước mặt em bé một món - cuốn sổ, cây bút, máy tính cầm tay, ống nghe y tế, điện thoại…
Tất cả xúm quanh rộn ràng chỉ trỏ, em bé ngơ ngác nhìn ngó một hồi thì đưa tay tới cái máy tính. Tất cả vỗ tay reo cười, lớn lên thành nhà toán học lừng danh thì cũng tạm được.
Khách khứa ra về, những hộp quà được mở ra. Tôi đeo vào cổ chân em bé cái vòng bằng bạc và thủ thỉ: “Bà ngoại nói con nít đeo vòng bạc thì ngăn được gió máy ho hen.
Muốn lớn lên thành nhà toán học lừng danh thì phải khỏe mạnh mới có sức học hành nghe cưng”. Chị cũng thủ thỉ với em bé: “Thành gì cũng được, mà nhớ là phải có lòng độ lượng như cô Út nghe con”.
Tôi độ lượng? Nghe mà xấu hổ quá đi! Dù sao thì tôi cũng nhẹ lòng vì mình đã không nói ra.
Nguyên Hương