Chết hụt mới biết mình bị bệnh tim mạch

20/10/2024 - 08:43

PNO - Do khác biệt về sinh lý và biểu hiện lâm sàng, bệnh tim mạch thường khó phát hiện sớm ở phụ nữ.

Nhiều người thường cho rằng đàn ông dễ bị bệnh tim mạch hơn phụ nữ vì họ hút thuốc, uống rượu nhiều và ít vận động. Thực tế cho thấy phụ nữ ngày càng đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn. Do khác biệt về sinh lý và biểu hiện lâm sàng, bệnh tim mạch thường khó phát hiện sớm ở phụ nữ. Thêm vào đó, nhiều chị em ưu tiên sức khỏe gia đình, chủ quan và bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo, làm chậm trễ quá trình điều trị.

Vì sao bệnh tim mạch ở phụ nữ dễ bị "bỏ quên"?

Chị P.T.T. (39 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) là một người mẹ luôn tất bật với công việc văn phòng và việc chăm sóc 2 con nhỏ. Từ nhiều năm nay, chị phải sống chung với căn bệnh cường giáp. Các triệu chứng như tim đập nhanh, hồi hộp, đổ mồ hôi trộm khiến chị T. thường xuyên mệt mỏi.

Tập thể dục đều đặn là một trong những yếu tố quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch
Tập thể dục đều đặn là một trong những yếu tố quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch

Vì bận rộn, chị thường bỏ qua các buổi khám định kỳ. Dần dần, những triệu chứng ngày càng nặng hơn, chị cảm thấy khó thở, đặc biệt khi gắng sức; chân tay phù nề và hay bị chóng mặt. Dù vậy, chị vẫn cố gắng chịu đựng, nghĩ rằng chỉ cần nghỉ ngơi sẽ ổn.

Một buổi sáng, cơn đau thắt ngực dữ dội bất ngờ ập đến khiến chị phải đến bệnh viện ngay lập tức. Tại đây, chị được chẩn đoán bị suy tim do biến chứng của bệnh cường giáp và tăng huyết áp.

Chị N.C.A. (46 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) là một bà nội trợ bận rộn. Chế độ ăn uống không lành mạnh, ít vận động và áp lực cuộc sống khiến chị luôn trong tình trạng căng thẳng. Suốt một thời gian dài, chị thường cảm thấy mệt mỏi, đau nhức các khớp và đau đầu nhưng cho rằng đó chỉ là những triệu chứng tuổi tác.

Một hôm, đang làm việc nhà, chị đột nhiên cảm thấy đau thắt ngực dữ dội, khó thở và chóng mặt. Cơn đau đến bất ngờ và dữ dội khiến chị vô cùng hoảng sợ. Gia đình nhanh chóng đưa chị đến bệnh viện cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán chị bị nhồi máu cơ tim cấp và tiến hành các biện pháp cấp cứu.

Chị H.T.M. (45 tuổi, ngụ quận 7, TPHCM) là người năng động, thường tham gia các hoạt động xã hội. Thế nhưng, vài năm nay, chị thường xuyên cảm thấy khó chịu ở ngực, mệt mỏi và đau đầu. Ban đầu, chị nghĩ rằng đó là những biểu hiện bình thường của tuổi tiền mãn kinh. Thế nhưng, một lần đang đi bộ, cơn đau ngực dữ dội khiến chị phải dừng lại.

Không ít phụ nữ chết hụt vì đau thắt ngực mới biết mình bị bệnh tim mạch
Không ít phụ nữ chết hụt vì đau thắt ngực mới biết mình bị bệnh tim mạch

Cứ tưởng đó chỉ là cơn đau thoáng qua, nào ngờ lần sau chị lại trải qua cơn đau ngực gia tăng đồng thời lan rộng ra cánh tay trái khiến chị phải nhập viện. Tại bệnh viện, chị được chẩn đoán hẹp động mạch vành tới 75%. Bác sĩ chỉ định phải đặt stent, nếu không sẽ nguy hiểm tính mạng.

Theo tiến sĩ, bác sĩ Trần Hòa - Phó trưởng Khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - chúng ta thường nghĩ đến ung thư vú, ung thư cổ tử cung hay các vấn đề về tuyến giáp khi nói về sức khỏe của phụ nữ. Vậy nhưng, có một "kẻ thù" âm thầm khác đang đe dọa phái đẹp: bệnh tim mạch. Vậy, tại sao phụ nữ lại dễ bỏ qua căn bệnh nguy hiểm này?

Có nhiều lý do giải thích cho điều này.

Thứ nhất, xã hội chưa thực sự chú trọng đến bệnh tim mạch ở phụ nữ. Thông tin về bệnh tim mạch thường tập trung vào nam giới, khiến nhiều người lầm tưởng rằng đây không phải là mối lo ngại lớn đối với phụ nữ.
Thứ hai, các triệu chứng của bệnh tim mạch ở phụ nữ thường rất "ảo". Thay vì cơn đau thắt ngực điển hình như ở nam giới, phụ nữ thường cảm thấy mệt mỏi, khó thở, đau lưng, thậm chí buồn nôn. Những triệu chứng trên quá quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày, dễ bị nhầm lẫn với căng thẳng, lo âu hoặc các bệnh lý khác nên thường bị chị em bỏ qua hoặc chủ quan.

Cuối cùng, gánh nặng gia đình và xã hội cũng khiến phụ nữ ít quan tâm đến sức khỏe bản thân. Nhiều phụ nữ luôn đặt nhu cầu của gia đình lên hàng đầu, bỏ qua những tín hiệu cơ thể gửi đến. Điều đó càng khiến bệnh tim mạch dễ dàng "lọt lưới" và phát triển âm thầm.

Thực tế, bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ. Việc nhận thức rõ về những rủi ro và các dấu hiệu cảnh báo là vô cùng quan trọng.

Những phụ nữ nào có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch?

Qua đó, bác sĩ Trần Hòa lưu ý những nhóm chị em có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch. Trước tiên, phải kể tới phụ nữ sau tuổi mãn kinh. Nhóm này thường đối mặt với nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch. Sự suy giảm hoóc môn estrogen sau mãn kinh làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, từ đó dẫn đến cao huyết áp và nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Không chỉ phụ nữ mãn kinh, nhiều yếu tố khác cũng khiến phái đẹp dễ mắc bệnh tim mạch hơn. Những phụ nữ mắc các bệnh lý như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu thường có nguy cơ cao gấp nhiều lần so với người bình thường. Béo phì, ít vận động, căng thẳng kéo dài hay các bệnh mãn tính khác như suy thận, viêm khớp dạng thấp cũng là những yếu tố nguy hại.

Thói quen hút thuốc lá càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở phụ nữ, thậm chí còn cao hơn ở nam giới. Bên cạnh đó, các vấn đề về sức khỏe sinh sản như hội chứng buồng trứng đa nang, vô sinh, mãn kinh sớm hay các biến chứng trong thai kỳ cũng có thể là yếu tố nguy cơ tiềm ẩn.

Đánh thức sự quan tâm về bệnh tim mạch ở phụ nữ

Để đối phó với tình trạng bệnh tim mạch đang ngày càng trở thành mối đe dọa lớn đối với sức khỏe phụ nữ, cần hành động ngay từ bây giờ.

Cụ thể, truyền thông cần đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về bệnh tim mạch ở phụ nữ. Những chiến dịch truyền thông rộng rãi, những chương trình giáo dục sức khỏe sẽ giúp phụ nữ hiểu rõ hơn về nguy cơ mắc bệnh và tầm quan trọng của việc phòng ngừa. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi được cung cấp đủ thông tin, phụ nữ sẽ sẵn sàng thay đổi lối sống để bảo vệ sức khỏe tim mạch.

Bên cạnh đó, việc khám sức khỏe định kỳ là vô cùng cần thiết. Phụ nữ nên thường xuyên kiểm tra các chỉ số huyết áp, cholesterol, đường huyết để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường. Các cơ sở y tế cần tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh, đặc biệt là ở các vùng khó khăn.

Việc khuyến khích phụ nữ duy trì lối sống lành mạnh là một giải pháp lâu dài. Tập thể dục đều đặn, ăn uống cân đối và giảm căng thẳng là những yếu tố quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch.

Bệnh tim mạch ở phụ nữ không chỉ đơn thuần là vấn đề sức khỏe cá nhân mà đã trở thành gánh nặng lớn đối với xã hội. Hàng triệu phụ nữ trên toàn cầu đang phải đối mặt với căn bệnh này, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, kinh tế và xã hội. Việc phụ nữ mắc bệnh tim mạch không chỉ ảnh hưởng đến bản thân họ mà còn tác động đến gia đình, cộng đồng và nền kinh tế quốc gia.

Để xây dựng một tương lai khỏe mạnh hơn, chúng ta cần sự chung tay của toàn xã hội. Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ, đầu tư vào nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và tăng cường truyền thông về phòng ngừa bệnh tim mạch. Các tổ chức xã hội cần tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, hỗ trợ người bệnh. Cơ quan cần tạo ra môi trường làm việc lành mạnh, khuyến khích nhân viên chăm sóc sức khỏe. Mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ, cần chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân, xây dựng lối sống lành mạnh và biết lắng nghe cơ thể để tránh bỏ qua các dấu hiệu bất thường.


Trâm Anh - Ảnh minh họa: Internet

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI