Chênh lệch không phải là vấn đề

17/10/2020 - 05:58

PNO - Vợ chồng lệch nhau là chuyện bình thường, nhưng chỉ vì lệch nhau mà không hạnh phúc mới là điều bất thường.

Chẳng biết có phải thói quen, hay do mải nghĩ về bổn phận, mà mỗi lần đi siêu thị, Hằng thường đẩy chiếc xe tuốt tới quầy thực phẩm đầu tiên. Hằng có thể đứng đó hàng giờ, chọn mua thức ăn cho nhiều ngày.

Chồng thích món bao tử cá ba sa, con trai thích cánh gà chiên, con gái thích mỳ Ý - thì Hằng phải mua cải chua để xào với cá ba sa, mới đúng ý chồng; cánh gà chiên nhất định phải có bột tẩm, con trai mới chịu; con gái thích mỳ Ý, không thể thiếu thịt bò. 

Khi chiếc xe đẩy ngập thức ăn, Hằng mới nhận ra chẳng có phần nào cho riêng mình. Nhưng suy nghĩ đó lập tức loại ra khỏi bộ nhớ, vì Hằng biết mình vốn dễ ăn, ăn gì cũng được, chỉ là “ăn theo” mà Hằng đã thừa cân, mua riêng cho mình nữa chắc phải… nới cánh cửa. 

Khác với Hằng, vào siêu thị, Lam lao tới gian mỹ phẩm, quầy thời trang trước hết. Thậm chí Lam cho rằng thời trang siêu thị chưa đáp ứng “trình” của cô, rồi sau đó cô mới lang thang gian hàng thực phẩm.

Lam không cầu toàn chuyện bếp núc. Có những hôm vào bếp mới hay dầu ăn đã hết, bèn ra tạp hóa đầu hẻm mua tạm, chứ không như Hằng, dầu ăn chưa kịp hết, đã có chai khác dự bị. Lam lấy sự nghiệp làm lẽ sống, quyết không phụ thuộc bất cứ “thằng” nào, nhưng những giá trị của một người vợ người mẹ thì cô vẫn giữ.

Là người thành đạt, tiền bạc với Lam không thành vấn đề, Lam có người giúp việc, nhưng không phải cô nói không với bếp. Thỉnh thoảng Lam vẫn ra chợ, tự nấu những món chồng con thích, hoặc có thể lên thực đơn cho người giúp việc, chứ không phải lúc nào cũng bị những toan tính, con số làm mờ thiên chức. Con cái, cô vẫn dành thời gian tỉ tê cùng con. Bếp núc, Lam dùng để “hâm nóng” tình cảm gia đình, chứ cô không chọn sống đời với bếp.

Hằng chọn bếp núc, Lam chọn sự nghiệp. Hằng gom yêu thương qua những bữa cơm gia đình, Lam dùng đồng tiền làm phương tiện thể hiện tình cảm. Cả hai đều có giá trị riêng. 

Nhiều người vợ chấp nhận làm nội trợ để chăm sóc chồng con - Ảnh mang tính minh họa: Shutterstock
Nhiều người vợ chấp nhận làm nội trợ để chăm sóc chồng con - Ảnh mang tính minh họa: Shutterstock

Chồng Hằng là một doanh nhân thành đạt, chuyện Hằng chấp nhận nội trợ, với anh là điều may mắn, bởi anh quan niệm nội trợ là công việc buồn tẻ, nhàm chán và vất vả. Anh không thích vợ chồng đều lao vào chốn thương trường, mà phải có người làm hậu phương, thì gia đình mới vững.

Nhìn sự hài lòng của chồng, nhìn sự biết điều và cách đền đáp của anh ấy, đủ biết Hằng hạnh phúc hay không, đủ biết cô thể hiện giá trị của mình đúng chỗ hay không. Với gia đình Lam, nếu sự nghiệp cô thăng tiến bao nhiêu, thì chồng giậm chân tại chỗ bấy nhiêu, lương một nhân viên văn phòng bao năm nay chỉ đủ để anh chi xài cá nhân.

Đừng hỏi anh ấy có mặc cảm với vợ không, đừng hỏi Lam đối xử với chồng có tệ không, mà hãy nhìn cách họ sống với nhau thế nào. Lam nói, nếu cô muốn thay máy giặt mới, cũng phải qua ý kiến chồng, cô không muốn qua mặt anh ấy, làm ra tiền, cô càng đặc biệt tôn trọng chồng.

Còn với chồng của Lam, anh cho rằng người kiếm tiền giỏi là người vất vả, nên anh không cần phải sống tự ái, không muốn gây vất vả thêm cho vợ, mà còn tạo cơ hội cho vợ, rằng có cô vợ giỏi giang chẳng phải là phước phần của anh hay sao. Thành thử tiền bạc, vợ chồng Lam luôn minh bạch, tôn trọng nhau là kim chỉ nam dẫn họ đi tới chân trời hạnh phúc. 

Sự chênh lệch về trình độ, ngoại hình, hay khả năng kiếm tiền, là những thử thách hôn nhân, để người này nhận ra giá trị của người kia, và nhìn lại mình.

Sự chênh lệch ấy là phải có, vấn đề là cả hai làm thế nào rút ngắn sự chênh lệch, nhưng không phải bằng cách đi tân trang nhan sắc, học thêm một tấm bằng, hay bôn ba kiếm tiền, mà là khả năng quan sát, nhường nhịn, mở lòng, bổ trợ lẫn nhau, thậm chí mắt nhắm mắt mở mà sống. Vợ chồng lệch nhau là chuyện bình thường, nhưng chỉ vì lệch nhau mà không hạnh phúc mới là điều bất thường. 

Phi Khanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI