Thấy tôi cầm điện thoại, bật chế độ quay phim trên con đường dẫn vào chợ đầu mối Bình Điền (Q.8, TPHCM), một cán bộ ban quản lý chợ này dặn: “Em khéo léo một chút kẻo bị phát hiện. Bên đó ngoài vòng phủ sóng của bọn anh”. Tôi tiến ra vùng “không phủ sóng”, bị một chị hàng thịt chĩa mũi dao nhọn, hùng hổ: “Làm gì đó, chụp cái gì? Tính dẹp bọn này phải không?”
Vùng không phủ sóng
Đêm 26/12/2019, đường Quản Trọng Linh dẫn vào chợ đầu mối Bình Điền (gọi tắt là chợ Bình Điền) dài khoảng 1km chật cứng người, xe và hàng hóa. Những bao dưa hấu, thơm, rau, củ và từng lồng gia cầm được chuyền xuống từ hàng chục chiếc xe tải xếp hàng đậu giữa đường. Lẫn trong dòng xe cộ là người bán kẻ mua, tiếng loa phóng thanh chào hàng đủ sắc thái. Cách một trạm chắn, phía trong, các tiểu thương chợ Bình Điền sốt ruột. Họ đợi xe chở hàng vào cho mình. Từ đường Nguyễn Văn Linh, hàng trăm chiếc xe container nối đuôi nhau dịch chuyển từng xăng-ti-mét đường, len trong đám đông nói trên. Muốn chở hàng vào chợ Bình Điền cho tiểu thương, cánh tài xế của những xe container này phải vật vã vượt qua rừng người và xe tải trên đường Quản Trọng Linh.
|
Đường Quản Trọng Linh "độc đạo" dẫn vào chợ đầu mối Bình Điền luôn trong tình trạng bị chợ tự phát chiếm dụng, hàng hóa được bày lấn ra giữa lòng đường |
Anh Hoàng - nhân viên Công ty Quản lý và Kinh doanh (BQL) chợ Bình Điền cho biết, hơn 10 năm trước, khi thành lập chợ Bình Điền thì “chợ lề đường Quản Trọng Linh” cũng mọc theo, tự phát. Những năm trước, chợ tự phát này chỉ bán buôn nhỏ lẻ, còn bây giờ, quy mô lớn hơn cả một ngôi chợ truyền thống. Chợ Bình Điền hoạt động về đêm, còn chợ lề đường này hoạt động liên tục 24 giờ mỗi ngày, với đủ các mặt hàng như trong chợ Bình Điền.
|
Chợ Bình Điền hoạt động về đêm |
Sáng 27/12/2019, lượng xe tải vào khu chợ lề đường này giảm dần, nhưng chợ vẫn hoạt động quy củ, bài trí theo từng mặt hàng, cụm sản phẩm. Các “tiểu thương” bán gia cầm của chợ này kéo hàng của mình tụ về một điểm, rau cá một điểm, những sạp thịt heo nối dài một dãy, trái cây chiếm gần 500m đường. Họ tự quy hoạch luôn không gian cho mình: bày hàng hóa lấn ra giữa đường. Khi có chiếc xe container từ chợ Bình Điền chạy ra, họ rủ nhau kéo hàng dịch vào trong lề, nhường đường; khi xe đi qua, họ lại đưa hàng trở về vị trí cũ. Con đường Quản Trọng Linh có lộ giới 36m, được làm để đáp ứng sự lưu thông cho hơn 6.000 phương tiện ra vào chợ Bình Điền mỗi đêm, nay bị chợ tự phát này chiếm dụng.
Tôi hỏi một cán bộ BQL chợ Bình Điền về nguồn cơn hung hăng của chị “tiểu thương” hàng thịt heo của khu chợ ngoài chợ, anh tình thật: “Hơn 10 năm, dẹp không được. Họ ngày càng mở rộng quy mô, mua bán công khai, thách thức tất cả. Các cơ quan truyền thông, đài truyền hình cũng từng về quay phim, đưa tin, rồi đâu lại vào đấy”. Anh kể, có lúc “tiểu thương” chợ lề đường ngang nhiên đưa hàng vào chợ Bình Điền, bày ra bán, rồi chèo kéo khách mua hàng. Lực lượng bảo vệ chợ Bình Điền đến dẹp, họ lớn tiếng, lăm le dao đe dọa. “Khi cơ quan chức năng hỗ trợ, đuổi được họ ra ngoài, chúng tôi mừng lắm. Nhưng họ vẫn hoạt động cho đến nay, ngày càng lộng hành, mình chỉ biết kêu cứu các cơ quan chức năng, vì ngoài địa phận quản lý, không thể tay đôi hơn thua được nữa” - vị cán bộ này cho biết.
Tiểu thương chợ Bình Điền cạn nước mắt
Chiều muộn, anh S. (Q.8, TPHCM) mua nửa cân thịt heo, giá 55.000 đồng. Anh về, hí hửng khoe với vợ mua được khoanh ba rọi giá rẻ. Thế nhưng, cầm miếng thịt trên tay, vợ anh nhăn mặt: “Thịt vầy làm sao ăn được?”. Chưa kể, miếng thịt đã chuyển màu tái nhạt, các cạnh đã nhuốm vàng, khô cứng, vợ anh S. còn “lóc” ra được gần 10 “hạt gạo” nghi do nhiễm sán. Anh S. phân bua rằng, mua ở chợ Bình Điền. Tức tối mở điện thoại gọi cho BQL chợ Bình Điền, anh S. mới té ngửa khi nhận được thông báo: chợ Bình Điền không hoạt động ban ngày, hàng hóa muốn bán cũng phải sau 22g cho đến 6g. Anh S. khi đó mới biết mình mua thịt ở chợ chồm hổm bên ngoài chợ Bình Điền. Cũng không ít lần, người tiêu dùng phản ánh, mua 1kg rau, về cân lại còn đúng 700g.
Anh Lê Anh Phương - Trưởng ban Nhà lồng thịt súc sản, chợ Bình Điền - đau khổ: “Tiểu thương của chợ sống dở chết dở với những kiểu tai bay vạ gió như vậy”. Hàng ngàn mặt hàng được bày bán ở chợ tự phát đều bị người tiêu dùng gán cho là mua ở chợ Bình Điền. Thương hiệu chợ bị ảnh hưởng, tiểu thương bất bình, nhưng không biết nhờ ai giải oan. Hàng hóa muốn vào chợ Bình Điền đều phải qua bước kiểm duyệt nghiêm ngặt: trình bày xuất xứ, kiểm định chất lượng. Khách mua hàng muốn đảm bảo cân nặng, cũng có cân đối chứng đặt sẵn. Sự hoành hành của chợ tự phát kia khiến tiểu thương chợ Bình Điền điêu đứng, nhưng đành ngậm đắng nuốt cay.
|
|
Anh Võ Công Thuận - tiểu thương vựa rau quả ở chợ Bình Điền từ ngày đầu lập chợ - thở dài: “Bức xúc đã quá lâu, nay hết bức xúc nổi, chỉ thấy bất lực, chán nản vô cùng”. Anh Thuận kể, khác với chợ tự phát, tiểu thương chợ Bình Điền phải chi trả nhiều khoản như thuế môn bài, thuế doanh nghiệp, phí quản lý, phí môi trường, rồi còn phải tham gia các khóa tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Anh ngao ngán: “Cách nhau mấy bước chân, trong khi mình tuân thủ thì ngoài đó, họ mặc sức buôn bán bừa, khỏi đóng đồng thuế, phí nào”. Theo anh Thuận, tiểu thương chợ Bình Điền không chỉ bị giảm doanh thu, mà còn bị chợ lề đường chiếm mất các mối quen.
Bao nhiêu lá đơn của tiểu thương gửi đến, BQL chợ Bình Điền đành ngậm ngùi để đó. Hơn 10 năm trước, khi có chủ trương di dời chợ đầu mối ra các quận, huyện ngoại thành, hàng loạt tiểu thương ở nội thành đã chấp thuận chủ trương, dời hàng ra theo, chấp nhận mất mối, khởi tạo lại việc kinh doanh. Giờ thì họ ở vào tình cảnh bị “đem con bỏ chợ”.
Không riêng con đường Quản Trọng Linh dẫn vào chợ, các con đường lớn nhỏ bao quanh chợ Bình Điền cũng bị biến thành chợ nhỏ. Ngoài những xe hàng tự phát, người dân còn dựng sạp, cắm bảng “vựa trái cây”, “điểm chuyên cung cấp sỉ hàng rau củ”.
Ký kết liên tịch cho vui?
Giờ cao điểm, xe cộ bị nghẽn ứ khi lưu thông trên các con đường bao quanh chợ Bình Điền. Điểm bán trái cây, rau củ, thịt cá giăng khắp, lấn hẳn ra lòng đường. Chị Từ Thị Thanh Hoa - tiểu thương chợ Bình Điền - kể, có những sáng chợ tan, ra về, chạy một đoạn thì bị cảnh sát giao thông bắt lỗi xe máy chạy vào làn ô tô. Chị chỉ làn xe máy, hỏi: “Người ta giăng hàng hóa ra bán, lấn hết đường, tôi biết phải làm sao?”. Đang lập biên bản xử phạt, cán bộ dửng dưng: “Chúng tôi làm nhiệm vụ, chị đi sai đường thì chịu phạt”. Chị Hoa cãi: “Còn những người buôn bán lấn chiếm lòng lề đường thì sao? Sao không thấy ai xử phạt họ?”. Nghe hỏi câu đó, cảnh sát giao thông lắc đầu, nói dẹp chợ tự phát không phải trách nhiệm của cảnh sát giao thông. “Nghĩ mà uất” - chị Hoa tức tưởi.
|
Đường Quản Trọng Linh “độc đạo” dẫn vào chợ đầu mối Bình Điền luôn trong tình trạng bị chợ tự phát chiếm dụng, hàng hóa được bày lấn ra giữa lòng đường - Ảnh: Tam Nguyên |
Năm 2009, UBND TPHCM ban hành quyết định 64 về phê duyệt quy hoạch kinh doanh nông sản, thực phẩm trên địa bàn thành phố, có nội dung các tuyến đường bao quanh ba chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền không được kinh doanh nông sản, thực phẩm dưới mọi hình thức. Đường Quản Trọng Linh dẫn vào chợ Bình Điền cũng nằm trong quy định cấm các loại xe có tải trọng lớn dừng, đậu, bốc, chuyển hàng. Nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại.
Chưa nói đến các điểm chợ hiện đang manh nha hình thành, chợ tự phát Quản Trọng Linh kéo dài cả cây số, hàng hóa la liệt, bán sỉ lẫn bán lẻ với quy mô hơn nhiều ngôi chợ dân sinh truyền thống, sao vẫn ngang nhiên tồn tại? Chỉ dài khoảng 1km, nhưng tuyến đường này lại giáp ranh giữa P.7, Q.8 và xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh. Lãnh đạo BQL chợ Bình Điền cho hay, hễ phía Q.8 “ra quân” dẹp thì các “tiểu thương” chợ tự phát lại ôm hàng, chạy qua địa phận huyện Bình Chánh và ngược lại, nên không thể xử lý được. Nhưng đó là chuyện của trước kia. Nhiều năm liền sau này, để lập lại trật tự, BQL chợ Bình Điền cùng UBND P.7, Q.8 và UBND xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh liên tục ký kết các kế hoạch liên tịch, trong đó có nội dung lực lượng của địa phương này được phép xử lý vi phạm ở bên kia.
|
|
“Quá trình thực hiện kế hoạch liên tịch này ra sao?” - chúng tôi hỏi. Vị lãnh đạo BQL chợ Bình Điền mệt mỏi: “Chỉ phối hợp bề nổi, ra quân cho có, lại chỉ làm vào các buổi sáng. Họ đi rồi, chợ lại nhóm họp”. Năm nào cũng vậy, vào thời điểm giáp tết, xe hàng, khách mua hàng và ngay cả tiểu thương, cán bộ, nhân viên chợ Bình Điền đều không cách nào chen được 1km đường Quản Trọng Linh để vào chợ. Bức xúc quá, họ gọi thẳng lên lãnh đạo UBND hai quận, huyện. Hàng chục cán bộ được cử xuống nhưng ai nấy đều lắc đầu, loay hoay một hồi rồi ra về, chẳng biết phải xoay xở ra sao với số người, xe và hàng hóa ngập một tuyến đường như vậy.
Vị lãnh đạo BQL chợ Bình Điền thông tin: hễ có lãnh đạo từ trung ương hay thành phố về thăm chợ Bình Điền thì ngày đó, chẳng cần ai ra quân, chợ tự phát kia cũng tự biến mất; 1km đường Quản Trọng Linh bỗng dưng trở lại khang trang, sạch sẽ, im ắng đến không ngờ. Khi lãnh đạo rời đi, trong phút chốc, chợ tự phát lại họp, bán mua tấp nập. “Tình hình là như vậy. Nếu chúng ta không thể làm gì, chi bằng, dẹp luôn chợ đầu mối Bình Điền. Chứ cứ thế này, có ngày sẽ chết, còn hiện giờ cũng đang ngất ngư” - vị lãnh đạo BQL chợ Bình Điền buồn rầu.
Kết quả giám sát của Hội đồng nhân dân TPHCM và báo cáo từ các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện cho thấy, chợ truyền thống chết chủ yếu là do sự nở rộ, lộng hành của các chợ tự phát bao xung quanh. Có căn nguyên, chẳng lẽ không có cách khắc phục? Lẽ nào chính quyền các cấp lại bất lực trước hoạt động vô pháp như thế?
Tuyết Dân - Tam Nguyên