Chị dâu - em chồng không loạn luân nhưng đừng để rơm gần lửa

03/04/2017 - 15:22

PNO - Ngày nay, quan niệm hôn nhân lệch chuẩn đang có xu hướng gia tăng với nhiều biến tướng, trong đó không ít trường hợp các bên sống cùng nhà, cùng huyết thống với nhau.

Chi dau - em chong khong loan luan nhung dung de rom gan lua
 

Theo điều 150 (tội loạn luân) Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì:“Người nào giao cấu với người cùng dòng máu về trực hệ, với anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến 5 năm”, nên việc chị dâu - em chồng quan hệ bất chính không phạm tội loạn luân như nhiều người nhầm lẫn. 

Dù vậy, vẫn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “vi phạm chế độ một vợ một chồng” theo điều 147 BLHS nếu: “Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”; mức chế tài từ phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn đến ba năm (khoản 2).

Trường hợp vi phạm chưa đến mức độ xử lý hình sự sẽ chuyển sang xử phạt hành chính theo nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013, cụ thể: phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với một trong các hành vi: đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ (điểm b, c, khoản 1, điều 48). 

Ngoài ra, cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng nếu có các hành vi như: kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha mẹ nuôi với con nuôi; kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng…(khoản 1, điều 48, nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14/8/2015). 

Có thể thấy, các điều luật là khá rõ ràng nhưng việc phát hiện, xử lý theo pháp luật không hề dễ, nhất là khi người trong cuộc lợi dụng điều kiện sống chung để che đậy, ngụy biện cho những hành vi vi phạm. Ngoài nguyên nhân là nhu cầu sinh lý trỗi dậy nhất thời khó kiềm chế, còn một số vấn đề mà các gia đình cần rút kinh nghiệm để tránh những hậu quả đáng tiếc.

Không gian riêng cho sinh hoạt vợ chồng vốn luôn cần thiết nhưng đôi khi điều kiện chưa cho phép nên người trong cuộc phải tạm chấp nhận. Ai cũng có những hoàn cảnh cần thu xếp nhưng đừng vô tình tạo ra những điều kiện, tình huống để người trong gia đình lớn có cơ hội gần gũi, chung chạ nhau, dẫn đến những hành vi mà có thể chính chủ thể hành động cũng không mong muốn. “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”.

Các cặp vợ chồng phải luôn xây dựng lối sống lành mạnh, hạn chế ăn chơi, nhậu nhẹt bê tha; thường xuyên quan tâm, chia sẻ, thông hiểu, gắn bó và không chừa khoảng hở để người ngoài và cả người thân có thể chen vào làm kẻ thứ ba.

Mặt khác, việc xác lập, đăng ký quyền sở hữu tài sản riêng (nếu có) trước hôn nhân là rất nên thực hiện vì “mất lòng trước, được lòng sau”. Rạch ròi về tài sản càng vô cùng cần thiết giữa các thành viên trong đại gia đình, nhất là khi sáp nhập tài sản riêng, tài sản thừa kế… vào khối tài sản chung vợ chồng, vì sẽ rất nhập nhằng nếu phát sinh tranh chấp.

Cha mẹ tuyệt đối không nhờ con cái đứng tên giùm tài sản vì trong trường hợp xấu nhất là con ly hôn, rất có thể sẽ bị thất thoát, thua thiệt.

Thạc sĩ luật Trần Hoài Nhân 
(Công ty luật TNHH Giải Pháp Việt 90B Trần Quốc Toản, Q.3, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI