Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với chị Nguyễn Thị Mộng Thu - Tòhe Fun Manager (Quản lý Tòhe - một doanh nghiệp xã hội với hoạt động tạo sân chơi nghệ thuật cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt) để hiểu rõ cách tiếp cận bằng nghệ thuật đã có giá trị tương tác cao, giúp trẻ bộc lộ bản thân và tăng cường khả năng hòa nhập xã hội như thế nào.
|
Chị Nguyễn Thị Mộng Thu |
“Chèo - méo" là ngôn ngữ của Minh
* Phóng viên: Vì sao triển lãm lại có tên là Chèo méo, một cái tên rất lạ?
- Chị Nguyễn Thị Mộng Thu: Việc khiến cho người xem có tâm lý tò mò, không hiểu “chèo méo” có nghĩa là gì, rồi họ ngẫm nghĩ, thấy là lạ nên đọc đi đọc lại cho đúng từ cũng là dụng ý của Tòhe: “Chèo méo/mèo/chéo?/tròn méo? hay… mòn tréo/lật ngược lật xuôi/chẳng hiểu gì…”.
Câu chuyện đằng sau đó là: ở lớp art coaching của Tòhe thường được tổ chức vào cuối tuần, có một học sinh mới tên Nhật Minh. Bạn ấy rất thích vẽ những nét chồng chéo lặp đi lặp lại trên một tờ giấy. Bên cạnh những nét vẽ thú vị đó, bạn còn hay tự bật ra những âm thanh nghe là lạ, không quen tai.
Các cô giáo đã ghi âm và nghe đi nghe lại để hiểu Nhật Minh đang nói gì, ví dụ phút - phở, na - hi, nút - khẩy, chèo - méo… Buổi học nào cũng vậy, Minh thường phát ra các từ lạ lẫm như thế. Chúng tôi hiểu rằng đây là ngôn ngữ của Minh. Minh đang muốn chia sẻ, âm thanh Minh phát ra là những từ tưởng như vô nghĩa nhưng nếu ta học theo cách của Minh, ta sẽ hiểu em muốn nói gì.
Sẽ thật buồn nếu người lớn không học cách hiểu, dần dần người tự kỷ sẽ cảm thấy lạc lõng, thậm chí dần trở thành người “yếu thế” trong xã hội bởi ngôn ngữ họ sử dụng như một rào cản khó khăn để có thể giao tiếp hoặc làm cho người khác hiểu mình.
* Chị có thể chia sẻ phổ tự kỷ là gì và vì sao phải nhấn mạnh những sự nhầm lẫn về tự kỷ?
- Tự kỷ là rối loạn phát triển thần kinh, được đặc trưng bởi sự tương tác và giao tiếp xã hội kém, có hành vi lặp đi lặp lại và rập khuôn, sự phát triển về trí tuệ của các bạn không đều. Tại sao gọi là phổ tự kỷ? Vì phổ có nghĩa là rất rộng, bởi không có người tự kỷ nào giống nhau. Có các trạng thái tự kỷ từ nhẹ đến nặng. Phổ có nghĩa là sự đa dạng và khác biệt của mỗi người tự kỷ.
Có nhiều sự hiểu lầm về tự kỷ sẽ dẫn đến nhận định sai, từ đó phương pháp tiếp cận sai, nên cần tìm hiểu và phân biệt rõ về tự kỷ… Hiện nay, chưa có nguyên nhân chính xác của tự kỷ. Có người cho rằng đó là do sự sai lệch của gen hoặc yếu tố độc hại từ môi trường. Tuy nhiên, rối loạn xử lý giác quan là một đặc điểm phổ biến ở trẻ tự kỷ. Việc quan sát, theo sát, nhận ra sự rối loạn giác quan của trẻ sẽ giúp cha mẹ hiểu và có liệu pháp nhanh, tốt nhất để có thể can thiệp kịp thời.
|
Khai mạc triển lãm nghệ thuật nâng cao nhận thức về tự kỷ Chèo méo |
* Vì sao luôn phải lưu ý mọi người không nên sử dụng quan điểm “tự kỷ là một bất hạnh”, thưa chị?
- Tôi không đồng ý với quan điểm này. Một cách chân thành thì với các bạn nhỏ tự kỷ hay bất cứ khuyết tật nào đều là thử thách với gia đình và cộng đồng gắn bó xung quanh.
Đối với các bạn tự kỷ, trong những giai đoạn đầu đời, phần lớn diễn biến tâm lý của phụ huynh khi đón nhận thông tin về con thường là sốc, buồn, hoang mang chưa biết phải làm gì để đồng hành cùng con.
Tuy nhiên, đến giai đoạn chấp nhận con như con là, con đặc biệt theo cách của riêng mình, mỗi gia đình sẽ có những nỗ lực để hiểu con, tương tác và giao tiếp với trẻ.
Một người mẹ tự kỷ đã chia sẻ: “Mong có thể sống lâu hơn con dù chỉ 1 ngày để có thể chăm sóc, hỗ trợ con”.
Quá trình đồng hành cùng các bạn tự kỷ, tôi nhận thấy các bạn rất chân thật, hồn nhiên, có tiềm năng và khả năng đóng góp cho xã hội đáng trân trọng, chỉ cần tạo môi trường với các hỗ trợ phù hợp, các bạn sẽ tự tin, tự do bộc lộ và phát huy thế mạnh của mình.
Các bạn tự kỷ là một món quà đến với mỗi gia đình, món quà của sự kiên nhẫn và tình yêu thương theo một cách khác.
|
Work shop “Sáng tạo kênh truyền hình cùng nghệ sĩ tự kỷ Đinh Đăng Long” |
* Người tự kỷ có đặc điểm riêng, giống như mỗi người là một bản thể. Họ đã thể hiện qua nghệ thuật, cụ thể là hội họa, và các tương tác như thế nào, xin chị cho ví dụ cụ thể từ các thành viên trong triển lãm này?
- Mỗi bạn đều có đặc điểm riêng biệt, 19 bạn tham gia thì có 18 bạn tự kỷ và 1 bạn chậm phát triển, mỗi bạn là một phong cách riêng. Bạn Nhật Tiến có nền tảng hội họa khá tốt, rất yêu vẽ, có bà là họa sĩ. Bạn hay vẽ tranh có chủ đề liên quan tới các yếu tố mang giá trị văn hóa truyền thống dân gian như: quan họ, chèo… Đặc biệt, bạn rất thích hình ảnh công an và bộ đội, nên trong các bức vẽ của bạn luôn xuất hiện hình ảnh công an, bộ đội.
Triển lãm lần này, có bức tranh Tiến vẽ lại một bức phù điêu ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Tiến vẽ người đi lại, những con nghê thường thấy ở đình chùa nhưng ngoài ra còn có 1 tuýp kem nẻ. Tại sao lại có sự “bất thường lạc đề” như vậy?
Thì ra, khi Tiến vẽ bức này là vào mùa đông, cha mẹ thường dặn Tiến phải bôi kem nẻ khi ra ngoài. Vậy là lời dặn dò nhớ bôi kem nẻ đã đi vào tâm trí Tiến. Nếu trẻ tự kỷ đã quan tâm ghi nhớ điều gì thì điều đó là quan trọng nhất, nên Tiến đã đưa hình ảnh hộp kem nẻ vào bức tranh của mình. Thật thú vị và dễ thương.
Ngoài ra có bạn Lee Nguyễn SaeHae (cha người Hàn, mẹ người Việt) có đam mê sáng tạo với đa dạng chủ đề và cách thể hiện. SaeHae thích đặt câu hỏi với cô giáo. Bạn vẽ theo hướng hoạt hình, kết hợp các hình ảnh không liên quan tới nhau như: 1 tủ lạnh có thể đá bóng, 1 miếng pizza có thể chơi đàn. Bạn đã lắp ghép các hình ảnh đó với nhau rất ngộ nghĩnh và có câu chuyện trong đó.
Còn bạn Long lại yêu thích các logo trên các kênh truyền hình nên khi vẽ người thân, bạn cho phép các hình logo xuất hiện để biểu lộ sự yêu quý của mình. Long đã tương tác cùng khách tới xem triển lãm bằng cách cùng họ sáng tác các tác phẩm logo, ai cũng thích thú.
Bạn Đức Việt trong lúc vẽ tranh, cứ thấy sai là đánh dấu X vào vị trí sai. Cô giáo đã hướng dẫn biến các lỗi sai ấy thành bông hoa nên tác phẩm của bạn có một rừng hoa. Việt hay thổi phù phù khi bị người khác đụng phải. Các tác phẩm của Việt được đặt theo thanh âm quen thuộc này. Tác phẩm là con người, nên mỗi “nghệ sĩ” tự kỷ sẽ có các tác phẩm mô tả đúng nội tâm và nhận thức của người đó.
|
Nghệ sĩ Đinh Đăng Long khám phá các kênh truyền hình trên mô hình ti vi |
Như hạt mầm thiện lành
* Vậy còn phía giáo viên, phải làm gì để có thể thấu hiểu các em?
- Giáo viên thực ra là nghệ sĩ hướng dẫn các em thực hành nghệ thuật. Họ nhận biết từng sự thay đổi dù là nhỏ nhất của các em, hiểu vì sao các em hay đi nhón chân như những nghệ sĩ ballet khi bước lên cầu thang dẫn tới lớp học; hiểu vì sao các em thích ngửi mọi thứ hoặc bịt tai khi nghe tiếng máy khoan từ công trình đang xây bên cạnh; hiểu một người tự kỷ sẽ phản ứng với những kích thích từ môi trường ra sao khi họ phải đối mặt với rất nhiều trở ngại đến từ chính bên trong cơ thể…
Em Khánh Huyền rất thích những cái ôm thật chặt và thường dùng từ “ná” để thể hiện cảm xúc của mình như: “vui ná”, “vẽ ná”, “ôm ná”... Nghệ sĩ Mai Chi đã sáng tạo nên “Ná” - một tác phẩm sắp đặt bằng vải nhồi bông để mọi người có thể ngồi vào lòng “Ná”, ôm “Ná” hoặc làm sao để “Ná” ôm lại… Tóm lại, “Ná” bông rất dịu êm ấm áp.
Đó cũng là thông điệp các tác giả muốn mọi người hiểu về khó khăn cốt lõi liên quan đến cảm thụ bản thể - cảm nhận cơ thể của người tự kỷ để có thể hiểu hơn về thế giới khác lạ của các em và mở rộng lòng yêu thương những sự khác biệt.
Với cô giáo nghệ sĩ Lê Tú Anh, mọi người sẽ được thử nghiệm cảm giác bồng bềnh khi đi một đôi guốc gỗ bọc vải được thiết kế một cách đặc biệt. Đôi guốc ấy không hề dễ đi chút nào. Ai cũng ráng giữ thăng bằng khi đi đôi guốc gỗ này. Mục đích của tác phẩm là giúp khán giả hiểu được trạng thái chông chênh, chênh vênh, bồng bềnh khó giữ thăng bằng của người tự kỷ.
Em Nem là một “thần tượng” của chính tôi và nhiều thế hệ Tòhe. Em tên là Hà Đình Chí - nghệ sĩ tự kỷ đầu tiên có triển lãm cá nhân tại Việt Nam, có trang riêng Nem Gallery, cũng là nghệ sĩ tự kỷ đầu tiên Tòhe hợp tác để ra mắt các bộ sưu tập cá nhân.
Tranh của Nem hóm hỉnh, ngộ nghĩnh, kích thích trí tò mò bởi những khung cảnh tưởng tượng có phần siêu thực. Nem sáng tác dưới dạng nhật ký bằng hình ảnh ghi lại cuộc sống hằng ngày tại Bỉ, nơi em đang sinh sống cùng gia đình.
Nhiều tác phẩm của Nem đã được in lên các sản phẩm như túi, khăn… Các em đã đem lại nguồn cảm hứng cho các cô giáo nghệ sĩ và các nghệ sĩ cũng đã học được từ các em rất nhiều để tạo thành một “Chèo-méo” của mọi người.
* Chị có thể chia sẻ một số kiến thức về tương tác nghệ thuật với người tự kỷ để phụ huynh có thể tham khảo?
- Nghệ thuật tạo hình là một sân chơi sáng tạo, nơi các bạn nhỏ được thoải mái, không bị gò ép trong những khung đánh giá liên quan đến “đẹp - xấu - đúng - sai”.
Khi đồng hành cùng trẻ để khơi gợi tình yêu nghệ thuật trong các em, đầu tiên phụ huynh cần dành thời gian, quan sát thật kỹ xem mối quan tâm của trẻ là gì.
Tiếp đến, phụ huynh có thể tìm hiểu phương pháp tiếp cận hòa mình, làm bạn của trẻ, vẽ cùng trẻ, chơi theo cách của trẻ… thiết lập kết nối chung dựa trên mối quan tâm của trẻ.
Sau mỗi buổi học, Tòhe luôn có Nhật ký lớp học để ghi lại bất cứ tiến bộ, chuyển biến của trẻ dù là nhỏ nhất, cha mẹ cũng có thể tạo cho mình sổ động lực ghi nhận trẻ.
Trong nhà, cha mẹ có thể tạo không gian, môi trường an toàn với nhiều chất liệu để trẻ có động lực tham gia. Cha mẹ nên dành 1 khu vực riêng trưng bày tranh trẻ vẽ trang trọng như tác phẩm, để các tư liệu (sách, tranh, ảnh…), kích thích trẻ khám phá. Nếu có điều kiện và phù hợp, có thể đưa trẻ đến các triển lãm nghệ thuật, không gian nghệ thuật có tác phẩm, chất liệu mà trẻ hứng thú.
* Còn phụ huynh thế nào khi thấy con mình trưởng thành nhờ có sự tương tác với nghệ thuật và các cô giáo đã hết mình?
- Gia đình có người tự kỷ chắc đã quá quen thuộc với đặc điểm, cách tương tác của người thân nên họ rất tận tâm. Phụ huynh luôn thấu hiểu, chấp nhận sự đồng hành chậm. Họ không quá kỳ vọng mà chỉ khát khao có một môi trường tốt để con họ được tương tác, cải thiện kỹ năng, tiếp xúc an toàn.
Đối với xã hội, chúng tôi thực hiện các triển lãm như Chèo méo nhằm giúp mọi người được tiếp cận một cách chân thực nhất và nâng cao nhận thức cộng đồng với những người tự kỷ.
|
Khán giả tương tác với tác phẩm “Ná” |
* Là người đồng hành cùng Chèo méo, những cảm xúc của chị thế nào về thành quả và sự cần thiết phải quan tâm, hiểu các em?
- Triển lãm đã diễn ra thành công và trọn vẹn khi đón hàng ngàn lượt công chúng. Tôi tin rằng người xem đã phần nào thấy được quá trình trẻ đặc biệt làm quen và thích nghi với từng vòng tròn quan hệ mới đòi hỏi cố gắng hơn nhiều lần bình thường như thế nào.
Trong quá trình đó, các bạn nhỏ đồng thời phải đối mặt với những vướng mắc từ bên trong cơ thể, ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận, xử lý thông tin và phản ứng với kích thích từ môi trường. Hiểu được những khó khăn này giúp cộng đồng mềm dẻo hơn khi tương tác với trẻ. Khi ở trong cộng đồng có người tự kỷ, chúng ta sẽ biết cách ứng xử tử tế, hỗ trợ.
Mong rằng khi xã hội có đủ nhận thức có thể tạo điu kiện và quyền để bảo vệ và phát triển thế mạnh riêng cho từng cá nhân.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ.
* Nghệ sĩ thị giác Tô Thị Kim Nhung với sự quan sát tinh tế, có nhiều ý tưởng mới lạ độc đáo khiến các em đều yêu quý. Chị Nhung đã song hành với em Đức Việt tạo nên tác phẩm Đếm hướng dương - một mặt bàn với trăm ngàn hạt hướng dương dàn trải đầy ấn tượng. Sau này, tác phẩm đã được đưa vào bộ sưu tập áo phông của hãng Uniqlo. Lần này, nghệ sĩ Kim Nhung đem tới tác phẩm tương tác thị giác - cải thiện ánh nhìn “bay loạn xạ như trốn tránh người đối diện” chỉ với một cây bút chì. |
* Nghệ sĩ thị giác Lê Tú Anh bằng sự chậm rãi, dịu dàng, luôn truyền đạt nhiều ý tưởng có lớp lang, có chiều sâu nhưng theo cách dễ hiểu, thân tình. Tú Anh đem tới Bồng bồng và Từ đâu từ đấy từ đây - 2 tác phẩm tương tác lấy cảm hứng từ quá trình làm việc cùng các bạn trẻ tự kỷ tại Tòhe. |
|
Khoảnh khắc của cô trò tại lớp art coaching, giới thiệu tranh vẽ của trẻ được ứng dụng lên sản phẩm |
“Đi qua từng gia đình, chúng tôi nhận thức mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt. Hoàn cảnh gia đình, môi trường xã hội sẽ khiến các em có sự tiếp cận riêng. Đồng hành cùng các em sẽ hiểu và đề xuất được cơ chế hỗ trợ, bảo vệ những người thuộc phổ tự kỷ”. Ngân Hạnh - Giám tuyển Chèo méo |
CODET HANOI (thực hiện) - Ảnh do nhân vật và Tòhe cung cấp