Chết vì chống vắc xin: Sự hối hận muộn màng

30/09/2021 - 06:11

PNO - Chỉ khi cận kề với cái chết hoặc chứng kiến người thân ra đi vì không tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19, hàng triệu người trên thế giới nói chung và ở Mỹ nói riêng mới hối hận nhận ra rằng tất cả đã quá muộn.

Sau gần hai năm đại dịch, trong khi nhiều nước nghèo và thu nhập thấp vẫn khát khao có được cho mỗi người dân một liều vắc xin thì những nước giàu đã đạt được mục tiêu tiêm chủng như kỳ vọng, thậm chí là bắt đầu tiêm mũi thứ ba tăng cường.

Dù vậy, ở các nước như Mỹ, Israel, Singapore... tuy đã đạt mục tiêu tiêm chủng trên 70 - 80% dân số nhưng vẫn đang phải chứng kiến những ca nhiễm mới và tử vong không ít. Điều đáng nói là hầu hết những ca nhiễm và tử vong này đều rơi vào những người không tiêm chủng.

Hiểu ra thì quá muộn

Thời gian gần đây, báo chí liên tục đưa tin những nhân vật chống vắc xin đã qua đời vì COVID-19. Bên cạnh đó là những lời hối hận muộn màng khi phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Đó là Stephen Harmon, một người kịch liệt phản đối việc tiêm vắc xin ở Mỹ thường đăng tải các tuyên bố chế nhạo việc tiêm chủng. Harmon từng dè bỉu chính sách gõ cửa từng nhà để thuyết phục người dân đi tiêm vắc xin của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Để cuối cùng, anh không qua khỏi sau gần hai tuần nhiễm COVID-19. 

Hầu hết bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 ở Mỹ trong thời điểm này đều chưa được tiêm chủng - ẢNH: AP
Hầu hết bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 ở Mỹ trong thời điểm này đều chưa được tiêm chủng - Ảnh: AP

Tương tự như Harmon, Kristen Lowery - 40 tuổi - là người nổi tiếng trên mạng xã hội Mỹ, khi tuyên bố quan điểm chống việc mang khẩu trang và vắc xin. Cô đã qua đời vào ngày 15/9, để lại bốn đứa con nhỏ. Hay John Eyers, vận động viên thể hình ở Anh, vốn có thể lực rất tốt nên tin rằng có thể chống chọi vi-rút, nhưng cuối cùng đã tử vong. Theo gia đình người đàn ông 42 tuổi này kể lại, khi đó anh đã nói với y tá rằng “ước gì mình đã đi tiêm phòng”.

Vợ chồng Lawrence và Lydia Rodriguez đã qua đời cách nhau hai tuần, để lại bốn con nhỏ cũng vì từ chối vắc xin. Cả hai trước khi nhiễm bệnh đều cho rằng cơ thể họ đủ khỏe để chống lại corona vi-rút. Nhưng sau khi có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 và trở nặng, Lydia cho biết đã rất hối hận. Người mẹ 42 tuổi này trước khi qua đời đã yêu cầu gia đình hứa với mình: “Hãy đảm bảo rằng các con tôi được tiêm phòng”.

Nhưng có lẽ, đau đớn nhất là cặp vợ chồng ở Detroit đã chết cách nhau chỉ vài giờ, để lại bảy đứa con thơ. Cặp vợ chồng đều 44 tuổi đã không chịu tiêm phòng cho đến khi nhiễm COVID-19. Sau khi nhập viện vài ngày thì cô vợ Charletta Green qua đời. Trong khi đó, người chồng dù bệnh nhẹ hơn nhưng từ khi hay tin vợ không qua khỏi, ông bắt đầu mệt, lên cơn đau tim và tử vong sau đó vài giờ. Gia đình họ hàng cả hai đều kêu gọi mọi người nên tiêm chủng trước khi mọi chuyện xảy ra.

Đừng tự ghi tên mình vào trang… cáo phó

Mặc dù tuyên bố đủ nguồn vắc xin cho trẻ em và người tiêm mũi tăng cường với hơn 400 triệu liều sẵn có nhưng Mỹ đang tụt lại sau nhiều nước vì… những người dân không chịu tiêm chủng. Ước tính, Mỹ còn hơn 70 triệu người chưa tiêm và mỗi ngày có đến gần 2.000 người chết. Số người chết ở Mỹ đã vượt qua đại dịch cúm 1918 và dự tính sẽ chạm đến con số 700.000 một ngày không xa. 

Muốn kìm hãm số ca nhiễm và tử vong này, chính quyền Mỹ từ kêu gọi, khuyến khích, tặng tiền đã phải sử dụng biện pháp mạnh. Mỹ đã yêu cầu tất cả nhân viên chính phủ trong lĩnh vực quốc phòng, nhân viên y tế, giáo viên… phải tiêm chủng. Các bang như New York, California, Rhode Island và Connecticut đưa ra thời hạn cuối tháng Chín, đầu tháng Mười cho tất cả nhân viên chăm sóc sức khỏe phải tiêm chủng đầy đủ, nếu không sẽ bị buộc thôi việc. Sở Lao động bang New York còn cho biết những nhân viên bị sa thải vì từ chối tiêm vắc xin COVID-19 sẽ không được nhận bảo hiểm thất nghiệp, trừ khi có lý do y tế hợp lệ.

Tiến sĩ Greg Martin - Bệnh viện Grady ở Atlanta - cho biết các nhân viên y tế đang kiệt sức khi phải chống lại COVID-19 lần nữa. “Năm 2020, chúng ta đều nghĩ rằng sẽ vượt qua tình trạng này khi có vắc xin. Không một ai dám nghĩ rằng đến hiện tại, khi vắc xin đầy đủ thậm chí dư thừa thì chúng ta vẫn nhìn thấy những ca nhiễm mới và tử vong. Thật đau đớn”, ông nói.

Tiến sĩ Bruce Vanderhoff - Bộ Y tế Ohio - cảnh báo đối với những người chưa tiêm chủng: “Có một nguy cơ rất thực tế là nếu không tiêm chủng, bạn sẽ phải nhập viện hoặc có tên trong các trang cáo phó. Đừng trở thành một con số thống kê nghiệt ngã khi có một giải pháp thay thế đơn giản, an toàn và hiệu quả hơn là đi ra ngoài và tiêm chủng ngay hôm nay”. 

 

New York Times đưa tin hàng ngàn nhân viên y tế ở New York, Mỹ đã bắt đầu tiêm vắc-xin trước khi quy định buộc nhân viên y tế phải tiêm vắc-xin có hiệu lực vào ngày  1/10/2021 - Ảnh: NYT
New York Times đưa tin hàng ngàn nhân viên y tế ở New York, Mỹ đã bắt đầu tiêm vắc xin trước khi quy định buộc nhân viên y tế phải tiêm vắc xin có hiệu lực vào ngày 1/10/2021 - Ảnh: NYT

Cuộc chiến không hồi kết với thông tin sai lệch 

Trong số nhiều lý do khiến tỷ lệ tiêm chủng COVID-19 bắt đầu có xu hướng giảm là những lầm tưởng tồn tại trong số những người chưa tiêm chủng, chẳng hạn như vắc xin gây sẩy thai, sử dụng công nghệ mới nguy hiểm, có hiệu quả kém so với miễn dịch tự nhiên.
Mới đây, một bài viết xuất bản trên một trang web chuyên lan truyền thông tin sai lệch đã đưa tin: “Chuyên gia từ Cơ quan Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) tiết lộ trong một cuộc họp rằng vắc xin COVID-19 giết người nhiều hơn là cứu người” (?). Bài viết sai lệch nghiêm trọng này được chia sẻ hơn 7.500 lần trong vòng một tuần, từ ngày 17/9. Trong các đoạn clip đi kèm, một người đàn ông tự nhận mình là Steve Kirsch - Giám đốc điều hành của Quỹ điều trị sớm COVID-19 thuộc FDA - khẳng định số người chết do vắc xin nhiều gấp đôi số người được cứu sống (?). 
Tuy nhiên, FDA xác nhận những tuyên bố trên là sai, người có tên Kirsch không phải và chưa bao giờ là nhân viên FDA. Hơn nữa, những tuyên bố của ông Kirsch không dựa trên cơ sở khoa học và đi ngược lại sứ mệnh y tế công cộng của FDA. 
Một số người nói rằng vắc xin COVID-19 không được kiểm tra nghiêm ngặt, đó là lý do tại sao FDA chỉ phê duyệt cấp phép khẩn cấp chứ không có phê duyệt đầy đủ. Nhưng theo Đại học Johns Hopkins, “các nhà phát triển vắc xin không bỏ qua bất kỳ bước thử nghiệm nào, họ chỉ tiến hành một số bước theo lịch trình chồng lên nhau để thu thập dữ liệu nhanh hơn”. Sự khác biệt chính giữa việc sử dụng khẩn cấp so với sự chấp thuận đầy đủ của FDA là sản phẩm chỉ cần hai tháng theo dõi thay vì sáu tháng. Đến nay, vắc xin đã qua hơn sáu tháng nghiên cứu thực tiễn và đạt sự an toàn cần thiết để được cấp phép đầy đủ, như trường hợp của vắc xin COVID-19 từ hãng Pfizer vào tháng Tám. 
Theo Gregory Poland, một chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm và là người đứng đầu nhóm nghiên cứu vắc xin của hệ thống y tế Mayo Clinic (Mỹ), vắc xin đang cứu sống, bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa nhiều ca nhiễm.
Mặt khác, công nghệ được sử dụng trong mũi tiêm Pfizer và Moderna dựa trên RNA thông tin, hay mRNA, không phải là mới. Nghiên cứu về mRNA thực sự bắt đầu vào đầu những năm 1990, và từng được áp dụng cho hai căn bệnh rất gần với COVID-19 là SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng) vào năm 2003, và MERS (hội chứng hô hấp Trung Đông). 
Cũng có thông tin cho rằng, vắc xin COVID-19 không hoạt động vì bạn vẫn có thể bị nhiễm COVID-19 sau khi tiêm chủng. Tính đến ngày 9/8, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, có 8.054 người được tiêm chủng phải nhập viện hoặc tử vong sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính COVID-19; chiếm khoảng 0,005% trong số hơn 166 triệu người Mỹ được tiêm đầy đủ. Ngoài ra, Giám đốc CDC Rochelle Walensky tiết lộ rằng 99,5% tổng số ca tử vong do COVID-19 nằm ở nhóm chưa được tiêm chủng.
Trong một số trường hợp, nhiều người muốn miễn dịch tự nhiên, nghĩa là thực sự mắc bệnh và khỏi bệnh nên có khả năng miễn dịch mạnh hơn so với tiêm chủng. Tuy nhiên, sự nguy hiểm của cách làm này đôi khi vượt xa những lợi ích mà nó đem lại. Viện Y tế Quốc gia Mỹ giải thích: Sau khi mọi người hồi phục, hệ thống miễn dịch sẽ giữ lại ký ức về vi-rút. Các nghiên cứu vẫn chưa rõ khả năng miễn dịch kéo dài bao lâu sau khi mắc bệnh, dù hầu hết các chuyên gia tin rằng khoảng thời gian kéo dài từ 90 ngày đến sáu tháng. Dù vậy, theo nghiên cứu từ Viện Gertner tại Israel, bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã hồi phục và sau đó tiêm một liều vắc xin được bảo vệ khỏi vi-rút ở mức độ tương tự như người chưa bao giờ bị nhiễm và được tiêm ba liều vắc xin. 
Cuối cùng, khi khoa học tiếp tục phát triển và giải quyết những thách thức mới, mọi người không nên quên vắc xin đã ngăn ngừa bao nhiêu ca tử vong, nhiễm bệnh và cách chúng tiếp tục bảo vệ chúng ta khỏi các mầm bệnh nguy hiểm từ trước đến nay. 

Linh La (theo WHO, Reuters, CBS, Mayo Clinic, NPR)

Trọng Trí (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI