Chế tài hành vi bạo lực gia đình phải nghiêm khắc, khả thi

25/04/2022 - 06:04

PNO - Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đang thu hút được sự quan tâm của dư luận xã hội trước thềm kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV.

Chồng bị phạt, vợ tốn tiền 

Là một chuyên gia trong lĩnh vực bình đẳng giới và từng tham gia các chương trình phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ), tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội - cho rằng, các chế tài được quy định trong dự thảo luật vẫn còn chưa rõ ràng, chưa thực sự mạnh mẽ. Dự thảo luật quy định xử phạt hành chính, kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự… đối với hành vi gây BLGĐ, là những điều mà luật hiện hành đã có. Thực tế, có chuyện chồng đánh vợ, bị xử phạt hành chính và người vợ đi nộp tiền, thậm chí còn bị đánh thêm. 

Hình ảnh một vụ bạo lực gia đình xảy ra vào tháng 11/2021 ở Hà Nội được đăng tải lên mạng xã hội khiến dư luận phẫn nộ
Hình ảnh một vụ bạo lực gia đình xảy ra vào tháng 11/2021 ở Hà Nội được đăng tải lên mạng xã hội khiến dư luận phẫn nộ

Bà Khuất Thu Hồng nói: “Quy định này không hợp lý trong bối cảnh của Việt Nam, đặc biệt là với các gia đình khó khăn. Có những gia đình nghèo, việc mất đi một khoản tiền ảnh hưởng ngay tới bữa cơm của cả gia đình nên người vợ bị chồng đánh không dám lên tiếng. Do đó, thay vì phạt tiền, có thể bắt người gây BLGĐ lao động công ích”. Bà mong muốn có những chế tài nghiêm khắc nhưng phải có tính khả thi để luật được áp dụng vào cuộc sống. 

Đồng quan điểm trên, ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - chỉ ra, trong dự thảo luật, các biện pháp giải quyết BLGĐ đang tập trung nhiều vào hòa giải, xử phạt hành chính thay vì kết án. Trong khi đó, biện pháp xử lý hành chính lại thường tác động tiêu cực đến nạn nhân do tiền nộp phạt thường là tiền của cả gia đình chứ không phải tài sản riêng của người vi phạm. Do đó, theo ông, cần hạn chế biện pháp xử lý này; nếu vẫn giữ biện pháp xử lý hành chính thì cần có quy định riêng để đảm bảo khoản tiền phạt là tài sản riêng của người vi phạm, tránh để người bị hại phải thiệt đơn, thiệt kép.

Liên quan tới việc ngăn chặn BLGĐ, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân BLGĐ, dự thảo luật quy định về biện pháp cấm tiếp xúc. Theo đó, người vi phạm bị cấm tiếp xúc không quá ba ngày, phải giữ khoảng cách với người bị BLGĐ tối thiểu 50m, nếu có vật ngăn cách đảm bảo an toàn cho người bị BLGĐ thì không giới hạn khoảng cách. 

Theo tiến sĩ Khuất Thu Hồng, trong bối cảnh chỗ ở của các gia đình chật chội như hiện nay, quy định này cũng không khả thi. Quan trọng là ai sẽ chịu trách nhiệm giám sát 24/24 giờ, đảm bảo người có hành vi bạo lực giữ khoảng cách như quy định, hay lại để tiếp tục xảy ra bạo hành, mới xử lý? Bà đề xuất, thay vì thực hiện lệnh cấm tiếp xúc trong gia đình, người vi phạm nên được “mời” lên đồn công an xã vài ngày. Đây là hình thức xử phạt có tính chất răn đe mạnh mẽ, tránh tái phạm.

Tăng cường trách nhiệm của công an xã

Chuyên gia cho rằng, khi đất nước có hơn 60% phụ nữ bị bạo hành thì cần phải coi bạo lực gia đình là một vấn đề nghiêm trọng ẢNH MANG TÍNH MINH HỌA - SHUTTERSTOCK
Chuyên gia cho rằng, khi đất nước có hơn 60% phụ nữ bị bạo hành thì cần phải coi bạo lực gia đình là một vấn đề nghiêm trọng - Ảnh mang tính minh họa: Shutterstock 

Để các quy định pháp luật được thực thi một cách nghiêm minh, các chuyên gia cho rằng, cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm, thẩm quyền của công an xã. Tiến sĩ Khuất Thu Hồng nhận xét: “Hiện nay, các xã đã được tăng cường lực lượng công an chuyên trách, nên cần đẩy mạnh việc công an xã tham gia phòng, chống BLGĐ. Một đất nước mà có hơn 60% phụ nữ bị bạo lực thì cần phải coi BLGĐ là một vấn đề nghiêm trọng, không thể xem nhẹ. Cần có những chế tài để công an tham gia tích cực hơn như giữ người vi phạm tại đồn, buộc lao động công ích”.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng dẫn chứng, ở Hồng Kông, có một bộ phận công an chuyên giải quyết các vấn đề BLGĐ. Chức năng, nhiệm vụ của bộ phận này được quy định rất rõ ràng. Ngoài ra, người bị BLGĐ còn có thể lên website để tố cáo với các biểu mẫu sẵn có, hoặc gọi đến các số điện thoại “nóng” để được hỗ trợ. Bà đề xuất: “Ở Việt Nam, lực lượng công an xã phải tham gia tích cực hơn chứ không thể trông chờ vào các đoàn thể, bởi đoàn thể không phải là cơ quan nhà nước, không phải là đơn vị thực thi pháp luật. Đó là chưa kể, một số nơi còn xem hòa giải là biện pháp chủ yếu”.

Bà Phạm Thị Minh Hiền - Đại biểu Quốc hội khóa XIV - lưu ý, bên cạnh việc trao quyền cho công an xã, phải có điều khoản kèm theo để lực lượng này thực sự tham gia giải quyết dứt điểm các vụ việc, áp dụng các chế tài có tính chất răn đe với người vi phạm thay vì lựa chọn các biện pháp hòa giải hay xem đây chỉ là các vấn đề nội bộ của gia đình. 

Ép con học có bị xem là bạo hành? 

Hình ảnh một phụ nữ bị chồng đánh bầm dập  do không chịu quan hệ tình dục ở tỉnh Tây Ninh  được Báo Phụ Nữ TP.HCM phản ánh năm 2020
Hình ảnh một phụ nữ bị chồng đánh bầm dập do không chịu quan hệ tình dục ở tỉnh Tây Ninh được Báo Phụ Nữ TPHCM phản ánh năm 2020

Thời gian gần đây, BLGĐ không chỉ xảy ra trong mối quan hệ vợ chồng mà cả trong vấn đề giáo dục con cái.

Trong một cuộc họp mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để lấy ý kiến về dự luật này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề nghị, cần làm rõ các hành vi BLGĐ khi trẻ bị đè nặng áp lực học hành: “Những kỳ vọng quá lớn của cha mẹ dẫn đến việc họ yêu cầu con cái phải học đến 3 - 4g sáng, muốn con cái phải được điểm 10 hoặc phải đi theo nghề nghiệp mà cha mẹ mong muốn để cha mẹ cảm thấy hãnh diện… dẫn đến áp lực vượt quá năng lực của trẻ em”.

Trong dự luật, cũng đã có quy định các hành vi bạo lực, trong đó có “cưỡng ép thành viên gia đình lao động, học tập quá sức”.

Bà Phạm Thị Minh Hiền khẳng định BLGĐ có rất nhiều hình thái khác nhau và cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, có sự tham gia của nhiều chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau: “Chúng ta đổ lỗi cho cha mẹ cũng không đúng, vì cha mẹ cũng bị áp lực từ bên ngoài. Về cơ bản, chúng ta cần nâng cao truyền thông để người làm cha, làm mẹ cũng như cộng đồng xã hội nhận thức việc trao quyền cho cá nhân, cho con em mình”.

Bà cũng cho rằng, việc thay đổi nhận thức liên quan tới phòng, chống BLGĐ chưa đủ mạnh mẽ đã gián tiếp gây ra hệ lụy là nhiều trẻ phải chịu thiệt thòi. Do đó, bên cạnh việc xây dựng các quy định pháp luật, phải chú trọng tới công tác truyền thông.

“Có những luật cần phải tăng cường các điều khoản mang tính cưỡng chế để điều chỉnh hành vi nhưng cũng có những luật cần phải tăng cường các điều khoản liên quan tới ngăn ngừa. Cho nên, với Luật Phòng, chống BLGĐ, cần đặc biệt nâng cao về mặt nhận thức, điều chỉnh hành vi cho đúng đắn, chuẩn mực, mỗi người dân phải được trang bị từ trong trứng nước, ngay trên ghế nhà trường” - bà nhấn mạnh. 

Các giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình cần đồng bộ

Theo tôi, việc ban hành Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi) là rất cần thiết trong bối cảnh BLGĐ vẫn đang là vấn đề nhức nhối, gây nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Việc sửa đổi là nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống BLGĐ hiện hành, đặc biệt là xử lý nghiêm người có hành vi BLGĐ, người vi phạm pháp luật trong phòng, chống BLGĐ, góp phần xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Cùng với việc sửa đổi luật, các cơ quan chức năng cũng cần hướng đến việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến vấn đề BLGĐ từ cấp Trung ương cho đến cơ sở. Theo tôi, trong vấn đề tuyên truyền, cấp cơ sở đóng vai trò quan trọng nhất. Cán bộ ở cơ sở là người dễ tiếp cận với nạn nhân các vụ BLGĐ. Cán bộ cơ sở cần phải nắm vững các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề BLGĐ, mới làm tốt được việc tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân. Do đó, cần phải thường xuyên tuyên truyền pháp luật, tập huấn kỹ năng cho các cán bộ đoàn thể ở cơ sở, cán bộ khu phố, tổ dân phố và thông qua họ truyền tải đến người dân.

Tuyên truyền tốt không có nghĩa là hô hào, kêu gọi hay chỉ tuyên truyền suông về các điều luật. Ở đây, cần phải chỉ ra những bất cập cụ thể, vụ việc cụ thể và làm thường xuyên, liên tục để dần nâng cao ý thức của người dân và nạn nhân của BLGĐ để họ mạnh dạn tố giác. Việc tố giác là vô cùng quan trọng vì chỉ có tố giác, cơ quan chức năng mới có thể phát hiện và có giải pháp ngăn chặn.

Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP.HCM và các đơn vị khác đã thường xuyên tuyên truyền về BLGĐ. Nhưng để ngăn chặn BLGĐ hiệu quả hơn, cần sửa đổi luật theo hướng nâng cao tính răn đe. Trên thực tế, có trường hợp người vợ tố cáo chồng bạo hành, người chồng bị xử phạt hành chính nhưng sau đó, ông này về bảo vợ đưa tiền đi đóng phạt. Bất cập nằm ở chỗ này. Nhiều người lo ngại rằng, tố cáo chồng mình bạo hành sẽ phải mất tiền phạt nên không dám tố cáo. Vậy, nên chăng, cần thay đổi chế tài phạt tiền sang phạt lao động công ích để có tính răn đe hơn. Tôi nghĩ rằng, việc đồng bộ hóa các giải pháp sẽ giúp ngăn ngừa, kéo giảm BLGĐ.

Ông Huỳnh Tấn Đạt - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TPHCM

Thiếu chế độ cho người làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình

Trước đây, tôi có tư vấn cho khách hàng là cán bộ ở khu phố bị đập vỡ điện thoại khi ngăn cản một người đánh vợ. Cán bộ này muốn đòi đền bù tài sản nhưng thật khó bởi việc làm hỏng tài sản là không cố tình. Từ vụ việc này, tôi mới thấy, cần có chế độ dành cho người làm công tác phòng, chống BLGĐ.

Trên thực tế, có không ít trường hợp người tham gia can ngăn hành vi BLGĐ bị thiệt hại về tài sản, thậm chí nguy hiểm tính mạng nhưng pháp luật hiện hành chưa có quy định về hỗ trợ người làm công tác phòng, chống BLGĐ, đặc biệt là khen thưởng và đền bù thiệt hại cho họ.

Hiện nay, các thủ tục hành chính và điều kiện để xử lý vụ việc BLGĐ còn khá phức tạp, nhất là quy định về viết đơn, tố cáo. Nhiều nạn nhân BLGĐ ngại tố cáo do ngại đơn thư dài dòng. Cuối cùng, một điều hết sức quan trọng là cần sửa đổi các biện pháp cấm tiếp xúc để tăng cơ hội bảo vệ nạn nhân và tăng hình thức răn đe đối với người gây bạo lực.

Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) 

Cần có chính sách thu hút chuyên gia

Bạo hành xảy ra đôi khi không hẳn chỉ do yếu tố đạo đức mà có khi do bệnh lý. Do đó, việc thu hút chuyên gia ở các lĩnh vực vào hoạt động tư vấn cho những người gặp vấn đề về tâm lý, nạn nhân của các vụ BLGĐ là rất quan trọng. Theo tôi, nếu sửa đổi luật, cơ quan chức năng cần ban hành chính sách khuyến khích các luật sư, nhà tâm lý, nhà giáo hoặc những người có trình độ, hiểu biết về tâm lý thực hiện các chương trình chia sẻ trực tiếp hoặc trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội về vấn đề này.

Để có nguồn lực, cần phải xây dựng lại chính sách về xã hội hóa công tác phòng, chống BLGĐ. Hiện nay, luật cũng như các văn bản dưới luật chưa quy định rõ những hoạt động được hỗ trợ, mức hỗ trợ, hình thức hỗ trợ nên việc xã hội hóa và thu hút các chuyên gia đồng hành cùng các cơ quan chức năng, đoàn thể trong vấn đề này còn yếu.

Ông Đặng Lê Anh - Chuyên gia tâm lý trị liệu và chữa lành 

Sơn Vinh (ghi)

Cần phát huy vai trò của Hội Phụ nữ các cấp

Tại TPHCM, Hội LHPN các cấp đã và đang tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi) trên nhiều địa bàn quận, huyện. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng cần có sự phối kết hợp giữa chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể, công an… trong việc phòng ngừa vấn nạn BLGĐ.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến đề cập đến vấn đề dự thảo luật cần có các quy định đặc thù, thể hiện tính nhạy cảm về giới, độ tuổi, đặc điểm cá nhân… đối với các trường hợp người bị bạo lực là trẻ em.

Đặc biệt, có rất nhiều ý kiến đề xuất, dự thảo luật cần điều chỉnh, bổ sung một số nội dung liên quan để tạo điều kiện thuận lợi và phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức Hội LHPN Việt Nam các cấp trong công tác phòng, chống BLGĐ. Qua đó, kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em.

Thu Lê

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI