Chỉ cần vượt qua mặc cảm

21/01/2023 - 06:00

PNO - Để đi tới thành công không phải là điều dễ dàng. Điều đó càng khó khăn với những người bị khiếm khuyết hoặc luôn mang nỗi tự ti và mặc cảm bản thân kém cỏi.

 

Tuy nhiên, bằng ý chí và nghị lực, họ đã phá vỡ những nỗi sợ vô hình, vứt bỏ cảm giác thua cuộc để đạt được thành công, trở thành những nhân vật truyền cảm hứng.

Chan Wai Lim rũ bỏ những tự ti về thành tích học tập kém để vươn lên trở thành chuyên gia hàng đầu trong ngành thiết kế tại Singapore - ẢNH: CAN
Chan Wai Lim rũ bỏ những tự ti về thành tích học tập kém để vươn lên trở thành chuyên gia hàng đầu trong ngành thiết kế tại Singapore - Ảnh: CAN

Vượt qua mặc cảm thất bại, khiếm khuyết

Nỗi hoài nghi năng lực bản thân và xuất phát điểm thấp khiến không ít người trong chúng ta hình thành sự tự ti. Đó cũng là trường hợp của Chan Wai Lim (Singapore) - người sáng lập và đứng đầu studio thiết kế Trigger Design. Cô đã vượt qua nỗi ám ảnh thất bại về thành tích học tập kém, luôn bị coi thường, chế giễu để vươn lên thành chuyên gia hàng đầu, gặt hái nhiều giải thưởng trong lĩnh vực mình theo đuổi.

Nếu như giữ mãi nỗi mặc cảm, có lẽ cô không thể đạt được thành công vượt bậc như hiện tại. “Tôi lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó và gia đình rất nghiêm khắc. Tôi không học tốt các môn học. Do kết quả học tập kém, tôi đã vào thi một trường kỹ thuật, học ngành cơ khí và sản xuất. Vào thời điểm đó, các học viện kỹ thuật được coi là những trường xếp loại kém hoặc kỷ luật kém. Tôi đã nghĩ mình sẽ không bao giờ có thể đuổi kịp bạn bè” - Chan Wai Lim chia sẻ.

Tuy nhiên, sau vài năm học, cô nhận ra kỹ thuật rất thú vị, từ quy trình sản xuất, kỹ năng vẽ cho đến cách thao tác với các vật liệu. Có lẽ chính niềm đam mê này giúp Chan Wai Lim dần lấy lại sự tự tin.

Năm 1994, cô bắt đầu làm việc tại Maxtor Peripherals, một công ty sản xuất đĩa cứng. Dần dần, Wai Lim thử sức ở nhiều công ty tư vấn thiết kế như Design Exchange, GE Fitch và Dell Experience Design Group, trước khi thành lập studio riêng - Trigger Design, năm 2015.
“Một trong những khoảnh khắc hạnh phúc của tôi là đến các nhà máy để xem các thiết kế của mình được ra khỏi dây chuyền sản xuất. Tôi thực sự tự hào về công việc của mình. Điều đó thúc đẩy tôi luôn cố gắng hết sức” - cô chia sẻ.

Erik Weihenmayer cùng hành trình chinh phục những đỉnh núi cao nhất thế giới  ẢNH: KICKASS TRIPS
Erik Weihenmayer cùng hành trình chinh phục những đỉnh núi cao nhất thế giới - Ảnh: Kickass Trips 

Với người bình thường, hành trình vượt qua cảm giác mặc cảm đã khó khăn thì với người khuyết tật, điều này còn gian nan gấp bội. Tuy vậy, không ít người khuyết tật đã trở thành gương mặt truyền cảm hứng.
Dù bị mù từ năm 14 tuổi, Erik Weihenmayer vẫn sống một cuộc đời đầy thú vị và luôn giữ sự lạc quan. Anh trở thành người mù đầu tiên từng lên tới đỉnh Everest và cũng là người mù đầu tiên hoàn tất việc chinh phục 7 đỉnh núi cao nhất thế giới.

“Khi bị mù, tôi rất sợ bị đẩy ra bên lề mọi cuộc vui và trở thành người ngoài cuộc. Tôi sợ khi cuộc sống bên ngoài đang trôi qua với tất cả sự sôi động còn tôi lại đang ngồi trong nhà tù do chính mình tạo ra. Khi còn là một đứa trẻ, tôi luôn làm những điều ngớ ngẩn thú vị, chẳng hạn đạp xe loanh quanh khám phá cùng bạn của tôi, chạy xuyên qua rừng… Khi bị mù, tôi bỗng mất đi khả năng để làm những điều ưa thích đó” - Erik tâm sự. Câu hỏi “Làm thế nào tôi có thể làm được tất cả những điều mà tôi muốn làm?” đã ám ảnh Erik suốt vài năm, từ khi anh không còn nhìn thấy ánh sáng.

Trong lúc chìm sâu vào nỗi buồn, Erik bất ngờ nhận được một bản tin bằng chữ nổi về một nhóm đưa trẻ mù đi leo núi. Dù rất băn khoăn, anh vẫn đăng ký tham gia để trải nghiệm.

“Có rất nhiều khó khăn và vất vả trong những ngày đầu tiên đó, nhưng việc được tự đương đầu với thử thách và giải quyết vấn đề theo cách của bản thân đã tiếp thêm sinh lực cho tôi, giúp tôi cảm thấy bớt tù túng. Chính hạt giống phiêu lưu ban đầu này đã thúc đẩy khát vọng trong tôi, đưa tôi đến với hàng trăm chuyến leo núi trên khắp thế giới và đến tận đỉnh Everest” - Erik Weihenmayer trải lòng.

Không chỉ đơn thuần chinh phục các đỉnh núi, những thành tựu trên đã giúp Erik vươn lên khỏi mặc cảm mù lòa, rũ bỏ những khiếm khuyết, tiến về phía trước một cách kiên cường. Hiện tại, anh đã trở thành một nhà thám hiểm, tác giả, nhà sản xuất phim và diễn giả được nhiều người ngưỡng mộ.

Nhân rộng sự tự tin

Hành trình tìm kiếm sự tự tin và trở nên thành công không chỉ mang đến những điều tốt đẹp cho bản thân mà còn lan tỏa và truyền động lực cho những người cùng cảnh ngộ, tiếp thêm sức mạnh cho họ viết tiếp ước mơ của mình.

Zhang Hong, người đàn ông mù Trung Quốc chinh phục đỉnh Everest - ẢNH: CNN
Zhang Hong, người đàn ông mù Trung Quốc chinh phục đỉnh Everest - Ảnh: CNN

Điển hình như câu chuyện của Erik Weihenmayer đã giúp Zhang Hong (47 tuổi, Trung Quốc, bị mất thị lực từ năm 21 tuổi do bệnh tăng nhãn áp) thêm nghị lực và quyết tâm để chinh phục thành công đỉnh núi cao nhất thế giới. Với thành tích trên, Zhang Hong trở thành người mù đầu tiên ở châu Á và người mù thứ 3 trên thế giới chạm đỉnh Everest.
"Dù bạn mất thị lực hay bạn không đủ tay chân, chỉ cần có bản lĩnh vững vàng thì bạn có thể hoàn thành những việc hầu hết mọi người cho rằng bạn không thể" - Zhang Hong cho biết.

Người đàn ông xứ Trung Hoa cũng không ngần ngại tiết lộ người truyền cảm hứng cho anh chính là Erik Weihenmayer. Dù rất sợ hãi vì không thể nhìn thấy con đường mình đang đi, thậm chí đôi khi còn vấp ngã nhưng Zhang Hong vẫn luôn cố gắng bình tĩnh đối mặt với những thử thách trong đời. “Sẽ có những khó khăn, nguy hiểm nhưng đó là một phần ý nghĩa của việc chinh phục một đỉnh núi" - anh tâm sự.

Hay câu chuyện vượt qua nghịch cảnh của Oprah Winfrey cũng đã truyền nghị lực sống cho phụ nữ toàn cầu suốt mấy chục năm qua. Người phụ nữ ấy đã vượt qua địa ngục của sự lạm dụng, khinh thường, phân biệt chủng tộc để trở thành tỉ phú da màu đầu tiên trên thế giới kiêm nữ hoàng truyền thông. 

Oprah Winfrey đã trải qua quá khứ đầy đau thương khi 9 tuổi đã bị anh họ, chú và một người bạn của gia đình lạm dụng tình dục nhiều lần. Từ biến cố này, bà trở nên ngang ngược, phá phách để quên đi nỗi đau về thể xác và tinh thần đã giày vò mình. Thảm họa thật sự ập xuống khi Oprah phải làm mẹ năm 14 tuổi nhưng không may, đứa trẻ cũng đã qua đời ngay khi được sinh ra. 

Tất cả trải nghiệm đầy khổ đau đó đã tôi luyện nên một Oprah Winfrey đầy nghị lực. Khi chuyển đến sống cùng cha ở Mỹ, bà lao vào học và trở thành một học sinh, sinh viên xuất sắc.

“Tôi đã phỏng vấn nhiều người đang phải trải qua những điều tồi tệ trong cuộc sống, những điều có thể quật ngã bất cứ ai. Tuy nhiên, họ đều giống nhau ở điểm tất cả dường như đang chia sẻ cho nhau năng lực, duy trì niềm tin vào tương lai. Họ đều tin rằng ngày mai tươi sáng hơn sẽ đến dù đang ở ngay trong chuỗi ngày đen tối nhất” - Oprah nói.

Oprah Winfrey đã thành lập 2 tổ chức từ thiện - Oprah’s Angel Network và A Better Chance - để giúp đỡ những mảnh đời khó khăn. Năm 2007, bà chi 40 triệu USD để mở trường The Oprah Winfrey Leadership Academy for Girls tại Henley-on-Klip, Nam Phi. Ngôi trường này đã tiếp nhận hàng trăm cô gái có hoàn cảnh khốn khó. 

Chung Thu Hương 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI