Chết đuối khi học bơi: Bi kịch chưa chấm dứt

12/07/2016 - 06:19

PNO - Những vụ đuối nước thương tâm liên tiếp xảy ra mà đối tượng chủ yếu lại là các em học sinh. Trong khi đó, môn bơi lội lại chưa được đưa vào làm môn học chính thức trong nhà trường.

Theo thông tin trên báo Nghệ An, tối 11/7, ông Nguyễn Hữu Đại, chủ tịch UBND xã Tiến Thành, huyện Yên Thành cho biết, lực lượng tìm kiếm, cứu nạn đã tìm thấy thi thể ba chị em họ chết đuối khi tập bơi ở đập Choạc.

Danh tính ba nữ sinh tử vong cùng trú tại xã Tiến Thành được xác định gồm: Nguyễn Thị Loan (SN 2004, học sinh lớp 7), Trương Thị Mai (SN 2003, học sinh lớp 8) và Trương Thị Thương (SN 2006, học sinh lớp 5). Trong đó, Mai và Thương là chị em ruột còn Loan là chị em họ với Mai, Thương.

Thông tin ban đầu ông Đại cung cấp, khoảng 16h30 phút chiều 11/7, Loan, Mai, Thương và một người anh họ rủ nhau ra đập Choạc để tập bơi. Do ba nữ sinh tắm tại vùng nước sâu, không may bị đuối nước.

Thấy vậy, người anh họ đi cùng hốt hoảng chạy đi gọi người đến ứng cứu. Đến khoảng 18h30 phút chiều tối 11/7, thi thể cả ba nữ sinh mới lần lượt được tìm thấy dưới đập Choạc và được bàn giao cho gia đình làm thủ tục mai táng theo phong tục địa phương.

Được biết, đập Choạc tích trữ nước phục vụ tưới tiêu trên địa bàn xã Tiến Thành, có độ sâu khoảng từ 2m đến 4m. Đập nước này các xa khu dân cư chừng 200-300m.

Có thể thấy, chỉ trong những tháng đầu năm 2016 đã có hàng loạt vụ việc học sinh chết đuối thương tâm tương tự xảy ra. Tiêu biểu như, sự việc xảy ra vào ngày 10/3, một nhóm học sinh lớp 7B Trường THCS Lương Thế Vinh (xã Pờ Tó, Gia Lai.) rủ nhau đi chơi rồi xuống khu vực suối Đak Pi Hiao tắm.Tuy nhiên, chỉ có Trần Thị Ng (SN 2003) và Trần Thị Nh (SN 2003, cùng trú xã Pờ Tó) xuống tắm, các em còn lại ở trên bờ.

Trong lúc bơi ra gần chỗ đặt máy bơm, gặp nước sâu nên 2 nữ sinh bị hụt chân, chới với. Thấy 2 bạn vùng vẫy, những học sinh trên bờ vội vã chạy đi tìm người ứng cứu nhưng khi vớt lên được thì cả 2 đã tử vong.

Tiếp đó là sự việc 9 học sinh chết đuối trên sông Trà Khúc vào ngày 15/4/2016. Khi đến sông Trà Khúc chơi, 9 học sinh nam lớp 6 trường THCS Nghĩa Hà, Quảng Ngãi) rủ nhau cùng nắm tay nhảy xuống tắm rồi bị đuối nước.

Hay sự việc xảy ra ngày 4/5, 4 nữ sinh (3 em 13 tuổi và 1 em 14 tuổi) trường THCS Nguyễn Huệ được nghỉ học nên đã kéo nhau đến khu vực bãi biển gành Bãi Dài, đoạn thuộc xã Vạn Thọ (Vạn Ninh, Khánh Hòa) tắm. Trong lúc vui chơi, 4 nữ sinh đã không may gặp phải dòng nước xoáy, cuốn ra xa và chết đuối.

Chet duoi khi hoc boi: Bi kich chua cham dut
Khúc sông nơi xảy ra vụ việc 9 học sinh chết đuối. Ảnh Vnexpress.

Theo thông tin từ Cục bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mỗi ngày trung bình trên toàn quốc có 10 trẻ em tử vong do đuối nước và có khoảng 3.500-4.000 người chết đuối mỗi năm. Tỷ lệ đuối nước của trẻ em Việt Nam cao nhất trong khu vực và gấp 10 lần các nước phát triển.

Nói về lý do, đầu tiên phải nhấn mạnh môi trường sống của các em không an toàn. Nước ta có quá nhiều sông, suối, ao hồ, kênh rạch, hàng năm gánh chịu lũ lụt, thiên tai. Tuy nhiên, lý do quan trọng khác đó là nhận thức của người dân về tai nạn đuối nước trẻ em chưa cao trong khi bản thân trẻ nhỏ lại chưa có kỹ năng an toàn khi tiếp xúc với môi trường nước. Nhiều em không biết bơi, không có kỹ năng ứng phó khi có nguy cơ bị đuối nước nhưng rất nhiều em lại thích chơi đùa gần sông, suối.

Trong thực tế, hiện tại, hầu hết các trường học ở Việt Nam, đặc biệt hệ thống trường cấp 1 và cấp 2, môn bơi lội vẫn chưa được đưa vào làm môn học chính thức. Chính vì vậy, phần nhiều học sinh thiếu kĩ năng quan trọng này. Cũng chính vì không được dạy mà nhiều trẻ tự tìm ra các sông, hồ để học hoặc nhiều trẻ không biết bơi nên xảy ra những các chết thương tâm khi tiếp xúc với những vùng nước.

Tại Việt Nam hiện nay, duy nhất chỉ có Đà Nẵng là thành phố đang phát động mạnh nhất phong trào dạy học bơi, phòng đuối nước cho học sinh trong nhà trường. Ngày 2/6 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng phát động dạy –học bơi hè năm 2016. Phụ huynh sẽ đăng ký lớp học, buổi học và dẫn con đi học bơi như một hoạt động ngoại khóa.

Đặc biệt, thành phố còn thống nhất ưu tiên đầu tư từ ngân sách để xây dựng bể bơi di động cho các trường ở địa bàn khó khăn thuộc huyện Hòa Vang và các phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu), Hòa Phát và Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ).

Minh Dương
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI