Chén tàu hũ chiều mưa

05/08/2021 - 07:13

PNO - Trong cái xáo động biến chuyển của thị thành, những gánh tàu hũ ngày càng vắng.

Chị bảo những cơn mưa ở Sài Gòn ngộ quá em à. Ban nãy còn nắng chang chang, giờ thì ì đùng sấm chớp, mưa tối mặt tối mày. Khúc này mưa, chứ chưa chắc khúc dưới mưa. Bữa chị gánh qua quận 1 mắc mưa, lát về quận 8 thấy đường khô ran. Giọng Quảng Ngãi pha lẫn âm sắc Sài Gòn, ngay cả cách dùng từ cũng lai tạp đi rất nhiều. Chị phe phẩy cái nón lá, nhìn tôi cười hiền. Dường như nụ cười của các bà các chị buôn gánh bán bưng dọc ngang thị thành này luôn mang nét hiền lành, cam phận.

Ký ức “tàu hũ”

Tôi nhớ như in món tàu hũ của những lần đi Vũng Tàu. Bơi lội chán chê, cứ thế xồng xộc từ biển vào, sau một hồi ngó dáo dác, thể nào tôi cũng vòi bằng được ba mẹ mua cho chén tàu hũ nóng. Khi ấy, tôi luôn thấy món này ngon một cách khó cưỡng. Mãi sau, bôn ba đường đời, mỗi khi ra biển, tôi vẫn háo hức tìm đôi quang gánh in hằn vết chân trên cát của các mẹ, các dì, các chị. Chỉ cần một ai đó gọi, thế nào cũng thành một đám túm tụm xúm xít ngồi ăn tàu hũ. Song, vài năm lại đây, gánh tàu hũ đã không còn xuất hiện trên các bãi biển. 

Cách đây hai năm, trong một lần du lịch cùng công ty tại Phan Thiết, đoàn chúng tôi leo đồi Hồng tham quan. Mới tầm sáu giờ sáng đã thấy những gánh tàu hũ thấp thoáng ngay dưới chân đồi. Gánh tàu hũ của những người mẹ áo khoác sờn vai. Chúng tôi thả dốc đồi xuống rồi rối rít rủ nhau ăn tàu hũ. Tiếng cười nói vang rền một vùng gió cát. Ai đó buông câu: “Trời ơi, lâu lắm luôn mới được ăn món này! Nhớ hồi nhỏ cứ hay xin tiền mẹ, một ngàn đồng một chén, đám con nít rủ nhau canh giờ xế chiều đón gánh tàu hũ ngang qua xóm”. Rồi cả nhóm lao xao kể chuyện tuổi thơ. Người kể vui, người bán càng vui hơn. Hóa ra món quà vặt này quá đỗi thân quen với dân thị thành. Tiếng cười nói vọng về từ ký ức như bừng lại trong tôi dưới mái hiên mưa chiều nay.

Trên đôi quang gánh 

Tháng Năm mưa giăng ngang thành phố, gió bạt liêu xiêu đôi quang gánh tảo tần. Chúng tôi nép vào nhau. Kẻ tha hương chọn phố thị sầm uất này làm nơi mưu sinh với đôi quang gánh nhọc nhằn thoắt đã mười lăm năm. Người thì chánh gốc dân Sài thành quen rồi cái ráo hoảnh đãi bôi của người đời. Bỗng một chiều bên hiên mưa, ngồi lại cùng nhau, kể nhau nghe chuyện đời mình. 

Mẹ chị là người làng An Phú, nơi khởi điểm của nghề tàu hũ mà ngoài ấy hay gọi là tào phớ. Tiếc là An Phú nay chẳng còn. Nơi ấy nay được gọi là phường Nghĩa Đô, thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội. Bố chị tập kết ra Bắc rồi phải lòng cô gái gánh tào phớ mỗi buổi chiều ngang cầu Long Biên. Sau này, bố về Quảng Ngãi đưa gia đình ra hỏi cưới, mẹ chị bắt đầu đời dâu xứ lạ. Hồi chị còn nhỏ, gánh tàu hũ cũng nuôi lớn chị cùng mấy anh em. Giờ, nó theo vợ chồng chị vào Nam lập nghiệp, tính ra cũng đủ đắp đổi qua ngày. 

Tàu hũ muốn ngon thì kỳ công lắm. Đậu nành ngâm nước từ tám tới mười tiếng. Sau đó phải bóp nhẹ cho tróc vỏ, đãi sạch với nước, chỉ giữ lại phần thịt đậu bên trong rồi xay đậu đủ ba lần với một lượng nước vừa chuẩn. Ở công đoạn nấu cốt lụa cho món ăn này, nhiều nơi pha thêm thạch cao cho tàu hũ mịn màng bắt mắt, nhưng ăn vào sẽ không ra được cái vị bùi cùng độ tan chảy. Ngay cả cách canh nước canh lửa cũng đòi hỏi tập trung cao độ nếu muốn có chén tàu hũ ngon. 

Chị bán gánh, cứ đi dọc từ quận 8 sang quận 1, đi chục năm người ta quen mặt, nhớ tên; thậm chí còn canh được tầm giờ nào chị gánh ngang để đón mua. Cứ tầm mười giờ sáng là chị gánh qua dốc cầu Nguyễn Văn Cừ, chệch xuống cái chợ nhỏ cũng tầm nửa tiếng, hạ gánh ngồi xuống là có khách quen, là mấy người trong xóm chợ. “Mỗi chén có tám ngàn thôi, nên dễ ăn. Mấy hôm nay có người hỏi sao không lên thành mười ngàn luôn cho chẵn. Mà thôi, bán tám ngàn là được rồi, mười ngàn thành ra đắt quá. Giờ dịch bệnh, ăn chén chè mười ngàn nhiều khi người ta lại đắn đo”, chị trải lòng cùng tôi. 

Hồi chị mới vào, bỡ ngỡ, bán chẳng được là bao. Nhiều đêm nằm suy nghĩ rồi mon men đi hỏi mấy người trong này, chị mới rút ra được kinh nghiệm. Như ở ngoài Trung người ta gọi đậu hũ, trong này kêu là tàu hũ. Hay ngoài ấy chỉ cần thắng nước đường cùng vài miếng gừng cắt lát còn trong này phải thêm bó lá dứa cho thơm, thêm ít nước cốt dừa cho béo, dần dà thêm mấy viên ỉ bằng bột lọc dẻo dẻo, dai dai. Cứ vậy vừa bán vừa học từ từ mới ra được như ngày hôm nay. Mình buôn bán xứ nào cũng phải theo xứ đó mới hợp khẩu vị người ta. 

Tới nỗi tiếng rao cũng phải học theo người Sài Gòn. Lúc mới bán mình rao “đậu hũ đây” người ta cười quá trời bởi cái giọng quê nó trúc trắc nghe đâu có ra. Vậy là phải để ý cách rao của người trong này. Chị nói rồi lấy giọng rao “Ai tàu hũ hông?”, tiếng hông kéo dài, thanh âm trong trẻo và cao vút. Chị cười bảo là do mấy người trong xóm trọ dạy cho. Rao phải như hót, lảnh lót vậy mới không bị lẫn trong tiếng còi xe inh ỏi xứ này. 

Quang gánh nặng trĩu đôi vai, phía trước chị để nồi tàu hũ, phía sau chị để nồi nước đường, nước cốt dừa. Gánh riết cũng quen, lót cái khăn ngay vai, chị gánh mười lăm năm trời rồi đó. Dẫu có mệt cũng phải gánh, tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền trường của con, tiền ăn của gia đình… tất thảy đều chất lên đôi quang gánh này. 

Món quê lên tầm “thế giới”

Trong cái xáo động biến chuyển của thị thành, những gánh tàu hũ ngày càng vắng. Chén tàu hũ giờ đĩnh đạc đi vào những tiệm sang chảnh như “Thế giới tàu hũ” ở đường Trần Đình Xu, Q.1; “Tàu hũ xe lam” - chuỗi tiệm ở nhiều nơi trên địa bàn TPHCM; “Tàu hũ cóc” ở đường Hoa Sứ, Q.Phú Nhuận; “Tàu hũ Nguyên” ở Nguyễn Phúc Nguyên, Q.3… Dễ dàng bắt gặp ở các quán này sự cách tân pha lẫn nét truyền thống.

Muốn ăn một chén tàu hũ đậm vị xưa cũ, bạn hãy chọn tàu hũ truyền thống. Giới trẻ thích sáng tạo và khám phá những điều mới mẻ có thể thêm vào chén tàu hũ một ít trân châu, bánh lọt, bánh flan, hạt chia… Có quán cho ra một danh sách dài dằng dặc mấy chục loại “phụ kiện” thêm vào chén tàu hũ truyền thống, đủ sức níu chân khách trẻ tìm đến ngồi máy lạnh, check-in sang chảnh. 

Cũng từ đó, mớ ký ức về món quà vặt thuở đầu trần chân đất thấp thỏm chờ tiếng rao ngang qua xóm nhỏ phai nhạt dần. Như lời người chị bán gánh tôi gặp trên phố mưa bay chiều nay, rằng cái gì phát triển cũng làm hao mòn đi bao điều xưa cũ. Vậy mà người đàn bà ấy vẫn kĩu kịt đôi quang gánh, bởi tin rằng đâu đó vẫn còn những tấm lòng thảo thơm dành cho gánh tàu hũ truyền thống. 

Tôi ngồi xuống, vớt từng miếng tàu hũ đưa vào miệng, nghe vị đường ngòn ngọt, thơm lừng mùi gừng lá dứa, miếng đậu mềm mịn tan trong lưỡi. Mưa đã tạnh mà câu chuyện vẫn chưa dứt. Tôi mua thêm chục phần đem về cho đám cháu trong nhà. Chắc cũng có đứa như tôi, lâu lắm rồi chẳng đụng tới món này. Cũng lâu lắm rồi mới có người lạ ngồi nghe cái đời quanh gánh của người đàn bà ấy. Chị quảy đòn lên vai, gánh đậu hũ lúc lắc theo từng bước chân dọc con phố sũng nước. Bên tai tôi vẫn vẳng chất giọng lảnh lót: “Ai tàu hũ hông”.

Chiều phố tan tầm, lòng cứ nấn níu về món quê trên đôi quang gánh bình dị ấy. Giữa thị thành, nay gặp thì mừng, mai xa thì tiếc. Ai biết cái món quà quê này có mai một dần đi theo biến chuyển đổi dời của phồn hoa phố thị… 

Tống Phước Bảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI