Chỉ cha mẹ mới giúp được trẻ

01/04/2014 - 17:21

PNO - PN - Theo ông Nguyễn Thành Nhân, cố vấn cao cấp Trung tâm đào tạo tài năng trẻ châu Á Thái Bình Dương, ngày nay có nhiều trẻ khi bị cha mẹ trách mắng là bỏ nhà đi, thậm chí có trẻ không ngần ngại dàn cảnh bị “bắt cóc” để đi...

edf40wrjww2tblPage:Content

Chi cha me moi giup duoc tre

Hai trẻ đi bụi, được gia đình báo với công an là mất tích.

* Trẻ “chủ động mất tích”, rồi tự dựng chuyện bị bắt cóc, ông lý giải thế nào về tình trạng này?

- Những biểu hiện này có thể gọi là hội chứng “làm nền”, mà trẻ con, thậm chí tuổi teen hay mắc phải. Ở lứa tuổi này, ngoài sự xốc nổi thường phản ứng theo chiều hướng tiêu cực, thích chứng tỏ mình, các em còn sở hữu thêm trí tưởng tượng phong phú và khả năng bắt chước rất tốt. Hai yếu tố này kết hợp lại thì dễ hiểu vì sao các em có thể dựng nên những câu chuyện bắt cóc, mất tích, trấn lột... y như thật (theo phim ảnh, báo chí miêu tả). Vì thế, khi có một-hai vụ bắt cóc thật được miêu tả trên truyền thông, lập tức sẽ có nhiều em “tái hiện”, khiến phụ huynh hoang mang báo công an. Các em làm như vậy vì nhiều nguyên do: để ngụy biện cho những hành vi của mình, để gây ấn tượng với bạn bè, để nhắc nhở bố mẹ quan tâm đến mình hơn... Nhưng, dù là vì lý do gì thì cũng cho thấy, các em đang thiếu sự thấu hiểu và thông cảm từ những người xung quanh.

Nếu chỉ là một vài hiện tượng để báo động cho người lớn thì không sao, nhưng nếu nó tác động vào giới trẻ, nhiều em vin vào đấy để giải quyết vấn đề của mình thì thật nguy hiểm. Tiếp tục kéo dài chuyện này, trẻ sẽ gặp nhiều rắc rối về sau và phụ huynh không biết đâu là thật, đâu là giả. Khi gặp những tình huống này, phụ huynh nên bình tĩnh xem xét các mối quan hệ và những biểu hiện gần đây của con trước khi báo cơ quan chức năng.

* Không chỉ “tái hiện” bằng sự tưởng tượng, nhiều trẻ vừa qua đã bỏ nhà đi vì những lý do hết sức đơn giản như bị cha mẹ la, học điểm kém... theo ông thì nguyên nhân vì đâu?

- Đây là hiện tượng khá phổ biến hiện nay. Các em đang bị áp lực từ nhà trường, gia đình mà quan trọng nhất là “bệnh sĩ” của cha mẹ. Việc gây áp lực lên trẻ đã trở thành hiện tượng khá phổ biến trong toàn xã hội, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả Trung Quốc, Hàn Quốc. Người lớn không phân biệt hai chuyện khá quan trọng khi dạy trẻ là “thời gian dạy bảo” và “thời gian giúp đỡ”. Lúc nào cha mẹ cũng dạy, dạy và dạy; còn trẻ thì phải nghe, nghe và làm theo. Áp lực ấy, khi bùng phát, hoặc trẻ chống đối quyết liệt, hoặc bỏ nhà đi, xem như một giải pháp để tìm kiếm sự xuống nước của ba mẹ.

Một trong những kỹ năng thiếu hụt nghiêm trọng của các em là kỹ năng giải quyết vấn đề. Các xung đột diễn ra khá nhanh và các em có phản ứng khá tiêu cực khi đụng chạm đến cái “tôi” của mình nên xảy ra nhiều chuyện đáng tiếc. Ngay cả người lớn cũng thiếu kỹ năng này. Các em đang dần trở thành các con robot trong cuộc sống được cha mẹ và nhà trường lập trình.

Kinh tế khấm khá, những thứ trải nghiệm vật chất đang thấm dần vào từng gia đình, từng trường học… nhưng thứ trẻ đang thiếu chính là những trải nghiệm tinh thần. Thực tế cho thấy, điều kiện vật chất là yếu tố bên ngoài hỗ trợ con người đi đến thành công nhưng trải nghiệm tinh thần mới giúp trẻ cải thiện những yếu tố nội tại, giúp trẻ bản lĩnh hơn từ bên trong.

* Nói như ông thì có vẻ đây là “căn bệnh” xã hội khó có “thuốc” trị?

- Không khó lắm đâu! Thực ra, vấn đề của trẻ em chỉ xoay quanh các mối quan hệ của chúng: áp lực học tập, quan hệ bạn bè - thầy cô và tình cảm gia đình. Nếu biết vấn đề các em gặp phải ở khâu nào thì rất dễ “bốc thuốc”. Lời khuyên đầu tiên là cha mẹ không nên cầu toàn. Cha mẹ chỉ nên là người hướng dẫn chứ không nên áp đặt và quyết định thay con, nên rèn tính tự lập cho các bé ngay từ nhỏ. Chỉ có phụ huynh mới giúp con thoát khỏi gánh nặng áp lực. Tôi khuyên các phụ huynh nên chấp nhận một đứa trẻ năng động, nghịch ngợm một chút sẽ tốt hơn một đứa trẻ suốt ngày làm “mọt sách” hay “gà công nghiệp”. Một khi các em tìm được sự hứng thú đối với một hoạt động có giá trị thì rất khó xảy ra những hành động tiêu cực.

* Xin cảm ơn ông.

 Tiêu Hà (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI