|
Theo thị hiếu của thị trường, chè bánh lọt ngày càng nhiều topping ăn kèm |
Ba là người thường khiến các cuộc trò chuyện của anh chị em chúng tôi có những kết luận không giống nhau. Câu cảm thán thường xuyên của anh Tư là: “Ba khó tính”. Chị Tám là: “Ba bắt em học đủ thứ nghề”. Chị Sáu thở dài thườn thượt: “Mỗi lần dọn cơm cho ba ăn là tau lại hồi hộp vì chỉ cần thiếu gì đó, ba lại bắt đi lấy”. Nhưng ba trong tôi rất khác. Nghiêm vừa đủ nhưng thương con thật nhiều.
Nghiêm nhất phải kể đến chuyện ba dạy tôi nấu ăn. Tôi là con út, trên tôi có 3 chị gái và 4 anh trai. Chuyện vườn tược các anh trai lo, chuyện nhà cửa, giặt giũ, nấu nướng có các chị lo. Tôi cứ vô tư tận hưởng cho đến khi học lớp 12, các anh đã kết hôn, các chị làm việc, học trên Sài Gòn, má tập trung buôn bán xa, căn nhà chỉ còn hai cha con thì ba phát hiện "con út không biết làm gì hết". Để chuẩn bị cho con út có thể sống tốt nếu năm sau nhập học trên Sài Gòn, ba mở khóa tập huấn mọi thứ.
Tôi được ba dạy từ tên các loại rau, cách lặt đến cách kho, xào, chiên nấu nêm nếm sao cho thật ngon. Tôi nhớ, lần đầu tiên tự nấu cơm bằng bếp củi, nồi cơm ấy “trên sống, dưới khê, tứ bề nhão nhoét”, ba phải bỏ đi nấu cơm khác. Ba dạy cách sắp xếp mền mùng, đến cả… chuyện nguyệt san. “Bơi” hết học kỳ I, sang học kỳ II, tôi đã có thể tự hoàn thiện mâm cơm cho hai cha con trong thời gian ngắn nhất, chỉn chu nhất.
Còn thương thì nhiều, nhất là ba hay dẫn tôi đi cùng trong những dịp xa nhà, khi thì thăm bà con, lúc đi đám cưới...
|
Thi thoảng, nhớ ba, tôi lại ghé chợ mua bịch chè bánh lọt |
Không biết có phải là út cưng không mà từ khoảng 6 tuổi, tôi đã được ba dẫn đi chơi xa, trong đó, chuyến đi xa, dài nhất là đến một xã nhỏ ở Vũng Tàu ăn đám cưới một người bà con. Những năm đầu 1990, đường sá khó khăn, xe cộ ít ỏi. Từ nhà đến đó, hai cha con tôi phải bắt xe hai lần, một lần từ nhà đến Vũng Tàu, rồi đứng trên quốc lộ, bắt một chuyến xe khác có đi ngang nhà người bà con đó.
Trong lúc chờ xe, thấy tôi bị nắng “chảy hết mồ hôi”, ba dẫn tôi vào một quầy bán chè, nước ngọt nhỏ gần đó, gọi cho tôi một chén chè bánh lọt và đó cũng là lần đầu tiên tôi biết món bánh có màu xanh biếc nhưng không phải bánh mà giống như một món chè hơn.
Bánh lọt được làm từ hỗn hợp bột gạo và bột năng theo tỉ lệ 4:1, màu xanh của món ăn làm từ là dứa. Người ta xay lá dứa lấy nước cốt để nhào bột. Khi bột dẻo thành khối, một nồi nước được bắc lên bếp, khi nước sôi, người ta ngắt từng miếng bột vừa đủ, đặt lên chiếc rổ kê trên nồi nước rồi dùng vá ép để bột từ rổ lọt nồi nước đang sôi - nên mới có tên là bánh lọt (lọt vào rổ). Khi bột chín, nổi lên, người ta vớt bột lọt ra một chiếc thau nhỏ có sẵn nước lạnh, để nguội. Khách gọi món, người bán mới múc bánh lọt, nước đường, đá vào chén hay ly.
Gian hàng bánh lọt ngày ấy khá đơn giản với một thau bánh lọt xanh ngát có một vài viên đá để giữ lạnh, bình nước đường và thùng đá. Và cũng từng đó nguyên liệu trong chén bánh lọt của hai cha con. Trời nắng và đã thấm mệt vì quãng đường trước đó nên khi nhận chén bánh từ người bán, con bé 6 tuổi là tôi đã múc ngay một muỗng cho vào miệng, vị ngọt của đường, vị mát lạnh của đá, trơn tuột của bánh lọt khiến tôi thỏa mãn thấy rõ. Hình như biểu cảm của tôi khá thú vị nên ba và người bán đều bật cười. Một chén bánh lọt như thế ngày đó, có giá 500 đồng. Rồi chuyến xe tiếp theo cũng đến, cha con tôi tiếp tục hành trình cùng vị ngọt, cái mát lạnh ấy.
Khi tôi lên cấp II, một ngày đẹp trời, tôi phát hiện món bánh lọt tôi thường hãnh diện kể cho các anh chị đã theo chân những người mang cá từ Vũng Tàu lên chợ của thị trấn nhỏ. Tôi ào lên sung sướng, xin tiền mẹ mua, mang về khoe anh chị.
Rồi khẩu vị của mọi người dần thay đổi. Chè bánh lọt dần được biến tấu, lúc đầu là thêm nước cốt dừa tăng độ béo, độ đậm đà như người miền Tây, rồi thêm ít miếng rau câu, hạt lựu, cuối cùng ít đậu xanh đánh khiến có lúc tôi không thể phân biệt được đâu là món bánh lọt của Việt Nam, đâu là món Lod chong nổi tiếng của Thái Lan hay món dawet - di sản vật thể của Indonesia… song dù thế nào, lâu lâu, tôi khi có dịp về thăm quê hay lang thang trong những ngôi chợ truyền thống của Sài Gòn, tôi lại để ý và mua cho mình vài bịch bánh lọt đủ màu sắc, cất trong tủ lạnh ăn dần.
Mấy ngày nay, cái nắng của Sài Gòn khiến ngày nào tôi cũng chăm chăm trút bánh lọt khi ra ly, khi ra bình giữ nhiệt, lúc ra chén rồi thêm đá lạnh là có được món giải nhiệt có đủ sắc vị. Đó là vị ngọt của đường, béo của nước cốt dừa, sần sật của hạt lựu, của rau câu, thơm thơm của đậu xanh đánh cùng các sợi bánh lọt xanh tươi mát mắt. Trong lúc tận hưởng trải nghiệm ấy, tôi nhận ra, ba thương con cái theo cách của ba. Như ba cấm anh Tư vì anh ấy muốn nổi loạn, muốn giống một số bạn bè trốn học, muốn hút thuốc, uống rượu; chị Tám học nhiều nghề vì chị ấy “cả thèm chóng chán”, ba chiều ý chị, cho chị học nghề khác. Chị Sáu vì ba mẹ bạn trai - là chồng sau này của chị ấy người Huế, ba yêu cầu cao để chị ấy có thể chú ý khi ở nhà chồng. Nghĩ vậy, chén bánh lọt trên tay tôi càng mát lạnh, càng ngọt.
Huỳnh Hằng