Chỉ 2/12 rạp do Sở VHTT TPHCM quản lý đủ điều kiện biểu diễn phục vụ nhu cầu giải trí của người dân

14/11/2024 - 19:21

PNO - Tại buổi họp báo cung cấp thông tin về kinh tế - xã hội thường kỳ vào chiều 14/11, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM (VHTT) đã trả lời tình trạng không hoạt động thời gian dài tại các địa điểm rạp Đại Đồng, rạp Long Phụng và rạp Công Nhân cũng như phương hướng khai thác hiệu quả các mặt bằng có vị trí “đắc địa”.

Theo đó, rạp Đại Đồng (địa chỉ 130 Cao Thắng, quận 1) là điểm diễn của sân khấu Kịch Sài Gòn một thời. Đây là sân khấu tư nhân do nghệ sĩ Phước Sang đầu tư, khai thác. Mặt bằng nhà đất này không phải cơ sở vật chất do sở VHTT quản lý, sử dụng. Hiện nay, sân khấu Kịch Sài Gòn không còn hoạt động và đã giải thể.

Rạp Long Phụng (địa chỉ 243 Lý Tự Trọng, quận 1) trước đây được sở giao cho Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM quản lý, sử dụng. Đến năm 2017, Sở VHTT đã thực hiện bàn giao địa điểm này cho Trung tâm Phát triển quỹ đất theo chỉ đạo (công văn số 1608/UBND-TM ngày 13/3/2008 về phê duyệt phương án xử lý tổng thể nhà, đất của Sở Văn hóa Thông tin, nay là Sở VHTT, theo quyết định số 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

Rạp Long Phụng từng là trụ sở của Nhà hát nghệ thuật Hát bội TPHCM.
Rạp Long Phụng từng là trụ sở của Nhà hát nghệ thuật Hát bội TPHCM

Đối với rạp Công Nhân (địa chỉ 30 Trần Hưng Đạo, quận 1) do Nhà hát Kịch TPHCM quản lý, sử dụng. Hiện rạp không đảm bảo đủ điều kiện biểu diễn và đang tạm ngưng các hoạt động biểu diễn do thực hiện sửa chữa sau sự cố cháy nổ (năm 2019). Tuy nhiên, nhà hát vẫn duy trì các hoạt động hành chính tại đây. Nhằm đảm bảo đủ điều kiện phục vụ cho các hoạt động biểu diễn, Sở VHTT đang nghiên cứu, đề xuất Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 cho dự án “Sửa chữa, cải tạo rạp Công Nhân giai đoạn 2”.

Nhà hát Kịch TPHCM trước khi được sửa chữa vì hỏa hoạn.
Nhà hát Kịch TPHCM trước khi được sửa chữa vì hỏa hoạn

Hiện nay, cơ sở vật chất phục vụ cho ngành văn hóa, thể thao do Sở VHTT quản lý có 12 mặt bằng là rạp hát được tiếp quản từ những năm 1975 đến nay. Sở đã tăng cường hiệu suất sử dụng theo mặt bằng hiện có nhưng hầu như chưa được phát triển, mở rộng. Trong số đó, hiện chỉ có 2/12 rạp đủ điều kiện biểu diễn phục vụ nhu cầu giải trí của người dân là: Nhà hát TPHCM (6 Công trường Lam Sơn, quận 1) và Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (135 Trần Hưng Đạo, quận 1).

Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang.
Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang

Ngoài ra, còn có các công trình, thiết chế văn hóa được xây dựng ở giai đoạn sau như nhà hát Hòa Bình (quận 10) và nhà hát Bến Thành (quận 1) vẫn đang hoạt động mạnh, tạo điểm nhấn cho hoạt động biểu diễn văn hóa - nghệ thuật của TPHCM.

Thành phố đã có nhiều sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo phát triển ngành văn hóa và thể thao, trong đó chú trọng phát triển các thiết chế văn hóa - thể thao như tăng nguồn vốn đầu tư công dành cho việc cải tạo, nâng cấp và xây mới các thiết chế văn hóa - thể thao trên địa bàn. Sở VHTT đã phối hợp, đề xuất Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 và đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đối với các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa - thể thao.

Liên quan tới trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng, Sở VHTT cho biết tổ công tác giải quyết vướng mắc liên quan dự án này (do Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM làm tổ trưởng) đang chủ trì phối hợp với các thành viên tổ công tác rà soát để thương lượng với nhà đầu tư theo đúng quy định.

Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng được xây dựng để TPHCM đăng cai các giải đấu tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Thành phố quyết định thực hiện dự án này theo phương thức đầu tư công.

Hiện nay, Sở VHTT TPHCM đang phối hợp với các sở, ngành đơn vị liên quan lập nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư cho dự án này. Dự kiến, dự án được khởi công trong năm 2026.

Ngọc Tuyết - Thành Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI