|
Vì chồng cuồng ghen và vũ phu, chị quyết định ly hôn (ảnh minh họa) |
Trong vô thức, chị bất giác hát ru con: “Chàng ơi phụ thiếp làm chi? Thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng”. Xót xa phận mình, tay chị chợt buông thõng nhịp nôi. Đứa con thơ tròn xoe mắt nhìn chị, miệng chực mếu vì không được mẹ đong đưa. Chị quệt nước mắt, vội tiếp tục hát ru con: “À... ơi...”.
Cưới nhau được 2 năm thì cuộc sống vợ chồng chị bắt đầu “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt”, lâu dần thành “tức nước vỡ bờ”. Bản chất vũ phu của anh ngày càng lộ rõ.
Trong tiệc cưới của bạn, một người đàn ông khoác vai chị rồi buông lời trêu ghẹo. Tin tức nhanh chóng lan truyền đến tai chồng chị. Chị chưa kịp thanh minh thì cơn ghen mù quáng đã khiến anh như thú dữ. Anh đánh chị bầm dập, vừa đánh vừa chửi chị lẳng lơ. Kết quả là chị bị gãy tay, toàn thân bầm tím.
Với bản tính mềm yếu, chị tha thứ cho anh. Chị hi vọng những hành động vũ phu kia chỉ là bộc phát và sẽ không tái diễn. Rồi chị biết mình có thai. Có lẽ, niềm hạnh phúc vì sắp được làm mẹ khiến chị rạng rỡ hẳn lên. Đó cũng là lí do khiến anh để ý nhiều hơn đến ánh mắt của những người đàn ông khác khi nhìn chị.
Hễ nỗi cơn ghen anh lại lôi chị ra đánh. Chị mặc quần áo đẹp ra đường, anh ghen. Một người đàn ông xa lạ nào đó nhìn chị hơi lâu, anh ghen. Một người tốt bụng thấy chị bầu bì dắt giùm chị chiếc xe ra khỏi bãi đỗ, anh cũng ghen. Mà mỗi lần ghen là mỗi lần chị ăn tát, tim chị nhói đau vì bị anh xỉa xói, rằng đến khi nào chị mới hết thói đong đưa.
Sức chịu đựng của con người cũng giống như sợi dây, tuy có co giãn đàn hồi nhưng đến một lúc nào đó sẽ đứt. Trước sức ép từ phía nhà ngoại và một phần cũng từ mong muốn của bản thân, chị viết đơn li hôn khi đứa con mới được vài tháng tuổi.
Chị thuê một căn hộ chung cư gần cơ quan để tiện cho công việc và nuôi con nhỏ. Mặc dù đã đường ai nấy đi nhưng anh vẫn thường xuyên đến thăm mẹ con chị. Thỉnh thoảng lại ngỏ ý được nghỉ lại qua đêm. Chị không đủ cương quyết để từ chối hết những lời ngỏ ý ấy. Và hình như chị vẫn còn thương anh. Sâu thẳm trong tim, chị còn mông lung nghĩ: “Có khi nào mình lại quay về ngôi nhà ấy? Con sẽ được sống trong một mái ấm có mẹ, có ba”.
Vậy nhưng hơn 1 năm sau li hôn, anh cưới vợ mới. Mọi việc diễn ra chóng vánh khiến chị hụt hẫng. Những lần anh tới thăm con, những lời ngọt ngào thốt ra từ miệng anh rằng “vẫn còn thương em nhiều lắm” rốt cuộc là gì?
Vài tháng sau hôn nhân mới, anh lại xin gặp con. Chị hẹn anh ở một góc quán nhỏ rồi đưa con đến. Mặc dù tỏ ra lạnh lùng nhưng chị vẫn lén nhìn khi anh nựng con. Trông anh có vẻ mập mạp hơn đôi chút, không hiểu sao chị vừa hận vừa mừng cho anh.
Có đêm, anh tìm đến nhà chị, với lý do là nhớ con không chịu nổi. Bế con một hồi thì nó quấy khóc, anh đưa con sang chị, giọng cảm thương: “Em vất vả quá! Anh thật chẳng ra gì...”. Anh nói muốn ở lại một hôm để chăm con. Lần này thì chị thẳng thừng từ chối.
Lần khác, anh gõ cửa vào lúc nửa đêm, người nồng nặc hơi men. Chị bảo anh mau về kẻo “nhà bên ấy” mong. Nhưng anh đã đổ gục xuống trước cửa. Chị dìu anh vào giường, tháo giày, thoa dầu, chườm khăn lên trán anh. Anh lầm bầm trong cơn mê man. Chị hiểu, “nhà bên ấy” có chuyện, chị là nguyên nhân chính khiến vợ chồng anh hục hặc.
Riết thành quen, cứ mỗi lần anh gõ cửa phòng chị vào nửa đêm có nghĩa là anh muốn ra khỏi “nhà bên ấy”. Cái tình cái nghĩa níu lấy nhau khiến chị lại vội vã dìu anh vào nhà rồi xuống bếp nấu cháo, pha nước gừng ấm để anh giải rượu. Trong hơi men, có khi anh quờ quạng ôm chặt lấy chị, và chị xiêu lòng.
Sáng ra, khi đã tỉnh, anh xin lỗi rồi lại đi. Còn lại một mình, chị bần thần. Chị không hiểu sao mình lại ba lần bảy lượt yếu lòng trước người chồng bội bạc ấy. Có lẽ bởi chị còn tình cảm với anh, cũng có thể chị luôn ảo tưởng về mối quan hệ này.
Đôi lúc, cách cư xử của anh khiến chị mơ màng nghĩ rằng mình cũng là “cơm nóng”, cũng mới lạ hấp dẫn với anh. Giờ nghĩ lại, cùng lắm thì chồng chị (bây giờ đã là chồng người ta) cũng chỉ xem chị như “cơm nguội” đem hấp đi hấp lại nhiều lần cho nóng lên thôi. Chị tự trách bản thân đang chen chân vào mối quan hệ mới của chồng cũ.
Có lần, chị bật cười chua chát khi nghe loáng thoáng lời người ta bàn tán về ẩm thực, rằng “cơm nguội mà chiên lên ăn với cá khô nướng hay thịt kho sả thì ngon phải biết. Trời càng lạnh ăn càng ngon”. Ngon thì có ngon nhưng đâu phải để ăn cả đời. Người ta thường vét cơm nguội ăn khi đến bữa mà cơm nóng chưa có, bụng thì đói cồn cào.
Chị múc một bát cơm nguội ngồi ăn thử, vừa ăn vừa rớt nước mắt. Chị đem đổ nửa bát cơm còn lại rồi đi nấu một nồi cơm mới. Chị đã suy nghĩ kỹ: đừng ngu dại nữa, phải tự thương lấy thân mình!
Vũ Hoài