Chỉ bên mẹ là mùa xuân thôi!

26/01/2017 - 06:30

PNO - Ngoài những cái tặc lưỡi nuối tiếc thời gian trôi quá nhanh, người ta còn biết làm gì hơn khi nhìn những mùa xuân trời đất, của đời người nối tiếp trôi đi.

Nhiều năm trước, cứ vào thời điểm này trong năm, mẹ con tôi lại lục tục chuẩn bị tết. Mẹ dắt mấy chị em đi chợ, chỉ cách chọn kiệu, hành sao cho ngon, mua thịt nào để kho tàu mới hợp, mua hoa thế nào để chưng được lâu.

Mấy bà bán hàng cứ trêu mẹ đang huấn luyện cho con gái làm dâu, còn mẹ thì tự hào vì có "đám lâu la" đi theo khuân vác cho đống đồ mẹ vừa mua, chuẩn bị cho việc ẩm thực của cả nhà trong cả mùa tết.

Chi ben me la mua xuan thoi!
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nói "mùa tết" chắc cũng không ngoa bởi năm nào cũng vậy, ra hết cả "mùng" lẫn "mền" (hết tháng giêng âm lịch) đồ ăn chuẩn bị từ trong tết ở nhà tôi vẫn ê hề. Để được vậy, mấy mẹ con phải công phu chuẩn bị từ cả tháng trước tết. Có người thắc mắc sao làm nhiều vậy để rồi ăn không hết, vừa mệt, lại mất thời gian. Vậy chứ năm nào có ai đó bàn ra là bị những người còn lại gạt ra liền, có làm cực chút mới vui, mới thấy không khí tết rần rần trong nhà, chứ mua sẵn ở ngoài thì khoẻ thật nhưng ăn vèo phát là xong, chẳng có... kỷ niệm để mà nhớ!

Nhớ lúc trước người ta còn thói quen ngâm tro trước khi làm kiệu, lúc ngồi gọt kiệu vừa bẩn, vừa... hôi, gọt xong mấy ký kiệu cả người cũng ê ẩm. Vậy mà sau này mua kiệu sống ở chợ được cắt gọt sẵn sạch sẽ lại không thấy thích bằng ngày xưa khi mấy chị em ngồi còng lưng vừa cắt kiệu vừa tám chuyện trên trời dưới đất.

Có người quen biếu hũ kiệu trắng phau mua ở siêu thị lại ngại ăn vì sợ kiệu ngâm hàn the! Ăn giò thủ của một nhãn hiệu thực phẩm nổi tiếng đứa nào cũng chê không thơm, không đậm đà như giò thủ mẹ làm, dù lúc làm giò thủ ở nhà đứa nào cũng ngán khoản xắt tai heo và mũi heo cứ trầy trật với con dao cùn! Chúng tôi cứ đùa với nhau lúc an nhàn sao không tận hưởng, nhớ chi hoài thuở khó nhọc, hàn vi!

Công đoạn "dọn nhà ăn tết" chỉ thực sự kết thúc sau khi mấy chị em cùng vặt sạch lá của mấy chậu mai. Chỉ đến khi nhìn thấy những chiếc lộc non xanh mới nhú, mọi rã rời, mỏi mệt dồn lại từ những ngày trước đó mới thật sự tan biến!

Nhưng, đó chỉ là kỷ niệm của những mùa tết cũ. Mẹ giờ sống xa chúng tôi đến nửa vòng trái đất nên chỉ cảm nhận được mùa xuân nơi quê nhà qua những cuộc điện thoại đường dài, những tin nhắn miêu tả chi tiết những đổi thay ở nơi mẹ đã quá nửa đời người gắn bó.

Có lẽ chúng tôi chẳng biết được mẹ buồn, nỗi nhớ tết, nhớ quê đang cào xé mẹ thế nào nếu mẹ không bảo chúng tôi chụp cảnh đường sá, chợ búa trong mấy ngày cận tết cho mẹ xem, nếu không có những khoảng lặng chốc chốc lại xen vào giữa những cuộc chuyện trò qua điện thoại, mẹ dừng lại, và khóc, trong khi tôi huyên thuyên kể mẹ nghe con đường nhà tôi người ta giăng đèn trang trí thế nào, ông hàng xóm già đã tỉa lại dùm mấy cành mai của mẹ ra sao, con đường từ nhà ra chợ đã rộn rịp đón tết từ mấy tuần trước... Kể một thôi một hồi, thấy mẹ yên lặng hồi lâu, mới thấy mình vô tâm quá đỗi. Phía đầu dây kia, mẹ nghẹn ngào nói không nên lời. 

 Ngày đến, mùa đi, thời buổi này mấy ai còn đếm mùa nhung nhớ! Tháng năm vẫn tuần tự thực thi nhiệm vụ của mình theo sự sắp đặt của tạo hóa. Ngoài những cái tặc lưỡi nuối tiếc thời gian trôi quá nhanh, người ta còn biết làm gì hơn khi nhìn những mùa xuân trời đất, của đời người nối tiếp trôi đi.

Với tôi, việc thay tờ lịch cũ, dọn dẹp lại góc làm việc, nhà cửa vào những ngày cuối năm dường như chỉ còn là thói quen. Cảm giác chộn rộn, náo nức “nôn tết” của ngày cũ dường như đã vơi đi ít nhiều, không hẳn khi tuổi đời thêm chồng chất, mà còn là khi tôi kịp hiểu: Chỉ bên mẹ là mùa xuân thôi!

 Đào An Nhiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI