Tuần trước đám giỗ mẹ, chị gọi cho tôi giọng nức nở: “Năm nay không ai ở lại ăn giỗ hết em ơi! Thiệt tình, chẳng lẽ không thu xếp được thời gian? Anh chị em đều quẩn quanh trong thành phố mà mọi người tệ quá!”.
Chị có cái tên rất đẹp, Thanh Liễu. Nghe đâu đây là tên người yêu cũ của ba chị, ông lấy tên đó làm khai sinh cho chị ngay lúc mẹ chị còn nằm cữ, khi bà hay tin “động trời” này thì mọi sự đã rồi. Nhưng từ lâu, mọi người đã quên hẳn tên thật của chị mà thường gọi là chị “soi”. Căn nguyên cũng bởi chị quá kỹ tính, sạch sẽ nên thường “soi” từng chi tiết nhỏ nhặt nhất.
|
Ảnh minh họa |
Nhớ đợt vợ chồng em trai về chơi, vợ chồng con cái còn đang cởi giày, chưa kịp cất áo khoác hay chào hỏi, chị từ trong nhà đi ra, nhìn mọi người một lượt từ đầu đến chân. Không kịp để ai lên tiếng, chị ngồi thụp xuống xếp ngay ngắn từng đôi dép theo thứ tự từ nhỏ đến lớn, mặc kệ thái độ sượng sùng cô em dâu, dù cô đã được chồng chuẩn bị trước tâm lý từ khi ở nhà, rằng: “Chị Năm khó lắm, một cọng tóc hay hạt bụi cũng không xong với chị!”.
Nhà chỉ có cây chổi quét, hoàn toàn không xài ky hốt rác vì “dơ, nhìn thấy toàn vi trùng”, cũng không được để bất kỳ mẩu rác nào (dù chỉ là giấy gói bánh mì hay khăn giấy) trong nhà. Nếu không, chị sẽ nhắc nhẹ hoặc đi qua đi lại săm soi, rồi thì “ngứa mắt” quá thì đích thân chị sẽ trực tiếp đem đi bỏ.
Khổ thân cô em dâu, lâu ngày về thăm nhà cha mẹ chồng (ông bà đã mất), một nách hai con nhỏ nên có đôi chút bày bừa, thế mà hơi tí phải chạy ra thùng rác bên hông nhà xử lý. Mà có phải rác gì lớn lao, cũng chỉ là miếng khăn giấy, thun buộc tóc của con gái nhỏ. Đến nỗi thằng Tí (con chị Sáu, nhà sát bên) buộc lòng phải lên tiếng méc mẹ: “Mẹ coi, mợ Bảy có con nhỏ thì làm sao mà ngăn nắp cho được, thế mà dì Năm cứ săm soi bắt bẻ miết”. Mẹ nó nghe xong, chỉ biết lắc đầu.
Đợt đám giỗ trước, cúng kiếng vừa xong, con nít được ăn trước vì đói sớm, người lớn thì tập trung nhậu sau. Em dâu chị chưa kịp đút con nhỏ ăn muỗng nào thì thằng con trai lớn chạy từ nhà bếp lên giọng hoảng hốt: “Mẹ ơi, đưa chén trả lại cô Năm. Cô Năm nói mẹ lấy lộn chén rồi, chén này chén cúng, không phải chén ăn cơm”.
|
Ảnh minh họa |
Em dâu chị ngơ ngác, nhìn đi nhìn lại hoa văn trên chén, không biết có điểm khác biệt gì giữa hai loại chén trên. Cuối cùng, cô đành dắt hai con nhỏ ra đầu hẻm ăn phở, trong khi hôm đó đám giỗ, nhà đâu thiếu thức ăn, chỉ là sợ mang “trọng tội” với cô Năm nên không còn sự lựa chọn khác.
Đến hồi mấy anh em bạn rể vô bữa nhậu, đang cao hứng thì chị cứ đi lên đi xuống, khi thì dẹp bớt chén, khi thì đổi mâm, khi thì thay giấy báo lót, khi thì gắp bỏ xương, khi thì lau bớt nước đá… Cứ vậy lặp đi lặp lại đôi ba lần, mấy ông vừa nâng ly cụng, gặp tình thế đó thì tắt cả hứng ăn nhậu.
Đợt này chị Ba từ nước ngoài về thăm nhà, ở lại Việt Nam lâu hơn cũng là để dự đám giỗ mẹ mà mấy năm nay chị không thu xếp về được. Mấy anh chị em tuy ở xa, bận bịu nhiều việc, nhưng cũng ráng tranh thủ tạt về nhà cha mẹ họp mặt, hàn huyên tâm sự cùng chị Ba sau bao ngày xa cách.
Nghe đâu mấy ngày đầu, mọi người tập trung ăn uống, hát hò khá vui, duy chỉ có một người “vui hổng nổi”. Tàn tiệc mọi người cũng xúm lại phụ dọn dẹp, rửa chén, lau nhà. Nhưng khi ai về nhà nấy thì chị “soi” lại lọ mọ đem hết số chén dĩa ra rửa lại, vì chỉ có chị làm thì chị mới yên tâm.
Xong rồi chị than trời trách đất, rằng cả ngày đã hì hục dọn dẹp nhà cửa, mệt muốn đuối cả người, mà không ai biết thương chị, rằng chỉ biết bày bừa, ăn nhậu là giỏi…
Chiều hôm sau thằng Út gọi cho chị Ba, hẹn tối vợ chồng sẽ mua vịt quay qua ăn tối. Chị Ba thầm thì trong điện thoại: “Em biết chỗ nào bán chén, đũa, muỗng nhựa thì mua qua luôn nha, khỏi xài đồ ở nhà mắc công chị Năm dọn dẹp”.
Chị Sáu sát bên nhà nghe được, thầm nghĩ: “Ăn ở nhà đã khó khăn vậy rồi, vài bữa nữa tới đám giỗ thì tính sao ta? Mấy năm chị Ba mới về thăm nhà, việc họp mặt mấy khi có dịp, thôi thì kéo cả nhà ra ngoài ăn hết cho xong, tha hồ hàn huyên, tâm sự, khỏi sợ ảnh hưởng đến ai”.
Vậy là có cớ sự như ngày hôm nay, hôm đám giỗ mọi người cũng kéo qua gửi đồ cúng, thắp nhang cho cha mẹ, nhưng kêu ở lại ăn thì ai cũng xin “kiếu”. Rồi thì lần lượt mọi người đều rủ nhau ra quán nhậu gần nhà, nơi chị Sáu đã đặt bàn, lên sẵn thực đơn. Mọi người cũng có mời chị “soi”, nhưng chị từ chối, vì nhà vẫn còn đồ ăn, và quan trọng là “quán xá nhìn dơ, đồ ăn sợ không đảm bảo”.
Rồi chị tiếp tục tức tưởi với tôi: “Em coi, có nhà nào đám giỗ mẹ, mấy anh chị em kéo ra hết quán xá như nhà chị không? Riết rồi, tình cảm anh em lỏng lẻo hết”. Chị hỏi mà không biết có khi nào tự nhìn lại cách cư xử của mình không? Tôi chỉ biết gác máy thở dài, thầm nhủ: “Nếu là em, em cũng sẽ lựa chọn như họ”.
Tuyết Mai