"Quăng bom" cho cà gai leo
Sau cơn sốt về những loại "thần dược" như: nở ngày đất, lược vàng, xáo tam phân, mật nhân…, dân Sài Gòn bắt đầu "phát cuồng" với cà gai leo. Trên mạng xã hội facebook, một số đầu nậu đã “quăng bom” vô căn cứ về công dụng của loại thảo dược này: “Tổng thống khỏe nhất nước Mỹ. Ở tuổi 70, ông đắc cử tổng thống Mỹ với thể lực sung mãn…
Qua tìm hiểu, loại thuốc tân tổng thống Mỹ dùng được chiết xuất từ cây cúc gai… có rất nhiều saponin (nhóm hợp chất quan trọng nhất trong nhân sâm và glycoalcaloid, chất tốt nhất con người tìm thấy cho việc giải độc gan)”.
|
Thông tin phường con buôn bịa đặt vô căn cứ mà người dân cần tỉnh táo |
Cũng theo trang này, ở Việt Nam có một cây khác có hàm lượng glycoalcaloid, saponin ở mức khá, đó là cây cà gai leo đã được Viện Dược liệu quốc gia xác định giải độc gan tốt. Và giải độc cho gan là việc những người bận rộn, áp lực công việc lớn nên làm, đặc biệt là các bác sỹ đến từ những nền y học tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Canada...
“Chúng tôi tự hào khẳng định Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao T.L là đơn vị trồng cà gai leo chuyên nghiệp nhất Việt Nam... Bạn vui lòng để lại số điện thoại, chúng tôi xin được tư vấn miễn phí về công dụng của cây cà gai leo và các sản phẩm từ cây thảo dược quý giá này” - trang facebook này khẳng định.
Đó chỉ là một trong số hàng trăm thông tin vô căn cứ “tôn vinh” cây cà gai leo, còn thực tế chưa có một nghiên cứu khoa học tin cậy nào được tiến hành. Thêm nữa, phường buôn bán còn tung tin nhà nước bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để nghiên cứu cà gai leo và đưa hình người nổi tiếng minh họa nhằm bịp người tiêu dùng.
Tính dược thực sự của Cà gai leo ra sao?
Trước mê hồn trận công dụng của cà gai leo mà người buôn bán tung ra, chúng tôi tìm đến các lương y, chuyên gia nghiên cứu trong ngành y học cổ truyền để ghi nhận ý kiến có căn cứ về tính dược của cà gai leo, để qua đó người tiêu dùng không đối mặt tử thần một cách oan uổng.
Trong y phẩm giá trị Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996), cố GS-TS Đỗ Tất Lợi mô tả cà gai leo có thân dài từ 0,6 đến 1m hoặc hơn, thân có nhiều gai, lá hình trứng với mặt dưới phủ lông trắng nhạt, có gai, có hoa tím nhị vàng, quả hình cầu, hạt màu vàng.
Lương y Nguyễn Đức Nghĩa, học trò cố GS-TS Đỗ Tất Lợi cho biết cà gai leo là loài mọc hoang ở khắp nơi, có cả ở Lào và Campuchia với bộ phận dùng là rễ: Rễ cà gai leo được dùng làm thuốc chữa phong thấp, đau nhức răng, sâu răng, chảy máu chân răng. Có nơi coi như có tác dụng chữa say rượu. Người ta cho rằng trong khi uống rượu thỉnh thoảng sát răng bằng rễ cà gai leo thì tránh được say rượu. Nếu bị say, uống nước sắc của rễ. Ngoài ra còn dùng chữa bệnh lậu, mỗi ngày uống từ 16-20 gam rễ khô dưới dạng sắc.
Từ ghi nhận trên cho thấy Từ điển cây thuốc Việt Nam - y phẩm danh giá - tin cậy nhất của ngành y học cổ truyền (được ấn hành bởi Nhà xuất bản y học - Cơ quan xuất bản duy nhất của Bộ Y tế) cho thấy cà gai leo không được ghi nhận chữa các bệnh lý về gan, như dân buôn đơm đặt.
Lương y Minh Khuê, chủ nhà thuốc y học cổ truyền H.Minh trên đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5, TP.HCM), cho biết hơn 30 năm hành nghề, ông chưa từng tiếp cận tài liệu y học hay kinh nghiệm nào nói việc dùng cà gai leo chữa bá bệnh về gan hay giải độc gan. Thậm chí, trong Từ điển cây thuốc Việt Nam cũng không đề cập đến tác dụng giải độc gan hay chữa bệnh về gan gì của cà gai leo. Ngay trong bộ sách Từ điển cây thuốc Việt Nam (bộ mới) được ấn hành bởi Nhà xuất bản y học (tác giả là Võ Văn Chi), công dụng của cà gai leo được đề cập trong tài liệu này cũng không khác biệt gì mấy trong ghi nhận của cố GS-TS Đỗ Tất Lợi.
Từ hai tài liệu y học danh giá trên của ngành y học cổ truyền, cho thấy việc dùng cà gai leo để chữa mọi bệnh lý về gan hay giải độc gan là vô căn cứ. Đông y sĩ Trần Sỹ Thanh (Trường y học cổ truyền Lê Hữu Trác) cảnh báo: “Cà gai leo là cây thuốc có độc tính, việc dùng độc vị (dùng một mình cà gai leo) vô cùng nguy hiểm. Có người dùng cà gai leo để chữa chứng phong thấp nhưng càng dùng càng đổ bệnh, vì dùng không đúng bài đúng thuốc. Cà gai leo chỉ phát huy hiệu dụng chữa bệnh khi được phối với một số vị thuốc khác”.
Đúng như cảnh báo của đông y sĩ Trần Sỹ Thanh, Từ điển cây thuốc Việt Nam (bộ mới, tập 1, trang 288), ở phần “Tính vi-tác dụng” của cà gai leo có ghi rõ “cà gai leo vị hơi the, tính ấm, hơi có độc”.
Trao đổi với chuyên gia nghiên cứu đông dược Bùi Cứ (Hội hóa học TP.HCM), ông Cứ cũng cho biết ở thời điểm cố GS-TS Đỗ Tất Lợi và TS Võ Văn Chi đúc kết 2 y phẩm trên, công dụng chữa bệnh lý về gan của cà gai leo như ung thư gan, u gan, giải độc gan chưa được ghi nhận.
Công dụng đó chỉ mới được biết đến trong vài năm gần đây từ công bố của một công ty dược nhưng ở mức độ khiêm nhường, cần phải nghiên cứu đánh giá sâu hơn. Từ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đến ứng dụng là một khoảng cách xa. Khi chào bán sản phẩm, người bán đã quảng cáo như thế, nhưng có ai bị viêm gan, xơ gan… uống sản phẩm này hết bệnh thì tôi chưa từng biết, chưa từng gặp”, ông Cứ khẳng định.
Trên thị trường, cà gai leo vẫn được buôn bán sôi động, “hứa hẹn” gieo rắc nhiều biến chứng cho người cả tin. Vì thế, người tiêu dùng cần tham khảo thông tin chuẩn xác trước khi quyết định đặt hết niềm tin chữa bệnh gan, tiểu đường vào các chế phẩm từ cà gai leo đang hỗn độn hiện nay.
Bảo Ân