|
Chị Út chăm sóc mẹ chồng tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang |
Và chị Út chốt: “Má con mình sống chung gần 20 năm rồi, má như má ruột con và con có khác gì con gái má đâu”. Vậy là từ ngày đó, bệnh viện là nhà của hai mẹ con chị Út.
Bất kể ngày hay đêm khuya, chỉ cần mẹ chồng trở mình là con dâu bà Tòng bật dậy cùng đón cơn đau nhức của mẹ. Chị bóp tay, chân và xoa lưng cho mẹ mỗi khi tới “giờ G” (cứ khoảng hai giờ là bà Tòng lại lên cơn đau nhức).
Chị Út vừa xoa lưng, quạt cho mẹ, vừa vỗ về: “Cơn thứ 12 rồi má, ráng đi má, còn hai cơn nữa là hết rồi”. Không ngờ, cô dâu nông dân lại biết dùng liệu pháp tinh thần, bởi người mẹ nghe vậy có cảm giác “tưởng sắp hết đau luôn”. Gương mặt bà giãn ra, môi không còn mím chặt để nén những cơn đau hành hạ - dù thật ra ngày mới bà cũng đón nhận “quy trình” cơn đau như cũ.
Chị Út chọn thời điểm để tính việc kết thúc những cơn đau của một ngày là lúc 5g sáng. Khi đó, chị lấy nước ấm nhẹ nhàng lau mặt, chải tóc cho mẹ, dẫn mẹ đi vệ sinh rồi xuống căng-tin bệnh viện mua thức ăn sáng cho mẹ. Sau đó, chị đút từng muỗng cho mẹ ăn. Dù bà Tòng nói: “Má khỏe rồi, để má tự ăn” nhưng chị Út vẫn giành quyền đút, vì: “Má bệnh má cứ để con chăm sóc cho má”. Vậy là chị Út ngồi thổi từng muỗng cháo rồi cho mẹ chồng ăn một cách nhẹ nhàng và trìu mến.
Chị Bảy - thân nhân người bệnh ở giường bên cạnh - nói với bà Tòng: “Bà Hai sướng quá, có con dâu cưng như trứng mỏng”. Bà Hai cười: “Con gái út tui đó”.
Chị Út thì chỉ nhỏ nhẹ: “Em về làm dâu gần 20 năm, giờ mới có cơ hội chăm sóc má. Xưa nay, toàn má chăm sóc cả nhà em. Vợ chồng em suốt ngày ra rẫy, ruộng, má “thầu” hết việc nhà, cơm nước và chăm sóc hai đứa con em. Gần 20 năm em chẳng những không làm dâu mà còn được má chồng lo ngược lại, nên em mang ơn má lắm, giờ mới được trả ơn…”.
Nghe con dâu kể về mình, bà Hai nhìn chị Út với đôi mắt ánh niềm vui. Bà chia sẻ: “Tui có phước mới có con Út làm dâu. Nó giỏi giang, tằn tiện, chỉ vun vén cho gia đình chồng. Tội nó, vì lo cho tui mà bỏ bê hết công việc, trong khi cả năm nó chỉ nghỉ ra đồng đúng ngày mồng Một tết”.
Trong từng lời nói của bà Hai có tình yêu thương vô bờ cho con dâu, có cả sự cảm kích, hàm ơn. Bởi ngay mùa dịch bệnh, không ít gia đình khác né tránh, đùn đẩy việc vào bệnh viện chăm người thân vì sợ lây bệnh, sợ bỏ bê công việc. Nhưng chị Út một mực túc trực nuôi mẹ chồng và không chịu đổi ca cho người khác vì “Em sống cùng nên mới hiểu ý mẹ”.
Bà Hai cũng chỉ ưng cô con dâu út nuôi bệnh mình. Bởi không cần dặn dò, chị Út luôn biết mẹ chồng khi ăn cơm phải có chén nước mắm bên cạnh, canh chua là phải đậm vị cay, bà không ăn những món canh nghêu, hến, rau má vì dễ đau bụng…
Ngày ba bữa, chị đều mua đúng món ăn má chồng thích và những thức ăn ngon bồi bổ cho người bệnh mau khỏe. Nghe những người nuôi bệnh chỉ loại sữa tốt cho mẹ chồng, chị cũng gửi nhờ người mua bằng được. Còn bản thân mình, mỗi ngày chị đều xin cơm từ thiện để ăn.
Một ngày, hai mẹ con “chuyển cảnh” mười mấy lần: Những lúc không bị cơn đau hành hạ, bà Hai và chị Út ríu rít chuyện trò, rồi chị gọi điện thoại cho bà nói chuyện với con cái, cháu nội - ngoại. Khi bà Hai lên cơn đau, trong suốt 10 phút, bà oằn mình chịu trận: mím chặt môi cố kềm lại tiếng kêu la, than khóc vì sợ ảnh hưởng đến bệnh nhân xung quanh và sợ con dâu lo lắng, đau lòng.
Chị Út ngồi kế bên mẹ chồng, vuốt ve, vỗ về, trấn an: “Xíu nữa hết đau rồi má”. Đến sáng hôm sau, hai mẹ con cùng hy vọng, chờ đợi cơn đau thưa dần và cả căn phòng 617 đều vui khi tiếng chị Út la lớn: “Má em hôm nay thưa cơn đau rồi, còn tám cơn thôi”.
Ngày 7/1/2022, chị Út gọi điện khoe với chị Bảy rằng sau khi xuất viện, bà Hai đã khỏe hẳn, hết đau và ăn uống ngon miệng. Trên điện thoại của chị Út cũng có tấm hình: má chồng, hai vợ chồng chị và hai đứa con đang ngồi quây quần bên mâm đậu hũ chiên nói cười vui vẻ.
Tiếng ru ngọt ngào giữa phòng bệnh
Với công việc phóng viên, tôi hay đến khu chăm sóc giảm nhẹ của Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM. Có lần, vừa ra khỏi thang máy tầng 5, tôi nghe tiếng hát khe khẽ của một người phụ nữ.
Đó là bà Đinh Kim Thu (70 tuổi). Bà đang ghé vào tai người chồng trên giường bệnh và hát. Bà hát hết Tình ca, Xuân chiến khu… thì chuyển qua đọc thơ. Cứ mỗi lần chuyển bài, bà lại hỏi: “Anh muốn nghe bài thơ nào nè?”.
Ông Nguyễn Ngọc Bửu (85 tuổi) - chồng bà - vẫn nằm im. Chỉ có âm thanh “sục sục” phát ra từ chiếc bình thở ô-xy của ông, nhưng bà gật gù: “À, bài Màu tím hoa sim anh thích”. Rồi bà đọc thơ. Xong một bài thơ bà lại cúi xuống hôn trán ông và rì rầm: “Anh mau khỏe về với em và tụi nhỏ nghen anh”.
Bà Kim Thu biết rõ căn bệnh ung thư phổi của chồng ở giai đoạn cuối và ông đã rơi vào hôn mê. Bà vừa cầu mong phép màu, vừa biết rõ những giờ phút này sẽ vụt qua và bà sẽ không còn cơ hội chăm sóc, kề cận bên người bạn đời bà vừa yêu, vừa kính từ thời thanh xuân. Vì vậy, bà ngày ngày trò chuyện với chồng, ca hát, ngâm thơ, nhắc lại những kỷ niệm thời hai người quen và cưới nhau trong chiến khu.
|
Bức ảnh vợ chồng bà Kim Thu chụp ở biên giới Việt Nam - Campuchia năm 1973. Dù ảnh đã hoen màu nhưng bà Kim Thu vẫn nâng niu như báu vật |
Các con ông bà quây quần bên cha, cũng ôn lại những kỷ niệm với cha và trêu chọc ông bằng những câu chuyện cười ông hay kể, bằng cử chỉ, ngữ điệu hài hước thừa hưởng từ cha. Nếu không có bình thở ô-xy, không có những chiếc áo blouse trắng tất tả qua lại, cảnh gia đình của bà Kim Thu giống như cảnh sum vầy cuối năm trong hạnh phúc, ấm cúng.
Hiện bà Kim Thu vẫn giữ thói quen ca hát, đọc thơ, dù chồng bà đã ra đi. Bà sáng tác hàng trăm bài thơ về cuộc sống, về gia đình và phần lớn trong đó là về mối tình của ông bà, về nỗi nhớ của bà với ông.
Bài thơ mới nhất bà viết cho chồng có đoạn:
Anh đổ bệnh - mẹ con lo tất tả
Mười hai năm vật vã trên tay em
Mười hai năm trên giường bệnh… êm đềm
Được chăm sóc bởi tay mềm… vợ “trẻ”
Ba năm rưỡi - anh “theo về cha mẹ”
Thêm tết này nhà vắng vẻ bóng anh
Biết lấy chi lấp kín kẽ ân tình?
Một khoảng trống… rùng mình… đành chấp nhận!
Thùy Dương