Chênh lệch khoảng cách tiếp cận vắc xin ngày càng gia tăng ở châu Á

20/10/2021 - 06:47

PNO - Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết khoảng cách tiếp cận vắc xin COVID-19 giữa các nền kinh tế giàu giàu có và các nước đang phát triển ở châu Á -Thái Bình Dương ngày càng nới rộng.

Mặc dù châu Á - Thái Bình Dương vẫn là khu vực phát triển nhanh nhất thế giới, nhưng tốc độ tăng trưởng năm nay đang được IMF nhận định sẽ yếu hơn dự kiến, xuất phát từ sự tái bùng phát dịch COVID-19 nghiêm trọng do biến thể Delta gây ra.

Tuần trước, IMF đã cập nhật dự báo về sự mở rộng kinh tế của khu vực trong năm nay ở mức 6,5%, thấp so với dự đoán 7,6% hồi tháng 4. Tuy nhiên Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng dự kiến tốc độ tăng trưởng của châu Á sẽ nhanh hơn một chút so với dự đoán trong năm tới, khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên.

Các nền kinh tế phát triển tại châu Á đã hoàn thành việc tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho phần lớn dân số.
Các nền kinh tế phát triển tại châu Á đã hoàn thành việc tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho phần lớn dân số.

Các nền kinh tế tiên tiến của châu Á bao gồm Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore dự kiến sẽ tăng trưởng 3,7% trong năm nay. Trong khi các nền kinh tế đang phát triển được dự báo chung mức tăng trưởng 7,2%.

IMF tiếp tục kêu gọi các nước triển khai vắc xin rộng rãi và nhanh hơn khi nhận thấy khoảng cách ngày càng tăng giữa các nền kinh tế tiên tiến và đang phát triển.

“Không quốc gia nào có thể phục hồi hoàn toàn cho đến khi tất cả các quốc gia được tiếp cận rộng rãi với vắc xin. Đại dịch không kết thúc ở bất cứ nơi đâu cho đến khi nó kết thúc ở khắp mọi nơi” - IMF nhấn mạnh

IMF cho biết, mặc dù các nền kinh tế tiên tiến của châu Á đã mua đủ vắc xin để tiêm cho toàn bộ dân số của họ vào tháng 8 năm nay, nhưng các nước láng giềng có nền kinh tế mới nổi thì chỉ có đủ vắc xin cho hơn một nửa dân số. 

Điển hình Singapore đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cho hơn 80% dân số, trong khi tỷ lệ ở Indonesia và Philippines lần lượt chỉ có 23,6 và 23,4%.

IMF lưu ý 5 quốc gia trong khu vực ASEAN - Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan - vẫn đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng từ sự bùng phát dịch COVID-19. Do đó, sự phục hồi kinh tế của Đông Nam Á vào năm 2022 được dự đoán sẽ không đồng đều giữa các quốc gia.

Chung Thu Hương (theo Straitstimes)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI