Với những gia đình bình thường, việc nuôi dạy một đứa trẻ nên người vốn đã khó. Với gia đình đơn thân thì điều này càng khó khăn hơn nhiều. Vì cùng một lúc mỗi người phải gồng gánh làm tròn cả hai vai trò - vừa là người mẹ hiền, vừa là người cha nghiêm khắc. Thế nên, nhiều ông bố bà mẹ đơn thân đang trăn trở và gặp không ít khó khăn vì họ chưa thật sự hiểu được tâm lý con trẻ.
|
Ảnh minh họa |
Dưới đây là những biểu hiện tâm lý đặc trưng của trẻ sống với cha mẹ đơn thân:
Trẻ cảm thấy bản thân mình thiệt thòi
Phải khẳng định rằng: Trẻ sống trong gia đình không đầy đủ cha mẹ là một thiệt thòi rất lớn đối với chúng. Dù nói ra hay không thì trong sâu thẳm suy nghĩ trẻ vẫn sẽ cảm thấy mình là đứa thiệt thòi vì không nhận được đủ đầy tình thương, thiếu một phần sự quan tâm chăm sóc, không hưởng được sự giáo dục trọn vẹn từ cả cha lẫn mẹ.
Không ít cha mẹ đơn thân cảm thấy con trẻ chịu nhiều thiệt thòi, nên bằng mọi giá luôn đáp ứng những đòi hỏi của con. Đơn thuần họ chỉ nghĩ làm như vậy để bù đắp cho con mình nhiều nhất có thể. Bù đắp mất mát cho con là việc cần thiết nhưng cha mẹ đơn thân cần cân nhắc trước mỗi quyết định của mình để tránh về lâu dài hình thành ở trẻ những thói không tốt như đòi hỏi, vòi vĩnh…
Cha mẹ đơn thân cũng chú ý đến việc dành thời gian để nói chuyện, quan tâm và cùng con chia sẻ những buồn vui thường nhật. Hãy cho trẻ hiểu vì hoàn cảnh xã hội “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” nên cha mẹ không sống cùng nhau nhưng cha mẹ vẫn đang cố gắng giành những gì tốt đẹp nhất cho con, con chính là điều tuyệt vời của cha/mẹ.
Trẻ cảm thấy cô đơn và cho rằng cuộc sống gia đình đơn điệu
Người cha người mẹ đơn thân dẫu cố gắng dành sự quan tâm, chăm sóc tốt nhất có thể cho trẻ. Nhưng vì sự vắng mặt người cha hay người mẹ lâu ngày nên trong tiềm thức của đứa trẻ vẫn sẽ cảm thấy cô đơn, lạc lõng và lắm lúc nghĩ rằng cuộc sống gia đình quá đơn điệu.
Tâm lý chung của con người là khi có thắc mắc điều gì hay gặp phải một vấn đề nào đó mang tính tế nhị thường ngại chia sẻ với người khác, thậm chí là người thân. Với trẻ sống thiếu người cha người mẹ, khi không thể chia sẻ với người sống cùng thì dĩ nhiên trẻ sẽ khuyết đi người để chia sẻ, lắng nghe.
|
Ảnh minh họa |
Nên việc cha mẹ đơn thân gần gũi, thường xuyên dạy cho trẻ các cách chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của mình với người thân là điều rất cần. Hãy cho trẻ thấy cha mẹ sẽ là người luôn đồng hành cùng con trong mọi hoàn cảnh. Nếu cần thiết thì cha mẹ cũng nên cho trẻ tham gia vào các hoạt động tổ chức đời sống gia đình để trẻ nhận ra một điều rằng gia đình đơn thân chứ không hề đơn điệu, cuộc sống không phải đơn sắc như trẻ nghĩ mà lung linh sắc màu.
Trẻ mặc cảm và tủi hổ về hoàn cảnh của mình
Ai trong chúng ta cũng đều mong muốn được sống trong gia đình hạnh phúc có đầy đủ cả cha lẫn mẹ. Nhưng không phải ai cũng may mắn có được. Kỳ thực mà nói, khi thấy bạn bè của mình được cha mẹ thay nhau đưa đón đi học, được đi chơi cùng cha mẹ, được dùng bữa cơm gia đình đủ đầy thành viên… thì đứa trẻ nào không khỏi tủi thân.
Mặc cảm về hoàn cảnh gia đình, sự tủi hổ là có với trẻ sống trong gia đình không trọn vẹn. Cho nên, không ít trẻ thường tỏ ra khó chịu và ghét nghe những lời nói không hay từ người khác về gia đình mình.
Sự tủi thân, cảm giác mặc cảm sẽ là ký ức khó phai trong tâm hồn của con trẻ và rất cần chuyển hóa chúng thành những điều tích cực. Cha mẹ đơn thân hãy đưa ra minh chứng về những gia đình đơn thân khác, cùng con phân tích để cho trẻ biết thêm nhiều khía cạnh của cuộc sống gia đình.
Từ đó giúp trẻ nhận ra rằng hoàn cảnh của mình cũng bình thường như bao gia đình khác, dù thiếu vắng thành viên nhưng gia đình vẫn là nơi bình yên nhất mà cha con/mẹ con mình có được. Đừng quên dành cho con lời khen, lời động viên khi chúng nhận thức tích cực về vấn đề.
Làm được điều này, phần nào sẽ khơi dậy lòng trắc ẩn trong trẻ, giúp chúng có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống. Bên cạnh đó, cần tập cho con cách đối diện và suy nghĩ lạc quan để vượt qua những lời nói tiêu cực của người khác.
Những ký ức thời ấu thơ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của trẻ sau này. Một tuổi thơ hạnh phúc hay không là nền tảng quyết định tính cách và con người khi chúng trưởng thành. Vì vậy, cha mẹ đơn thân phải thật sự chú ý đến nét tâm lý này của con trẻ.
Trẻ có nguy cơ xuất hiện các hành vi lệch lạc về tính cách, giới tính
Ở gia đình mẹ đơn thân, bé trai dễ có nguy cơ thiếu nam tính vì vắng đi những hình ảnh mạnh mẽ của cha và không có cha để nuôi dưỡng quyền lực của người đàn ông, bé gái thì có thể tự đồng nhất mình với mẹ, không có cha để bày tỏ những nét nữ tính nên dễ xuất hiện xu hướng nam tính.
Với gia đình có ông bố đơn thân thì sẽ có biểu hiện ngược lại. Đây là một trong những nguyên nhân tạo nên nét đặc trưng tâm lý của trẻ sống trong gia đình đơn thân.
Để giúp trẻ cân bằng được cuộc sống và hạn chế các hành vi lệch lạc về tính cách, giới tính cha mẹ tuyệt đối tránh những định kiến tiêu cực về người khác giới. Thay vào đó, cha mẹ đơn thân cần gửi những thông điệp tích cực, chỉ ra các điểm ưu thế, bản chất về tính cách, giới tính của những người khác giới.
Thậm chí có thể gợi mở, giúp con xây dựng hình ảnh bản thân qua hình mẫu lý tưởng của những người trong gia đình hay ngoài xã hội làm. Trên cơ sở đó có thể hạn chế tối đa sự mất cân đối trong tiến trình phát triển tâm lý của con trẻ.
Trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi cách giáo dục từ người nuôi dưỡng
Gia đình là trường học đầu tiên của trẻ và có sự tác động sâu sắc đến sự hình thành và phát triển nhân cách. Cách giáo dục từ cha mẹ là nền tảng góp phần tạo nên bộ mặt nhân cách ở trẻ. Chúng ta cũng biết, trẻ con vốn có khả năng bắt chước rất tốt. Thế nên, trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi cách giáo dục từ người nuôi dưỡng chúng.
Thực tế cho thấy, không ít người nuôi dưỡng tiêm nhiễm suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực vào trẻ và luôn bài trừ đối phương một cách tuyệt đối. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho những đứa trẻ đơn thân thường có tính cách khác thường.
Cho nên, cha mẹ đơn thân đừng vì sự ích kỷ cá nhân mà ảnh hưởng đến tâm hồn trẻ thơ. Biết rằng làm cha mẹ đơn thân rất vất vả nhưng thế nào đi nữa thì phải thật sự là một tấm gương sống tích cực và lạc quan để nuôi dưỡng và định hình cách sống cho con. Bởi những điều ta nói, ta làm sẽ để lại dấu vết trên não, sẽ trở thành dấu ấn khó quên đối với trẻ.
Bên cạnh đó, cha mẹ đơn thân cũng đừng ngại ngần học hỏi kinh nghiệm giáo dục con từ những ông bố bà mẹ đơn thân khác, có thể tham gia các lớp tập huấn dành cho cha mẹ đơn thân hoặc lên mạng tìm hiểu thêm các cách nuôi dạy con hiệu quả.
Thạc sĩ tâm lý học Đặng Hoàng An