Chèo ghe đi sạc bình

23/03/2024 - 13:02

PNO - Cứ chiều chiều đi ruộng về, tắm rửa cơm nước xong là người lớn trẻ nhỏ thả bộ đến nhà có ti vi chơi. Tôi nhớ nhất là những lúc phim đang hay, tình tiết vào hồi gay cấn mà bỗng dưng… hết bình.

Tôi nhớ lần đầu nhà mình được thắp sáng với bóng đèn huỳnh quang 4 tấc chạy bằng bình ắc quy là trong đám tang ông nội. Suốt thời thơ ấu làm bạn với những ngọn đèn mù u, đèn vỏ chai; khi được chiêm ngưỡng ánh sáng điện, dù là điện tích từ bình ắc quy, đối với lứa 9X đời đầu như tôi thật là một kỷ niệm không thể nào quên.

Trong khóm nhà tôi lúc đó chỉ nhà cô Bảy và bác Chín tôi là vừa có bình vừa có ti vi. Dù chỉ là ti vi trắng đen 17 inch, nhưng luôn là điểm tụ họp của cả xóm. Cứ chiều chiều đi ruộng về, tắm rửa cơm nước xong là người lớn trẻ nhỏ thả bộ đến nhà có ti vi chơi.

19 giờ có chương trình Những bông hoa nhỏ là dành cho đám con nít. Thường là ca nhạc thiếu nhi hoặc phim hoạt hình. Những bộ phim như Hãy đợi đấy, Hồ lô biến đến giờ tôi vẫn còn nhớ diễn biến; cuối tuần thì chiếu Truyện cổ Grimm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lúc đám con nít cười nghiêng ngả hoặc thấp thỏm hồi hộp với phim phát trên ti vi thì người lớn châm trà ngồi nói chuyện với nhau. Chờ chương trình quảng cáo phát xong thì bọn nhỏ “thay ca”, giữ trật tự hoặc chạy ra ngoài sân chơi để người lớn xem thời sự.

Và đến mục phim truyện lúc 21 giờ thì hết thảy người già và trẻ nhỏ đều mong. Người ngồi kẻ đứng như một rạp chiếu phim thu nhỏ mà nghĩ lại tôi cũng thấy thật thú vị với cái văn hóa đậm đà tình làng nghĩa xóm, có nhau lúc tối lửa tắt đèn.

Tôi nhớ nhất là những lúc phim đang hay, tình tiết vào hồi gay cấn mà bỗng dưng… hết bình. Màn hình đang trong veo bắt đầu sọc bông rồi cà giật làm thót tim hết thảy khán giả, phải rồng rắn chạy qua nhà nào có bình còn điện. Những lúc bình nhà ai cũng sắp hết, sẽ có tiết mục câu 2 bình lại với nhau. Những chiếc kẹp nối những đầu đỏ đầu đen, có khi để hết tập phim phải câu bình đến đôi ba lần.

Đến những lúc chèo ghe đi sạc bình cũng í ới rủ nhau. Có khi người này gửi người kia sạc giùm, dặn cứ để bình ở chỗ sạc rồi chiều mai xuống lấy. Chưa có đường xe, phương tiện di chuyển chủ yếu là xuồng ba lá, ghe tam bản hoặc chiếc be kèm. 2 mái chèo quay tay rẽ nước chầm chậm trôi đi giữa mênh mông là nước. Chỉ có 1 chỗ sạc ngoài chợ xã nên lúc nào số bình chờ sạc cũng nhiều. Ai cũng gọi chủ tiệm là ông Bảy sạc bình. Đến hồi giải nghệ vẫn chết danh, ít ai còn gọi ông Bảy bằng tên thật.

Thời gian sau này, lần lữa rồi cha tôi cũng mua một chiếc bình ắc quy. Chủ yếu để thắp sáng thay đèn dầu chứ mua ti vi thì chưa có điều kiện. Mỗi lần bình hết điện, má cũng gửi tôi và bình cho người hàng xóm nào đó vừa lúc chèo ngang để dọc đường tôi giúp tát nước xuồng.

Những kỷ niệm giản đơn mà thân thương đó bao lần nhắc nhở tôi về một thời thiếu thốn khó khăn nhưng luôn chan chứa tình yêu thương, sự san sẻ mọi người dành cho nhau. Chiếc bình ắc quy đã mang đến ánh sáng không phải từ tin tức, sự hiểu biết về thế giới bên ngoài đầu tiên để người nhà quê không bị tách mình quá xa với hiện đại.

Bây giờ điện lưới phủ khắp, tôi hiếm thấy ai mua bình tích điện để dùng trong nhà như xưa. Nhưng ắc quy vẫn hiện diện trong đời sống mới, là bộ phận nòng cốt để khởi động động cơ, xe ô tô, xe máy… Và mỗi lần xe máy hỏng bình, mang sửa, tôi lại nhớ đến ắc quy hồi nẵm, nhớ cái thuở chèo ghe đi sạc bình.

Hiền Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI