“Chỉ có một hạng người: Đó là người”

05/07/2020 - 06:54

PNO - Cứ ngỡ cuốn sách ra đời năm 1960, viết về xã hội Mỹ những năm 1930 chỉ mang tư tưởng của một giai đoạn nhưng không, dường như câu chuyện trong đó chưa bao giờ cũ, nhất là những gì được nhìn thấy ngay lúc này.

Câu chuyện của mọi câu chuyện: phân biệt chủng tộc

Khi nhận lời bào chữa cho Tom Robinson, luật sư Atticus đã biết mình chắc chắn không thể thắng. Không phải bởi thân chủ của ông thật sự đã gây ra điều mà anh ta bị cáo buộc (cưỡng hiếp Mayella Ewell) mà bởi vì anh ta là người da đen. Ở một nơi như Maycomb, tư tưởng người da trắng thượng đẳng là thứ chẳng thể khác đi. Nó hiện diện từ đời này qua đời nọ, được nhìn thấy mỗi ngày trên cánh đồng ngô hay cánh đồng bông vải, ngay bậc các cửa hiệu, ngay thềm nhà từng người dân, ngay cánh cửa phiên tòa…

Nhà văn Harper Lee và bìa cuốn Giết con chim nhại. Bà hoàn thành tác phẩm năm 34 tuổi
Nhà văn Harper Lee và bìa cuốn Giết con chim nhại. Bà hoàn thành tác phẩm năm 34 tuổi

Lý lẽ luôn thuộc về người da trắng, đó là lý do Tom bị kết án tử hình dù bất kỳ người dân nào của thị trấn Maycomb cũng đều nhìn thấy sự vô lý trắng trợn trong lời buộc tội của nhà Ewell. Dù đó là “nhà Ewell đáng khinh” nhưng bởi vì họ là người da trắng, Tom phải có tội. Phiên tòa đã diễn ra trong nỗ lực đến tuyệt vọng của luật sư Atticus, mà thật ra, ông thừa biết “Tom đã chết kể từ lúc Mayella Ewell mở miệng gào lên”. 

Phân biệt chủng tộc, câu chuyện của thời kỳ nô lệ ấy chưa bao giờ cũ, thế giới này chưa bao giờ mất hẳn những nạn nhân như Tom, bằng cách này hay cách khác. Ngay lúc này đây, các cuộc biểu tình, bạo loạn theo phong trào “Tôi không thể thở” sau khi tại Mỹ, một người đàn ông da màu bị tay cảnh sát da trắng đè cổ đến chết, đang lan rộng ở nhiều nước.

Tư tưởng người da trắng thượng đẳng, đứng trên các chủng tộc da màu, như một loại vi-rút trường tồn từ nhiều thế kỷ trước đến tận bây giờ, gặm nhấm mọi ứng xử văn minh và triệt tiêu nhận thức bình đẳng từ những nơi luôn tự hào có một xã hội bình đẳng.

Atticus và hai con trong tác phẩm điện ảnh cùng tên, phát hành năm 1962
Atticus và hai con trong tác phẩm điện ảnh cùng tên, phát hành năm 1962

“Có một thứ không tuân theo nguyên tắc đa số, đó là lương tâm con người”

Cuộc chiến của Atticus chống lại nạn phân biệt chủng tộc tại Maycomb không chỉ là những điều được nhìn thấy qua các phiên tòa (đi cùng đó là sự giận dữ, miệt thị của người dân địa phương dành cho ông), mà còn từ chính cách ông đối xử tử tế và chân thành với bất kỳ người da đen nào. Đó là một cuộc chiến đơn độc nhưng cho dù là thế, Atticus chưa bao giờ thiếu kiên định trong cuộc chiến của mình, bởi vì với ông, “có một thứ không tuân theo nguyên tắc đa số, đó là lương tâm của con người”.

Atticus không đấu tranh cho những người thấp cổ bé họng mà còn cho chính ông, vì một điều đứng đắn dành cho Jem và Scout - hai con của mình. Làm thế nào để những đứa trẻ lớn lên mà không tổn thương hay trở nên xấu xa, khi lẽ phải là thứ chỉ nằm ở những trang sách? 

Ông hoàn toàn biết, có thể cả trăm năm nữa vẫn không có sự thay đổi nào diễn ra nhưng chẳng sao cả, “Bởi vì cho dù chúng ta đã bị đánh bại một trăm năm trước khi chúng ta bắt đầu thì đó cũng đâu phải là lý do khiến chúng ta không cố thắng?”.

Atticus và Tom Robinson trong phiên xử
Atticus và Tom Robinson trong phiên xử

Thực tế, tuy không đủ nhận thức để hiểu hết khái niệm đấu tranh nhưng không khác bố mình, Scout vẫn đang đấu tranh mỗi ngày: ở xã hội người ta đặt phẩm chất của một “quý cô” thông qua trang phục hằng ngày là chiếc váy diềm 
đăng-ten, thì Scout kiên định với việc chỉ muốn mặc quần. Với những chi tiết đơn giản ấy, hành trình tranh đấu để phá bỏ chuẩn mực vốn được đặt ra bằng sự áp đặt và thiên kiến diễn ra rất tự nhiên, khiến tác phẩm vượt qua mặc định ban đầu - là một tác phẩm chỉ dành cho trẻ em. 

Sự thật là, Giết con chim nhại đầy rẫy những bài học mà nếu đặt trong một ngữ cảnh khác và lối diễn ngôn khác hoặc nhân vật dẫn chuyện là một người khác thay vì cô bé Scout mới 6 tuổi, tác phẩm dễ mắc kẹt trong phạm vi lý luận giáo điều, sáo rỗng. Thế nhưng, điều làm nên sự khác biệt của nhà văn Harper Lee nằm ở chỗ đó. 

Khi mọi câu chuyện được bắt đầu từ suy nghĩ và cảm quan của một đứa trẻ, nó khiến người ta giật mình hơn bao giờ hết. Kể cả với cách Scout nhìn nhận và sau đó khám phá về nhân vật Boo Radley - một người chỉ vì từng bị kết án gây rối trật tự mà tự xa lánh người khác, sống như một bóng ma - cũng tương tự thế. Sự xấu hổ của Boo Radley về tội lỗi khiến ông không bao giờ bước ra khỏi cánh cổng nhà mình nữa, là một sự lên án thẳng thắn về sự kỳ thị những lỗi lầm, điều vẫn diễn ra hằng ngày ở mọi xã hội, thời đại, chẳng khác sự kỳ thị dành cho người da đen là mấy. 

Vì lý do đó, bằng sự xấu hổ của Boo Radley, Giết con chim nhại mang mỗi người đối diện với nỗi xấu hổ của chính mình, về tất cả. Người ta gọi Giết con chim nhại là hành trình đi tìm lẽ phải nhưng thật ra trên cả điều đó, tác phẩm đặt người ta vào hành trình tự vấn chính mình. 

“Không, Jem, em nghĩ chỉ có một hạng người. Đó là người” - Scout nói với anh mình, câu nói như gáo nước xối vào mọi lớp áo văn minh giả hiệu cho đến bây giờ vẫn đang hiện diện. 

Trailer phim Giết con chim nhại:

 

 

Cùng với sự tán dương, Giết con chim nhại cũng gây ra nhiều tranh cãi và sự chỉ trích trong giới phê bình. Điều này được cho là lý do dẫn đến việc nhà văn Harper Lee chọn lối sống ẩn dật, luôn từ chối mọi cuộc gặp với truyền thông, đến khi bà cho xuất bản cuốn sách thứ hai, được xem là phần tiếp theo của Giết con chim nhại, vào năm 2015. Phần tiếp theo này cũng là tác phẩm được đặt hàng trước nhiều nhất kể từ tập truyện cuối cùng trong loạt tiểu thuyết Harry Potter, với hơn 2 triệu bản. 

Tác phẩm được dịch ra tiếng Việt lần đầu tiên năm 1973, tuy nhiên bản dịch đó chưa đầy đủ. Năm 2008, Nhã Nam phát hành, sau đó tái bản nhiều lần với bản dịch hoàn chỉnh của Phạm Viêm Phương - Kim Oanh
Tác phẩm được dịch ra tiếng Việt lần đầu tiên năm 1973, tuy nhiên bản dịch đó chưa đầy đủ. Năm 2008, Nhã Nam phát hành, sau đó tái bản nhiều lần với bản dịch hoàn chỉnh của Phạm Viêm Phương - Kim Oanh

Khi ra mắt Giết con chim nhại tháng 7/1960, nhóm biên tập sách nói với Harper Lee rằng có thể cuốn sách chỉ bán được vài ngàn cuốn. Chính vì thế, diễn biến sau đó thật khó tưởng tượng: sách liên tục được tái bản và dịch ra nhiều thứ tiếng, trở thành tác phẩm kinh điển của văn học Mỹ; có mặt trong hầu hết các danh sách như: Những cuốn sách cần đọc trước khi qua đời, Tiểu thuyết hay nhất thế kỷ XX, Một trăm tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất kể từ 1900, Cuốn sách được yêu thích nhất của người Mỹ… Theo một bài viết trên CNN, nhiều thanh niên đã được truyền cảm hứng bởi nhân vật Atticus đến mức chọn thi vào trường luật... 

Cuốn sách giúp Harper Lee nhận được giải thưởng danh giá Pulitzer năm 1961 và được Tổng thống George Bush trao Huy chương Tự do năm 2007, cùng với lời nhận định: “Giết con chim nhại có tác động khiến nước Mỹ biến chuyển theo chiều hướng tốt hơn”.

Tác phẩm điện ảnh Giết con chim nhại chuyển thể từ cuốn sách, phát hành năm 1962, ngoài việc mang về doanh thu cao gấp 10 lần kinh phí đầu tư cũng nhận vô số giải thưởng danh giá. Năm 1995, bộ phim được đưa vào danh sách lưu trữ của Viện lưu trữ phim quốc gia (Hoa Kỳ), đồng thời đứng thứ 25 trong danh sách các bộ phim hay nhất mọi thời đại của Viện phim Mỹ (AFI) vào năm 2007. Trước đó, năm 2003, nhân vật bố Atticus Finch cũng được AFI xếp thứ nhất trong danh sách anh hùng màn ảnh thế kỷ XX… 

Hàn Chinh

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI