Chị Bùi Thị Phi Giao: Đơn thân hay 'hai mình' nuôi con đều vất vả như nhau

05/10/2019 - 05:30

PNO - Tôi nghĩ rằng, việc dạy con dù là đơn thân hay "hai mình" cũng vất vả như nhau. Bạn bè gia đình đầy đủ vẫn cứ than “dạy con vất vả quá” nên tôi hiểu việc dạy con là sự nghiệp của tôi rồi.

Phóng viên: Là một người mẹ đơn thân, có bao giờ chị cảm thấy bất lực hay mệt mỏi khi phải dạy dỗ một cậu con trai đang tuổi ẩm ương?

Chị Bùi Thị Phi Giao:  (Giám đốc công ty TNHH SACHI Trading): Tại sao lại là “bất lực” nhỉ? Tôi nghĩ rằng, việc dạy con dù là một mình hay hai mình cũng vất vả như nhau. Bạn bè gia đình đầy đủ vẫn cứ than “dạy con vất vả quá” nên tôi hiểu việc dạy con là sự nghiệp của tôi rồi. 

Cũng như hầu hết đàn bà trên đời này, tôi muốn có một người đàn ông chăm sóc mình. Nên từ sau đổ vỡ, tôi luôn tâm niệm sẽ cố gắng dạy dỗ con trai mình thành một người đàn ông, trước mắt biết thương mẹ, chăm sóc mẹ và em; làm được những việc vặt trong nhà, xứng đáng là nam nhi.

* Nhưng một mình dạy con hẳn chị gặp nhiều khó khăn hơn, nhất là với những việc, những chuyện dành cho phái mạnh?

- Tôi không đặt áp lực cho mình và cho con. Con phát triển tự nhiên, tôi theo dõi để uốn nắn con. Chẳng hạn những lần đi du lịch xa, trước khi đi, tôi nói với con rằng con sẽ phụ trách việc check-in ở sân bay và lấy hành lý cho cả hai mẹ con. Đàn ông phải làm những việc như thế. 

Chi Bui Thi Phi Giao: Don than hay 'hai minh' nuoi con deu vat va nhu nhau
Chị Bùi Thị Phi Giao và con trai Tin Tin

Hôm sau đi, tôi đứng quan sát con làm, chỉnh sửa những điều con còn lúng túng. Vài lần như thế con quen, đi đâu cũng đẩy xe hành lý cho mẹ. Thậm chí con còn khiêng đồ lên xe đẩy giúp các phụ nữ đi một mình trong đoàn. 

Tôi vẫn luôn nói với con, không cần con quá mạnh mẽ nhưng con luôn phải biết giúp đỡ phụ nữ. Thế nên ngay từ nhỏ, con đã biết phụ giúp mẹ làm việc nhà.

* Chị có gặp khó khăn khi tâm sự cùng con về những thay đổi của cơ thể ở lứa tuổi này cùng rất nhiều chuyện tế nhị khác - việc mà những ông bố thường làm?

- Có lẽ đây là việc khiến tôi băn khoăn nhất. Bạn nói đúng, với những thay đổi tâm sinh lý của đàn ông có lẽ khi bố nói thì con sẽ cảm thấy mình được đồng cảm hơn. Mọi người có thể tìm giải pháp như nhờ thầy giáo hoặc anh em trai mình nhưng tôi không làm thế. Tôi tin vào tình thương của mình dành cho con. Tôi sợ con mình cảm thấy lẻ loi khi đối diện với những biến chuyển của cơ thể. Tôi muốn tự mình nói với con về những điều đó. 

Tôi nhớ lúc mình đưa con đi ăn và thủ thỉ với con rằng, đến tuổi này sẽ như thế thôi, ai cũng như vậy hết. Nếu chúng ta không bể tiếng, không mọc lông, không... thì chúng ta sẽ không lớn, sẽ gặp trục trặc. Con theo dõi mình có gì phải nói liền với mẹ. Con nhìn tôi và gật đầu. 

Cứ thế mẹ con cùng chia sẻ với nhau chuyện của mình. Có lẽ tôi may mắn, nên con ngoan ngoãn và biết thương mẹ. Con biết mẹ một mình cực khổ nên lo lắng cho mẹ nhiều. Còn nhớ lúc con còn nhỏ, tôi chỉ nói con nên tự đi vào nhà vệ sinh nam vì mẹ là phụ nữ không vào được, vậy là con tự biết đi vệ sinh một mình từ nhỏ, còn biết nhờ người lớn trong đó giúp mình vì “mẹ con là phụ nữ nên không vào được”. Khi nghe con nói câu đó, tôi cảm thấy thật ấm áp.

* Nghe chị chia sẻ, tôi cảm thấy có lẽ việc nuôi dạy con một mình không có gì khác biệt. Như vậy, điều khác biệt lớn nhất của một đứa trẻ lớn lên trong một gia đình không đầy đủ chính là gì?

- Như tôi chia sẻ ở trên, vất vả khi nuôi dạy một đứa trẻ là như nhau. Khác biệt lớn nhất của một đứa trẻ lớn lên trong một gia đình không đầy đủ chính là thiếu sự yêu thương. Tôi không thấy mình khó khăn khi dạy con mà chỉ ước gì mình có thể thương con gấp đôi để bù đắp cho con những mất mát, thiệt thòi về tình cảm.

* Cám ơn chị đã chia sẻ. 

 Lan Khôi (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI