Chè ô môi của ngoại

24/05/2024 - 12:30

PNO - Trái ô môi chín già có thể ăn trực tiếp bằng cách róc lớp vỏ đen cứng và thưởng thức những khoanh mỏng thơm thơm, vị ngọt hơi chát bên trong. Nhưng khiến tôi thương nhớ nhất có lẽ là món chè ô môi của ngoại.

Món chè ô môi gây thương nhớ
Món chè ô môi gây thương nhớ

Không nhiều, nhưng dọc bến sông nhà tôi vẫn còn những cây ô môi già cỗi. Sau mùa hoa trổ hồng soi bóng nước, những trái xanh đậu chi chít qua đợt nắng cháy bắt đầu ngả sang màu nâu đen. Hồi tôi còn nhỏ, những trái ô môi chín giấu mật ngọt sau vẻ ngoài xù xì là “vũ khí” trong trò đánh trận của bọn con trai, nhưng cũng đồng thời là phần thưởng dành cho người chiến thắng.

Trái ô môi chín già có thể ăn trực tiếp bằng cách róc lớp vỏ đen cứng và thưởng thức những khoanh mỏng thơm thơm, vị ngọt hơi chát bên trong. Nhưng khiến tôi thương nhớ nhất có lẽ là món chè ô môi của ngoại.

Nhà ngoại cặp mé sông, ngày trước trên bến cũng có 1 cây ô môi. Vài lần má dẫn mấy chị em tôi theo đò dọc về ngoại chơi, đúng vào mùa ô môi kết trái. Ở thời quà vặt đơn giản, với trẻ em nông thôn có phần thiếu thốn, trong mắt chúng tôi, bà ngoại lúc nào cũng là cây sáng kiến khi nghĩ ra những món ăn rất chiều chuộng vị giác của mấy đứa con nít hay thèm.

Trái ô môi chín, ngoại hái xuống, róc vỏ, tách hạt rồi đặt vào lá chuối phát cho chúng tôi. Mấy chị em nhón từng khoanh mỏng, răng môi đứa nào đứa ấy đều tím lịm, nhưng đầy ắp niềm vui. Và phần hạt mới là bí mật của món chè ô môi. Những hạt vàng bằng đầu ngón tay hình trái tim, đem ngâm nước cho vỏ mềm ra, ngoại nhẹ nhàng lạng bỏ hết lớp vỏ mỏng và phần mầm trắng bên trong từng hạt. Sơ chế xong phần nguyên liệu chính, ngoại mới chuẩn bị nấu chè.

Hạt ô môi đã được tách vỏ
Hạt ô môi đã được tách vỏ

Đậu xanh bóc vỏ đem ngâm nước rồi hấp vừa chín tới. Trong khi chờ, ngoại ngồi nơi cửa chái bếp nạo dừa khô, vắt lấy phần nước cốt nhất để riêng. Ngoại dùng phần nước nhì cho vào nồi bắc lên bếp. Chờ khi nước sôi sẽ khuấy đường phèn và đường cát theo tỉ lệ để chè ngọt thanh và sâu mà vẫn không gắt cổ. Đợi đường tan hết mới cho phần hạt ô môi và đậu xanh hấp vào. Chỉ cần khuấy cho thật đều và hòa vào 1 muỗng cà phê bột năng để tạo độ sánh là phần chè đã xong. Phần nước cốt nhất sẽ được hòa với đường và bột năng thắng lên để có độ sền sệt.

Trong lúc ngoại lui cui dưới bếp, chúng tôi thường chơi với mấy đứa em con của cậu mợ. Ngoài vườn bao giờ cũng có vài con ngựa gỗ, mấy cái xích đu. Ông ngoại ngày xưa là thợ mộc. Mấy chị em say sưa với những trò như nhảy dây, trốn tìm. Rồi thể nào cũng sẽ được nghe tiếng ngoại ngọt giọng gọi đi rửa tay vì chè đã chín.

Chén chè được múc ra nóng hổi đúng là nức mũi. Đậu xanh bùi, hạt ô môi dai giòn sần sật, nước cốt dừa thơm phức khiến bất kỳ ai cũng phải mềm lòng. Nhất là vào những ngày nắng nóng oi bức, thật dễ chịu khi được ăn một chén chè ngon. Ngoại trìu mến nhìn các cháu ăn. Cho đến tận bây giờ, ánh mắt tràn đầy yêu thương đó vẫn nhiều lần an ủi, nâng đỡ tôi trong những ngày khôn lớn.

Bà ngoại tôi đi xa, tính đến nay cũng đã nhiều năm. Ô môi vẫn còn mọc dưới bến sông, chi chít trái, nhưng ít có đứa trẻ nào đòi nên không ai hái. Món chè ô môi cũng gần như tuyệt tích, chỉ còn là kỷ niệm xa vời. Nhưng trong ký ức của những đứa trẻ ngày xưa, đó vẫn là miền thương nhớ không thể nào quên. Có lẽ không chỉ là một món ăn quê mùa ở thời khó khăn, nó còn là tuổi thơ, là tình yêu thương của người bà bao giờ cũng bao la.

Hiền Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI