Chỉ cần ở bên người thân, Tết vẫn sẽ về

02/02/2022 - 14:25

PNO - Chiếc xe nhỏ dừng lại bên lề đường, 3 đứa nhỏ liên tục gọi cha, ổ bánh mì vặt vẹo, người đàn ông xé chia từng mảnh. Hôm nay, cha con anh… về sớm đón tết.

Đêm đầu tiên của năm mới, mặc dù nhiều người đã về quê, nhưng dòng xe vẫn nhộn nhịp nối đuôi nhau dưới lòng đường. Ít ai để ý đến 4 cha con của người đàn ông trên vỉa hè, 2 đứa lớn hồn nhiên nhìn người người qua lại, còn đứa nhỏ, chắc đói lòng, cứ đòi ăn.

Anh sợ con bị nghẹn, hết xé nhỏ phần ruột bánh mì, đến nhai nhuyễn vỏ bánh đút cho bé. Chốc chốc lại nhắc nhở 2 đứa còn lại ăn nhanh những mẩu vụn. Cứ thế, cha con anh cùng nhau đón tết. Đứa bé chỉ tay qua nhà xa lạ “nhà con, con về đây ngủ”. Anh cười: “Chúng tôi chỉ ngủ ở ngoài hiên thôi, chiếc xe này mới là nhà”.

Chỉ cần cha con được bên nhau, ở đâu cũng là nhà
Chỉ cần cha con được bên nhau, ở đâu cũng là nhà

Nhà của anh là chiếc xe ba gác cũ kỹ, có chiếc dù cột cặp xe phòng khi mưa xuống, phía trên được anh gia cố thêm hai thanh chặn, lỡ như các bé quá hiếu động vẫn còn nơi bám vào. Sáng, 3 đứa nhỏ còn ngáy ngủ, anh âm thầm đẩy xe đi nhặt ve chai ở các con đường để kịp trưa đắp đổi hộp cơm, lon sữa khi con thức dậy. Thế mà, đôi lúc 4 cha con vẫn đói lòng bởi những “đồng nghiệp” khác đã đi trước, các thùng rác tưởng như chỉ chứa đồ bỏ đi, lại gieo hy vọng cho biết bao người.

Hôm nay, anh cho phép mình và con nghỉ sớm, trước khi “về nhà” đón tết, anh cũng kịp tắm cho 3 đứa nhỏ sạch sẽ, đứa nào cũng được cha mặc… áo mới. Những đứa trẻ thơ dại chưa hiểu hết khó khăn, chúng liên tục hát ca, nói chuyện vang cả góc đường. “Tôi ưa nghĩ chỉ cần cha con được bên nhau, ở đâu cũng sẽ là nhà, là gia đình, nhưng thấy tụi nhỏ lúc đói lúc no, làm cha ai chẳng đau lòng. Tết rồi, thôi không nhắc nữa, tụi nhỏ đang vui mà, và hơn hết sau đợt COVID-19 vừa rồi, chúng tôi vẫn bình yên bên nhau”, anh khoanh tay bó gối, nhìn dòng đường hoa lệ ngoài kia.

Còn với chị Nguyễn Thị Hạnh (26 tuổi, ở Đồng Nai) đêm giao thừa chị toàn tâm cầu nguyện cho con gái 1 tuổi vượt qua được khó khăn. Đây là năm đầu tiên 2 mẹ con xa nhà, với tâm trạng ngổn ngang khi con gái phải điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM với căn bệnh tim bẩm sinh.

Người mẹ trẻ luôn trông chờ vào phép màu cho con gái nho
Người mẹ trẻ luôn trông chờ vào phép màu cho con gái nhỏ

Chị bấm điện thoại, báo tin cho người nhà về tình trạng của con gái bé bỏng. Nhìn mớ dây nhợ chằng chịt quấn quanh con, chị chắp tay xin cho con được phép màu. Bên ngoài phòng bệnh, những nhìn ảnh trang trí tết làm chị giật mình: “Tết rồi, tôi không hay, từ ngày con nhập viện đến nay, mấy lúc rảnh rỗi, tôi cũng chạy ra cổng mua vào món đồ chơi, hay nhắn người nhà chuẩn bị áo mới cho con. Đến khi bé thở máy, tôi quên luôn thời gian rồi”.

Trong cơn mê sảng, hay có thể nghe tiếng mẹ, bé gái giật mình, chị Hạnh vội vàng chỉ tay ra tấm kính: “Các cô chú có lồng đèn, có hình hổ cho con kìa, dậy đi con, đi chơi tết với mẹ”. Chị mím môi, mắt đỏ ửng lên, chỉ cần ở bên cạnh con, dù đi đến đâu người mẹ cũng thấy ấm lòng.

Điều khiển chiếc xe lăn ra đường hoa xuân của Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, anh Nguyễn Ngọc Em (41 tuổi, ở Đồng Tháp, “bệnh nhân ruột” khoa Thận Nhân tạo) nhìn về mô hình ngôi nhà nhỏ, anh rưng rưng: “Tôi mắc suy thận 18 năm, 4 năm nay gần như khánh kiệt, tôi chưa có tiền về thăm cha mẹ. Nhưng mà, tôi với mẹ sắp được… đoàn tụ rồi. Mấy hôm trước bà được phát hiện cũng mắc suy thận như tôi, qua tết mẹ sẽ lên đây chạy thận”.

Bác sĩ Tuấn và anh Ngọc Em chụp chung tấm hình làm kỷ niệm trong dịp tết
Bác sĩ Tuấn và anh Ngọc Em chụp chung tấm hình làm kỷ niệm trong dịp tết

Thiếu vắng người thân, không có vợ con nhiều năm nay anh Ngọc Em cùng các bệnh nhân khó khăn khác sống nương tựa vào nhau. Sáng anh đi bán vé số, trưa vào chạy thận, tối lại xem hành lang bệnh viện là nhà. Dịp tết, những ai còn đi lại được, có thể xin chạy thận ở quê để đón tết cùng người thân, thế nên dịp tết, anh Ngọc Em chỉ có chiếc xe lăn làm bạn. 

Ở đây, người thân duy nhất của anh có lẽ là bác sĩ CK2 Nguyễn Minh Tuấn – Trưởng khoa Thận nhân tạo. Từ khi anh Ngọc Em đến bệnh viện, bác sĩ Tuấn là người tiếp nhận và dìu đỡ anh đến ngày hôm nay. Trên con đường hoa rực rỡ, anh Ngọc Em xin chụp chung với bác sĩ Tuấn một bức hình kỷ niệm, cũng như năm mới, ai cũng thích chụp ảnh với gia đình.

“Không có bác sĩ Tuấn, có lẽ tôi không trụ nổi ở đây. Sức khỏe ngày càng xuống dốc, bán vé số chỉ được một phần trong chi phí chạy thận, bác sĩ Tuấn đã xin bảo hiểm y tế cho tôi, giúp mua vé số khi mưa gió. Anh ấy cũng góp nhặt nhiều nơi để chạy thận, thuốc thang trong lúc khó khăn. Tết chụp chung bác sĩ Tuấn tấm hình trước, khi mẹ tôi lên, tôi sẽ nhờ người chụp cho tôi với mẹ”, anh Ngọc Em xúc động.

Tết phải về nhà là quan niệm chung trong mỗi người chúng ta, cũng là mong muốn đáng trân trọng sau bao năm bôn ba xứ người. Ở nhà có mẹ, có cha, có người thương yêu đếm từng ngày mong mỏi. Nhưng đôi khi, nhà cũng chỉ đơn giản là được ở cạnh người mình thương, người có thể cho mình tựa vào lúc mỏi mệt. Năm mới, cầu chúc cho tất cả chúng ta đều được “về nhà” dù nhà ở quê xa, nhà trong tâm tưởng hay một điểm nương tựa của tinh thần.

Phạm An

 

 

news_is_not_ads=
TIN NỔI BẬT
TIN MỚI