"Chị có làm gì đâu mà mắc ung thư?"

08/10/2016 - 06:46

PNO - Từ ngày nhận lời “kết án” từ bố chồng, chị đi biệt, đến nay vẫn chưa đủ can đảm đối diện với ông. Căn bệnh ung thư từ đó trở thành một cái án tủi nhục, chị giấu biệt với anh em, xóm giềng.

Chia tay trên đầu con dốc ngay ngã tư đường Wừu - Thống Nhất, nhìn chị (*) im lặng bước đi trên đôi giày cao, đổ xuống cuối dốc nơi người đàn ông đang chờ sẵn, tôi ngây người một hồi lâu. Chiếc xe nổ máy. Chị sẽ theo chồng về căn nhà tạm bợ nào đó “cách đây bốn cây số”. Đêm Pleiku se sắt và nặng trịch.

Ung thư là tại... có một đời chồng rồi(?) 

“Căn nhà tạm bợ” là hình ảnh chị miễn cưỡng miêu tả, sau bao lần vụng về “tua” nhanh qua đoạn “về nhà”. 51 tuổi, có hơn 20 năm buôn bán hàng sắt ở chợ Vĩnh Long, chợ Sài Gòn, cách đây 12 năm, người đàn bà gốc Nam bộ theo về quê chồng ở phố núi này làm dâu, rồi hai năm gần đây lại ra riêng trong cái “tổ ấm” hờ, “ké” vào hàng dép trong khu chợ dân tộc ở ngoài rìa thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai).

Mỗi lần “di cư” là một lần biến động. Lần đầu, chị ly hôn với người chồng mê đua xe, ưa bạo lực, chấm dứt những ngày chạy khắp chợ Vĩnh Long trốn đòn chồng. Lần thứ hai, chị nên duyên với người chồng chu đáo, có học thức, sinh lần lượt hai đứa con trai.

Chị xuôi theo lời năn nỉ của chồng, về quê anh lập nghiệp sau mười mấy năm chứng kiến anh thất nghiệp, phụ thuộc tài chính vào vợ. Sau cùng, phát hiện mình mắc bệnh ung thư cổ tử cung (UTCTC), chị cương quyết ra riêng, dắt díu cả vợ chồng con cái ra khỏi nhà chồng, thoát được những ngờ vực, ám ảnh.

Biết tôi đến từ TP.Hồ Chí Minh, chị kể chuyện một hồi lại ngước lên, đôi mắt đục ngầu: “Chị muốn về Sài Gòn lắm”. Pleiku nắng ít, mưa nhiều. Có những đợt mưa dầm nửa tháng. Trong những nắng mưa ấy, chị bươn bả bán mua. Đồng lương anh kiếm được từ nghề giáo chỉ đủ anh chi tiêu cá nhân.

Ngoài hàng dép, khách hàng người dân tộc thiểu số cần mua gì chị cũng nhận, một mình kiếm từng đồng, vừa trang trải cuộc sống của hai vợ chồng, hai đứa con, vừa phụng dưỡng ba mẹ chồng. Chỉ quẩn quanh chợ búa, chồng con, ở Pleiku mười mấy năm, chị không có nổi một người bạn. Không dùng điện thoại, không biết đi xe máy, mọi giao tiếp bên ngoài chị đều nhờ vào chồng.

Ở chợ, việc buôn bán chỉ yên ổn mỗi khi... ế khách. Mỗi lần có khách, bạn hàng lại chèo kéo, giành giật. Là “người xứ khác”, lại không giỏi lý lẽ, chị hạn chế tối đa việc đụng chạm, cãi vã. Có khi, khách vào đến tận nơi vẫn bị bạn hàng kéo đi. Còn lại chỏng chơ với gian hàng ế ẩm và trăm mối lo, chị chỉ biết khóc.

Trong nhà, chị càng cô độc giữa lối sống chưa kịp hòa nhập đã bị bật tung bởi những ác cảm, thành kiến. Bố chồng thì... bực lên là chửi. Chuyện chị “đã có một đời chồng”, là “gái miền Tây”, lại “chỉ là con buôn” từ lâu đã là một nỗi ấm ức của cha mẹ anh - một người “tốt nghiệp cao đẳng hẳn hòi”. Anh thất nghiệp, lao đao suốt 30 năm trong khi bạn bè đã thành đạt, có chức quyền, cũng là... tại chị.

Trăm nghìn khó khăn vụn vặt trong gia đình là “tại chị hết”. Một mình ở Pleiku, “người thân chỉ có bấy nhiêu”, chị nuốt hết những rẻ rúng, khinh miệt, xem đó như những biểu hiện tuổi già của cha mẹ. Những lúc tủi hổ cùng cực, chỉ muốn nhắm mắt lao về Sài Gòn, chị lại nghe anh giận dỗi, so bì: “Hai mươi năm trời anh bỏ xứ vào ở với em được, sao giờ em không?”. Chị thấy như giới hạn chịu đựng của mình lại… nới ra thêm chút nữa.

Năm 2013, “quỹ đạo” hàng ngày của chị bắt đầu thay đổi. Từ khi các bác sĩ ở Bệnh viện Hoàng Anh Gia Lai phát hiện chị có vấn đề ở cổ tử cung, chị bắt đầu tới lui bệnh viện. Tháng 9/2013, có kết quả bị xoắn polyp tử cung, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) hẹn tái khám sau 20 ngày, chị lại… lờ đi giữa bao tất tả, lo toan khi con vừa vào năm học, chợ búa vào mùa mưa, mua bán thất thường.

Trong thời gian ấy, Bệnh viện Từ Dũ có gửi kết quả sinh thiết tử cung về địa chỉ của chị ở Pleiku, đồng thời nhắc lại lịch tái khám. Nhưng, nhà cửa tạm bợ khó tìm, chị lại không dùng điện thoại. Cái sim mua riêng thỉnh thoảng xin bỏ ké vào điện thoại con trai lại không trùng thời điểm với những cuộc gọi của bệnh viện, chị để lỡ mất chín tháng tiếp theo.

Đến khi con trai nghỉ hè, vô tình dắt con về quê ngoại, ghé bệnh viện kiểm tra, chị mới hay mình đã được chẩn đoán mắc UTCTC từ… chín tháng trước, chị như người vô hồn.

Nhưng, phải đến lúc mang kết quả khám bệnh về đến Pleiku, chị mới thấm hết cái “quái ác” của bệnh mình. Trong buổi họp mặt gia đình, sau những hỏi han của cả nhà, bố chồng chị thẳng thừng: “Bà chồng này chồng kia, bà mắc ung thư là tại bà hết!”. Chị đổ sụp. Ngồi bên cạnh, chồng níu áo, ra hiệu im lặng.

Chị cắn chặt môi, để mặc nước mắt chảy hàng hàng, rồi gắng gượng nói: “Vậy ra xưa nay ba chưa từng coi con là dâu?”. Quá khứ “có một đời chồng” vốn như bóng ma ám ảnh lên cuộc hôn nhân của chị, giờ như trỗi dậy, hả hê, đắc thắng. Bao trắc trở trong gia đình xưa nay là “tại chị”. Giờ, đến khi chị mắc căn bệnh ung thư, là cũng “tại chị hết!”.

Vòng tròn oan nghiệt

Nước mắt tràn mi. Chị như sực tỉnh, vội vàng quệt nước mắt rồi luống cuống lấy điện thoại ra,bấm bấm. Màn hình vẫn đứng im. Chị xấu hổ. Tôi từng chứng kiến cái cúi mặt ngượng ngùng này ở những người phụ nữ thà bám trụ hành lang Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM hơn là về giữa xóm giềng, nơi không có ai bị bệnh giống mình. Cái ngượng ngùng vô lý và ngược ngạo, kèm theo những trần tình vô nghĩa và tội nghiệp: “Tôi có làm gì ác đâu?”.

Ung thư ở một mảnh đất xa xôi nào đó, đã trở thành một “tội danh”, người ngoài dèm pha, người trong cuộc cảm thấy oan uổng, uất ức. Bởi thế mà có những người kiên quyết không điều trị, chỉ vì không biết phải “lý giải” thế nào trước miệng đời về “nguyên nhân” của căn bệnh tai ác.

Người đàn bà ngồi đối diện tôi từng có những ngày như vô cảm, không tin mình mắc bệnh, cũng không có động lực chữa bệnh, bởi “chị có làm gì đâu mà bị ung thư?”. Để rồi, đến khi bị buộc phải tin, phải đối diện, chị lại đâm nghi ngờ hết thảy. Cái vòng tròn nhân - quả oan nghiệt quét qua, căn bệnh chưa kịp để lại dấu tích gì trên cơ thể, đã “đả thương” cùng khắp cuộc đời chị.

Lần thứ hai trở về sau đợt hóa trị, nhận thấy những biểu hiện ngoại tình từ chồng, chị bắt đầu tin rằng chính anh đã không chung thủy mà… lây bệnh ung thư cho mình. “Nhà cửa tạm bợ, nhà chồng hắt hủi, chồng lại lăng nhăng, mang bệnh về nhà” - cái “tóm tắt cuộc đời” ấy nhấn chìm chị trong cô độc, tăm tối. Thử hỏi han chồng, chị mới nhận ra vợ chồng đã lâu lắm rồi không trò chuyện. Chị lầm lũi mua bán, lo cơm nước, áo quần. Anh tất bật với những hội hè, bè bạn.

Những đêm chờ chồng, hễ nhấn gọi điện thoại thì bên kia báo “máy bận”, chị lại tuyệt vọng nằm khóc. Về nhà, hễ chị hỏi han, anh lại lý lẽ: “Em có giữ anh cả đời được không? Mà… giữ làm gì?”. “Giữ làm gì?” - chị níu lấy câu hỏi ấy, rồi tiếp tục mang ra tự hỏi, tự dày vò mình.

Từ ngày nhận lời “kết án” từ bố chồng, phần vì giận, phần vì tủi hổ, chị đi biệt, đến nay vẫn chưa đủ can đảm đối diện với ông. Căn bệnh ung thư từ đó trở thành một cái án tủi nhục, chị giấu biệt anh em, xóm giềng. Mỗi chuyến xe xuống Sài Gòn điều trị, từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau, chị thức trắng. Đã bao nhiêu lần, trên những cung đường tối tăm rừng núi, vực vách ấy, chị ngồi bó gối nhìn ra cửa sổ, và khóc; đến sáng, lại vào viện với đôi mắt sưng húp.

Sau cái lần chồng thừa nhận chuyện ngoại tình, đã có bao chuyến xe chị ấp ủ ý định… bụi đời, rằng sẽ vĩnh viễn đi khỏi cái phố núi xa lạ, mặc kệ hết thảy. Chị xuống đến bệnh viện, khám bệnh xong lại ra thuê một chỗ nằm giá 30.000 đồng một ngày gần bệnh viện, toan… ở hẳn đó, vừa chữa bệnh, vừa đi bán vé số. Nhưng, vừa đặt lưng nằm xuống tấm chiếu, lại nghĩ đến con, chị vùng dậy, tìm mua vé về lại Pleiku, tất tả chợ búa, cơm nước.

Những ngày ấy đã lùi xa hai năm. Với quyết tâm điều trị và ăn uống khoa học, bệnh của chị đã ổn hơn một năm nay. Nhưng nỗi đau vô hình vẫn như một vết dầu, cứ loang nhẹ khắp trái tim người đàn bà nhẹ dạ. Chị tránh gặp những người biết bệnh mình, và giấu biệt những người còn lại.

Cái “án bệnh tật” vẫn chưa từng tan đi, những “phòng khám vô hình” vẫn tồn tại đâu đó giữa một cộng đồng thiếu thông tin, thừa thành kiến, từng khiến người ta giao phó tính mạng cho những phép loại suy vô căn cứ (“có làm gì đâu mà bị bệnh?”) rồi không đến bệnh viện, giờ lại nhấn chìm họ trong những hệ lụy vô lý, những gán ghép nhân - quả tàn nhẫn. Trong khi đó, bệnh tật vẫn cứ ập đến và diễn tiến bất chấp những suy diễn của con người.

Minh Trâm 

(*) Vì lý do tế nhị, nhân vật xin được giấu tên.

Vì hạnh phúc trọn vẹn, hãy lên hẹn tầm soát

HPV (vi-rút gây u nhú ở người) là nguyên nhân chính gây nên 99% trường hợp ung thư cổ tử cung.

Trong 5 phụ nữ thì có 4 người bị nhiễm HPV tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời của họ.

UTCTC có thể ngăn ngừa nếu được phát hiện sớm.

Hãy làm xét nghiệm HPV ngay hôm nay để tìm hiểu nguy cơ UTCTC của bạn.

Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin tại các bệnh viện như Từ Dũ, Hùng Vương, Quốc Tế Hạnh Phúc, FV, Phụ Sản Mekong, An Sinh... hoặc các phòng khám sản phụ khoa như Care1, Trung tâm Medic, CarePlus, Trung tâm DIAG...

Chuyên mục do Báo Phụ Nữ TP.HCM và Roche Việt Nam phối hợp thực hiện.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI