Chênh vênh tuổi 35

13/07/2024 - 06:21

PNO - Trong thế giới việc làm có tính cạnh tranh cao, "lời nguyền tuổi 35" đề cập đến tình thế bấp bênh về cuộc sống và sự nghiệp mà nhiều người lao động phải đối mặt khi họ đến gần tuổi này.

Những “sản phẩm cũ”

Hầu hết mọi người sợ những sợi tóc bạc, vết chân chim và sự trì trệ đi kèm với khủng hoảng tuổi trung niên. Thế nhưng, thế hệ Y (sinh từ 1981-1996) giờ đây lại sợ chạm đến cột mốc 35 tuổi. Những lo lắng này được tóm gọn vào cụm từ "lời nguyền tuổi 35", một khái niệm và từ khóa lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội. Nó đề cập đến sở thích của các nhà tuyển dụng trong việc chọn những ứng viên chưa bước sang tuổi 35. Một người dùng trên Weibo viết: "Tôi sợ mình sẽ không giữ được công việc hiện tại và sẽ phải đi tìm việc mới trong khi đối mặt với sự kỳ thị từ nhà tuyển dụng. Điều đó thật đáng sợ”. Một người khác viết: "Chúng ta đang chứng kiến một nghịch lý: Bạn quá già để làm việc ở tuổi 35 nhưng quá trẻ để nghỉ hưu ở tuổi 60".

Khi bước vào tuổi 35,  nhiều người phải đối mặt với nguy cơ  bị loại khỏi  thị trường  lao động -  ẢNH MINH HỌA: KNSY/PICTURE PRESS/REDUX)
Khi bước vào tuổi 35, nhiều người phải đối mặt với nguy cơ bị loại khỏi thị trường lao động - Ảnh minh họa: KNSY/PICTURE PRESS/REDUX)

Thị trường lao động tại Trung Quốc thường dựa trên giả định sai lầm rằng những người trên 35 tuổi "kém linh hoạt hơn trong công việc," "ít thành thạo công nghệ hơn" và "học cách làm việc mới chậm hơn". Ngay cả chính phủ, trong nỗ lực kêu gọi người trẻ tham gia vào hàng ngũ công chức, cũng tuyển dụng hầu hết các vị trí là từ 18-35 tuổi. Dù Bắc Kinh đã có một số động thái nhằm nâng giới hạn tuổi tuyển dụng lên 40, điều đó chỉ áp dụng cho những người có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ. Tania Lennon - Giám đốc điều hành tại Viện Phát triển quản lý quốc tế (Thụy Sĩ) - cho biết: "Cột mốc 35 tuổi rất quan trọng, vì đó là lúc bạn bước vào đỉnh cao khả năng kiếm tiền" và nói thêm rằng xu hướng này có thể tạo ra "vấn đề đáng kể" trong xã hội.

Đã vài năm trôi qua kể từ khi Jim Jiao bị "lời nguyền tuổi 35" ám ảnh. Hiện ở độ tuổi đầu 40, với chuyên môn là tiếp thị các sản phẩm khoa học và công nghệ, tuổi tác khiến anh bị xem như một “sản phẩm cũ” của ngành. Người đàn ông gốc Thâm Quyến tiết lộ: “Mức lương cuối cùng của tôi giảm xuống còn 60% số tiền tôi kiếm được ở tuổi 35”. May mắn, anh vừa nhận được công việc mới ở nước ngoài với tư cách quản lý bán hàng tại thị trường châu Á ở một công ty công nghệ. Việc mở rộng ra nước ngoài của các công ty Trung Quốc dường như đã trở thành cứu cánh cho sự nghiệp của nhiều chuyên gia đến gần với tuổi trung niên.

Chịu áp lực sớm hơn thế hệ trước

Năm 1995, ở tuổi 30, Jochem Van Der Kwast (Úc) làm việc vài ngày/tuần và số tiền đó đủ để ông mua nhà, nuôi vợ, 2 con. “Không có gì đè nặng lên vai tôi. Tôi cảm thấy thật dễ dàng” - ông Jochem chia sẻ. Nhưng khi con gái của ông là Clementine Van Der Kwast xem qua những bức ảnh gia đình, cô cảm thấy buồn vui lẫn lộn.

Cô nói: "Tôi ước mình có đủ khả năng để sống cuộc sống như ba mẹ đã từng". Ở tuổi 33, cô có thu nhập trên mức trung bình nhưng vẫn bị áp lực tài chính. Clementine giải thích: "Tôi rất muốn có con, nhưng tôi không nghĩ mình có thể làm mẹ với những yêu cầu về chi phí chăm sóc trẻ em và mọi thứ khác”. Số liệu cho thấy, phần lớn những người ở độ tuổi 30-35 ngày nay không đủ thu nhập để mua nhà. Giáo sư Roger Wilkins - đồng giám đốc của cuộc khảo sát Động lực lao động, thu nhập và hộ gia đình ở Úc (HILDA) - giải thích: “Thế hệ trẻ có học vấn cao hơn những người đi trước nên mọi người mong đợi họ kiếm được nhiều tiền hơn. Thế nhưng, kể từ đầu những năm 2000, thu nhập thực tế hầu như không thay đổi”.

Margie Lachman - giáo sư tâm lý tại Đại học Brandeis (Mỹ) - cho biết: "Thông thường, tuổi trung niên là thời điểm mọi người chuyển sự tập trung từ bản thân sang người khác. Trong giai đoạn này, một người có thể đảm nhiệm nhiều vai trò nhất: cha mẹ, bạn đời, anh chị em, lãnh đạo... Tuy nhiên, việc người trẻ có con muộn hơn và người già sống lâu hơn khiến các thế hệ sinh ra gần đây ngày càng cảm thấy áp lực đến sớm hơn so với các thế hệ trước".

Theo Lachman, thế hệ Y không chỉ phải cân bằng những vai trò kể trên mà còn cần giải quyết sự bất ổn xung quanh công việc, biến động chính trị, chi phí sinh hoạt và lạm phát tăng cao, áp lực từ mạng xã hội… Do đó, họ không phải là một thế hệ “thất bại” hay “không biết nắm bắt cơ hội” mà chỉ là xã hội đã thay đổi và những tiêu chuẩn để đánh giá sự thành công từ ngày trước không còn phù hợp nữa.

Linh La (theo SCMP, Business Insider, ABC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI