Chè shan tuyết chế biến như... rau lợn

10/06/2019 - 11:59

PNO - Chè shan tuyết, một loại chè đặc sản nổi tiếng vùng núi cao Hà Giang nhưng đang được nhiều cơ sở chế biến mà những người làm ra chúng cũng không dám uống.

Rùng mình nơi chè đặc sản

Huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, những cây chè (trà) shan tuyết cổ thụ lâu nay là loại cây chủ lực, góp phần đáng kể trong việc giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Thế nhưng, tận mắt chứng kiến những công đoạn chế biến và theo lời những công nhân "chè này không uống được, chỉ để… xuất bán thôi" tại một số cơ sở chế biến (lò) loại trà đặc sản này thì những người từng uống chè này không khỏi rùng mình.

Tuyến đường từ thị trấn Hoàng Su Phì vào xã Hồ Thấu, du khách cũng có thể dễ dàng nhận biết sự hiện diện của chè tại vùng chè nổi tiếng của Hà Giang. Nhưng không phải là những ấn tượng về gốc chè cổ thụ treo leo trên sườn núi hay cảnh người dân trong các bản vượt núi hái chè... Thay vào đó là cảnh tượng những lô chè đã được sấy mềm đang phơi trên những tấm bạt được phủ tạm trên các vạt cỏ hai bên đường. Trên đường, ô tô, xe máy vẫn ào ào di chuyển cuốn tung bụi mù. Và điểm đáp của những đợt bụi mù từ đất, cát.. chính là cánh trà phơi phía dưới.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là một phần những ấn tượng của quy trình chế biến chè mà nhiều người ví như... rau lợn. Tại những lò sấy chè, sự nhếch nhác, bẩn thỉu... mới thực sự khiến những người chứng kiến thấy rùng mình về cái cách mà người ta chế biến ra loại chè nổi tiếng.

Ghé một lò sản xuất khá quy mô nằm gần UBND xã Nam Sơn. Dù có người lạ đang chứng kiến, các công nhân chế biến vẫn ném chè tươi trên nền nhà hoặc vứt thẳng lên sân bê tông cát sỏi lạo xạo. Những người khác vốc từng vốc chè ném vào lò, ném ra sàn, ném cả vào lối đi.... Dường như với họ công việc chế biến trà vốn dĩ là như vậy.

Cách UBND xã Nam Sơn chỉ vài trăm mét, một cái lò chế biến khác xập xệ hơn. Máy móc hoen gỉ, dụng cụ dùng để chế biến thì cáu bẩn. Chè đã được sấy thành sợi, ném bừa ra nền nhà. Trẻ nhỏ, người lớn đi trần trần hay mang dép cũng vô tư chơi đùa, giẫm đạp lên chè đang chế biến. Những bức tường của cơ sở chế biến thì tróc lở, mỗi con gió nhẹ cũng kéo theo biết bao bụi bẩn phủ xuống đám chè chờ được đóng gói. 

Che shan tuyet che bien nhu... rau lon
Chính công nhân và cán bộ địa phương khẳng định, chè này chỉ để bán, cả xã không ai uống.

Ngỏ ý muốn mua chút chè về uống và làm quà biếu, công nhân trong xưởng và cán bộ địa phương đều tỏ vẻ ái ngại, “Muốn uống, phải lên bản mua chè sạch, họ hái chè rừng rồi phơi phóng sao tẩm trong nong, trong mẹt, sao đảo bằng tay, chứ chè này... không uống được đâu”.

Chè "bẩn" chỉ để bán
Thắc mắc, sản xuất mà không uống thì bán đi đâu (?). Vị cán bộ địa phương và người trực tiếp làm chè tiết lộ, chè của tôi cứ thế sao sấy khô, đóng bao tải rồi sẽ có ô tô đến chở đi. Sau khi sơ chế kiểu này, đại lý thu mua đem về sản xuất rồi bán xuống Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương... Vị cán bộ địa phương chia sẻ, ông từng có lò sơ chế như thế này, làm trong suốt 10 năm, nhưng bị các doanh nghiệp lớn hơn “chèn ép” ghê quá, nên phải bỏ nghề. 
Chỉ vào đống chè phơi sấy nằm lổn nhổn, chất đống dưới sàn nhà bẩn thỉu, sau khi lội cả chân giày vào, một người dân địa phương có mặt đều thật thà, "người ở đây không uống chè này đâu, vì sơ chế kiểu (bẩn thỉu) này chỉ để... bán. Chè chúng tôi uống thì không thể làm thế này được”. 

Tại một lò chế biến chè khác, một nhân công vừa vo đống lá chè ném vào máy sấy vừa nói: “Chúng tôi chỉ biết làm thuê lấy lương thôi. Họ mua chè này đem đi đâu, chúng tôi không biết. Trước có ông C. ở Nậm Dịch (một xã của H.Hoàng Su Phì) hay vào mua, nhưng giờ có ông khác trả giá cao hơn nên họ bán cho ông này”.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn H.Hoàng Su Phì, toàn huyện có trên 4.500ha chè, trong đó trên 3.000ha đang cho thu hoạch và phần lớn là chè cổ thụ. Đặc biệt, những cây chè shan tuyết cổ thụ lớn lên hoàn toàn tự nhiên mà không cần phân hay thuốc bảo vệ thực vật. Đây là cây trồng chủ lực, góp phần đáng kể trong việc giúp người dân giảm nghèo. 
Thiết nghĩ, chè shan tuyết Hoàng Su Phì là một đặc sản, một thương hiệu, cần được đầu tư, quản lý bài bản. Nếu cứ để các lò sơ chế theo quy trình kém vệ sinh thế này, rất khó giữ và quảng bá thương hiệu.

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI