Check-in Lai Châu mùa hoa đẹp

17/02/2024 - 15:53

PNO - Hoa đào, hoa lê, hoa ban sẽ làm say đắm du khách khi đến Lai Châu vào những ngày tháng Hai, tháng Ba của năm mới.

Vùng đất của núi rừng Tây Bắc này quyến rũ đến lạ khi các loài hoa cùng khoe sắc. Màu hồng của đào, màu trắng của lê, màu trắng và tím của hoa ban chào đón mọi người đến chiêm ngưỡng mùa xuân ở vùng núi cao phía Bắc. Lai Châu cách Hà Nội khoảng 450km và là điểm đến thu hút nhiều khách du lịch.

 

Ảnh: Hoa đào ở thành phố Lai Châu.
Hoa đào ở thành phố Lai Châu.

Du khách sẽ không thể bỏ qua khi bắt gặp hoa đào đang khoe sắc. Loài hoa được xem là biểu tượng của may mắn và tài lộc đã tạo nên bức tranh thiên nhiên thật ngọt ngào, quyến rũ ở Lai Châu.

 

Ảnh: Hoa lê ở bản Sà Dề Phìn, xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ, Lai Châu.
Hoa lê ở bản Sà Dề Phìn, xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ, Lai Châu

Sắc trắng hoa lê cũng dễ làm cho khách đến đây phải ngất ngây. Vẻ đẹp thanh nhã cùng hương thơm dịu nhẹ tạo nên cảnh sắc thiên nhiên vô cùng lãng mạn. Du khách có thể đến huyện Tam Đường hoặc huyện Sìn Hồ để ngắm hoa lê trắng và có được những bức ảnh tuyệt đẹp.

Đến Lai Châu vào tháng Ba, du khách sẽ bắt gặp những trái nhót rực rỡ, căng mộng. Nhót có nhiều ở miền Bắc, khi xanh nó có vị chua, đến lúc chín thì có vị ngọt dịu với màu cam đỏ. 

Trái nhót ở bản Sà Dề Phìn, xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ, Lai Châu.
Trái nhót ở bản Sà Dề Phìn, xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ, Lai Châu

Hoa ban sẽ xuất hiện ở khắp Lai Châu, Điện Biên, Sơn La vào tháng Ba. Hoa có mùi thơm dịu nhẹ với 2 màu là trắng và tím. Đây là loài hoa đặc trưng của vùng Tây Bắc và đi vào đời sống văn hóa của cộng đồng các dân tộc. Hoa ban tượng trưng cho tình yêu đôi lứa thủy chung, son sắc. Vẻ đẹp tinh khôi của hoa ban mang đến cảm giác lãng mạn nới rừng núi yên bình. Các tuyến đường ở thành phố Lai Châu trồng nhiều cây ban vào thời gian này chúng cùng ra hoa trông rất đẹp và thu hút nhiều người đến chụp ảnh.  

Hoa ban ở thành phố Lai Châu
Hoa ban ở thành phố Lai Châu

Mùa xuân năm nay, Lai Châu tổ chức nhiều lễ hội của các dân tộc thiểu số. Theo đó, lễ hội đền thờ vua Lê Lợi tổ chức ở phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu vào ngày 21/2/2024 và tại đền thờ vua Lê Lợi ở xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn vào 24/2/2024. Lễ hội có các trò chơi như: đẩy gậy, kéo co, nhảy bao bố, bịt mắt đập niêu...

Lễ hội Tú Tỉ mang đậm bản sắc dân tộc Giáy được tổ chức vào ngày 11/3/2024 tại bản San Thàng, xã San Thàng, thành phố Lai Châu. Tú Tỉ nghĩa là thổ địa, là thần cai quản vùng đất. Với quan niệm, dân tộc nào sống trên một vùng đất thì phải thờ cúng thổ công ở vùng đất đó, mong cho mùa màng tốt tươi, dân bản khỏe mạnh.

Song song đó, các lễ hội khác cũng được tổ chức như: lễ hội Gầu Tào (Grâuk Taox Cha) của đồng bào Mông, lễ hội Xòe chiêng mang đậm nét bản sắc, âm hưởng dân tộc Thái Tây Bắc, lễ hội văn hóa Động Tiên Sơn với các trò chơi dân gian như: ném còn, bịt mắt bắt dê, tó má lẹ (“tó” nghĩa là chơi hoặc đánh, “má lẹ” là tên của một loại trái) ...

Xuân Bình

Ảnh: Chí Bằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI