Ở quê có mẹ đang chờ…

Chỉ cần nghe giọng nói trọ trẹ thân thương

01/08/2021 - 06:53

PNO - Quê nhà chính là liều thuốc của những đứa con nhiều ngày dài mệt mỏi kiếm sống ở phương xa.

Ngày 24/7, khi đọc được thông tin chỉ ở chốt đèo Bình Đê (phân ranh tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định) trong một ngày đã “đếm” được gần 1.000 người về từ vùng dịch bằng phương tiện cá nhân hay ngay trạm thu phí Cây Chanh (đoạn giáp giữa hai tỉnh Bình Phước và Đắk Nông trên đường Hồ Chí Minh) có hôm có đến 6.000 người qua trạm, một người bạn của tôi đã thốt lên: “Tại sao?”.

Bạn không thể nào hiểu được điều gì đã khiến nhiều người chấp nhận đói rét trên hành trình cả ngàn cây số (vì hai bên đường không hàng quán nào còn bán do nhiều tỉnh giãn cách xã hội) hay sẵn sàng vượt cả ngàn cây số bằng xe đạp như bốn mẹ con người Nghệ An trở về quê từ Đồng Nai. Nhiều người khác lội bộ vài trăm cây số trên đoạn đường rất vắng, tìm cách vượt chốt kiểm dịch lúc hai giờ sáng… và rất nhiều người đang trở về trong chương trình đón công dân về quê mà các tỉnh, thành thực hiện.

Niềm vui của những người từ TPHCM được đón về quê hương Đà Nẵng - Ảnh: Lê Đình Dũng
Niềm vui của những người từ TPHCM được đón về quê hương Đà Nẵng - Ảnh: Lê Đình Dũng

Vì sao nhất quyết phải về? Bạn bảo, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, người lao động mất việc. Nhưng, quê nhà cũng thế, chẳng phải vì mưu sinh khó đến thế nên mới phải tha hương? Chưa kể các tỉnh miền Trung trong làn sóng thứ tư của dịch COVID-19 cũng đang chật vật đối phó. Chưa tính, biết đâu mình lại mang dịch bệnh về quê… 

Thế nhưng, với từng đứa con tha hương, chữ “quê”, chữ “nhà” có một tầng nghĩa khác ngoài chốn dung thân. Con người, tự trong tiềm thức, khi gặp bất trắc sẽ tìm về chốn, về người từng cho mình cảm giác bình an nhất. Quê nhà là thế. Ở đó có người anh, người chị và người mẹ già mỗi ngày đều ngồi trước hàng hiên tự hỏi con mình nay có đủ ăn không, mất việc rồi nó có đủ tiền để trả tiền trọ không… Ở đó có mảnh vườn với những luống rau chẳng màng thẳng hàng, mất dăm ba phút hái vào là đủ qua được bữa ăn. Ở đó là quá khứ êm đềm, là thơ ấu ngọt ngào và bình yên.

Mẹ tôi cũng thế. Những ngày này, bà chỉ mong mỏi một chữ “về” dù ở Sài Gòn hiện tại, bà chưa có dấu hiệu nào để trở thành đối tượng có nguy cơ bị dịch xâm lấn. Thậm chí, bà hiểu rõ năng lực chống dịch của quê mình rất hạn chế. Thế nhưng, dù đã tự sắp xếp cho mình những ngày phòng dịch tại Sài Gòn cẩn thận, bà vẫn không thôi nhắc chuyện “về quê”. Như thể đó là một sự mặc định khi đối diện với nỗi bất an mơ hồ, có điều gì đó tự bên trong thôi thúc họ muốn quay về với cội nguồn, với nơi mà từ đó họ ra đi.

Vì thế, không cần phải là ai đó trong hàng ngàn người đang nhất quyết trở về quê kia mới trả lời khúc chiết được câu hỏi của bạn tôi. Bởi lẽ, bất kỳ kẻ tha hương nào cũng có thể cảm nhận được chữ “quê nhà” mang một niềm an ủi to lớn ra sao, nhất là trong những ngày này, khi sự bất an đến từ khắp nơi, từng người phải tự trấn tĩnh. Như thể chỉ cần đó là quê, chỉ cần nghe được giọng nói trọ trẹ thân thương từ trong nhà ra ngõ thì bao khốn khó, bao khoảnh khắc chới với sẽ được trút xuống, biến mất. Về, có cháo ăn cháo, có rau ăn rau. Không sao cả vì họ có cảm giác được vỗ về từ hai chữ “quê nhà”. 

Xin đừng ai nặng nhẹ với những đứa con đang tìm cách quay về dù sự trở về đó của họ cũng đồng nghĩa góp thêm phần mệt mỏi cho hệ thống chính quyền, lực lượng y tế. Quê nhà chính là liều thuốc của những đứa con nhiều ngày dài mệt mỏi kiếm sống ở phương xa. 

Phương Hà

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI