Trong 600 nhãn hiệu sữa giả, Hà Nội chưa từng cấp phép sữa cho người tiểu đường, suy thận

17/04/2025 - 15:52

PNO - Trong số các sản phẩm được Chi cục Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội cấp giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố, không có hồ sơ nào có đối tượng dùng là người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ có thai.

Chi cục
Chi cục ATVSTP Hà Nội thông tin đã cấp giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố cho 71 sản phẩm sữa giả - Ảnh minh họa

Ngày 17/4, Chi cục ATVSTP Hà Nội đã thông tin nhanh liên quan tới vụ phát hiện đường dây sản xuất gần 600 loại sữa giả.

Theo đó, từ năm 2021 đến nay, Chi cục đã cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố và tiếp nhận 67 hồ sơ tự công bố sản phẩm thực phẩm của Công ty Cổ phần dược quốc tế Rance Pharma và 4 hồ sơ của Công ty Cổ phần dược dinh dưỡng Hacofood Group,

Như vậy, trong gần 600 nhãn hiệu sữa bột giả được phát hiện mới đây - là sản phẩm thuộc Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood Group, Chi cục ATVSTP Hà Nội thực hiện cấp giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố cho 71 sản phẩm (chiếm 12%), chủ yếu là thực phẩm dinh dưỡng.

“Không có hồ sơ nào có đối tượng sử dụng là những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non thiếu tháng và phụ nữ có thai… Ngoài ra, gần 90% các sản phẩm còn lại được công bố tại các tỉnh, thành khác”, đại diện Chi cục ATVSTP Hà Nội nhấn mạnh.

Trước đó, Bộ Công an đã triệt phá đường dây sản xuất sữa bột giả với 573 nhãn hiệu. Từ tháng 8/2021 đến nay, các đối tượng đã thành lập Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group để sản xuất kinh doanh sữa bột, doanh thu gần 500 tỉ đồng.

Đường dây này công bố sữa được chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột hạt óc chó... nhưng trên thực tế, hoàn toàn không có những chất này. Các đối tượng đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm một số chất phụ gia.

Sau khi vụ việc bị phát hiện, nhiều người đặt câu hỏi: Ai chịu trách nhiệm cho vụ việc này? Trong khi đó, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) lên tiếng, sản phẩm này được “tự công bố” theo quy định và phân cấp quản lý về địa phương. Hàng năm, Cục này có các văn bản chỉ đạo sở y tế các địa phương, Sở An toàn thực phẩm TPHCM triển khai công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Còn Bộ Công Thương khẳng định các nhóm danh mục sữa bột giả không thuộc đối tượng quản lý của bộ này.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI