Chế Lan Viên (1920- 1989): Cắt đứt lòng anh trăng của em

18/05/2017 - 22:13

PNO - Ngoài tình yêu nguyên vẹn dành cho Chế Lan Viên, bà Thường còn có công rất lớn với văn học Việt Nam khi cặm cụi, nhẫn nại đọc từng dòng chữ viết chi chít của chồng mình trong những sổ tay thơ.

Cùng với Quách Tấn, Yến Lan, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên lập nên nhóm thơ Bình Định- người đương thời gọi “Bàn Thành tứ hữu”. Sinh ra ở Quảng Trị, sống tại Bình Định từ nhỏ, nhưng mối tình đầu của Chế Lan Viên lại diễn ra tại Đà Nẵng. Từ năm 1942-1943, Chế Lan Viên (tên thật Phan Ngoc Hoan) dạy trường Chấn Thanh ở Đà Nẵng. Trước đó, lúc chỉ mới 16 tuổi, còn đang học lớp đệ tam niên (cours de troisième année) Chế Lan Viên đã xuất bản tập thơ Điêu tàn, nói như nhà phê bình Hoài Thanh: “đã đột ngột xuất hiện giữa làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị”.

Nhà thơ Quách Tấn có viết trong hồi ký Bàn Thành tứ hữu: “Chế Lan Viên đã đẹp trai, tài cao, giảng văn hấp dẫn. Học sinh ở Chấn Thanh hiện giờ cũng như ở Mission Thanh Hóa năm trước đều có cảm tình đặc biệt với Chế. Ở Chấn Thanh có năm, sáu nữ học sinh đều đem lòng yêu Chế. Cô nào cũng dễ thương nhưng có hai cô xuất sắc là Tuyết và Giáo. Chế Lan Viên rất để ý và cũng có cảm tình song chưa biết chọn cô nào là người chung thủy”.

Che Lan Vien (1920- 1989): Cat dut long anh trang cua em

Nếu cô Tuyết có vẻ đẹp quý phái, mặn mà, sắc sảo thì cô Giáo lại dễ thương như thục nữ trong Kinh thi. Chế phân vân và hỏi ý kiến Quách Tấn thì nhà thơ Mùa cổ điển góp ý chân tình:

- Nếu Hoan muốn có quán trọ cao sang để nghỉ chân trên con đường thơ muôn dặm thì nên chọn Tuyết. Còn muốn có một tổ ấm để con chim trời bay mỗi đêm trở về nghỉ ngơi thì nên chọn Giáo.

Chế Lan Viên cũng đồng ý. Ít lâu sau, ông gặp Quách Tấn và cho biết là cả hai đã thề thốt - nếu duyên trăm năm không thành, cả hai sẽ ở vậy suốt đời, không ai lấy chồng và cũng không ai lấy vợ! Quách Tấn cười:

- Thề thốt hơi vội… nhưng không sao. Trước hết, Hoan nên mượn người thân với gia đình Giáo đến nhà dò ý cha mẹ Giáo rồi hãy liệu.

Những tưởng mọi chuyện sẽ diễn ra suông sẻ, nhưng khi đặt vấn đề nghiêm túc, ông bà Ba Hội - cha mẹ cô Giáo không đồng ý. Như tất cả những đôi lứa yêu nhau theo tiếng gọi của trái tim, trước trở ngại này cả hai vẫn quyết định đến với nhau. Mùa hè năm 1943, Chế Lan Viên cùng cô Giáo đưa nhau vào Nha Trang. Tại đây, cô Giáo được nhà thơ Quách Tấn gửi ở nhờ trong Trường Đoàn Thị Điểm, còn Chế Lan Viên tạm trú ở nhà người bạn thân là Nguyễn Đình. Trước tình huống này, ông Ba Hội nhờ ông Tư Tào - cậu của cô Giáo đi tìm. May mắn là nhà thơ Quách Tấn có quen với ông này. Qua trò chuyện Quách Tấn được biết, chỉ một người có thể tác động đến ông Ba Hội là ông Thông Tùng ở Đà Nẵng. Nhờ vậy, mối tình này đã diễn ra đúng theo dự định.

Nhà thơ Quách Tấn cho biết: “Một mặt tôi nhờ ông Năm Cần dẫn  Giáo lên cho ông Tư Tào để đưa về Đà Nẵng. Một mặt bảo Chế Lan Viên về thưa với ông bà cụ sắm lễ vật ra nhà ông Thông Tùng để cùng ông Thông Tùng đến nhà ông Ba Hội. Vài tháng sau lễ thành hôn cử hành ngày 26.9.1943. Cưới vợ rồi, Hoan không dạy ở Đà Nẵng nữa. Giáo về Bình Định ở với ông bà cụ Chế, còn Chế ra Huế dạy trường Việt Anh”.

Che Lan Vien (1920- 1989): Cat dut long anh trang cua em
Ché Lan Viên và con trai Phan Lai Triều

Khi cuộc kháng chiến quốc nổ ra, Chế Lan Viên nhiệt thành đi theo Cách mạng. Sau một chiến dịch trên đường 9 về, năm 1949, ông được kết nạp vào Đảng. Thời gian này, Chế Lan Viên và bà Nguyễn Thị Giáo chung sống với nhau hạnh phúc, có được ba người con, hai trai, một gái. Nhưng rồi chuyện sóng gió đã xẩy ra vào năm 1958, khi ông đi chữa bệnh dài ngày ở Trung Quốc. Đây là nỗi khổ tâm nhất của Chế Lan Viên, dù sau đó ông độ lượng muốn níu kéo lại với nhiều thua thiệt nhưng cũng không thể. Cuối cùng, cả hai chọn giải pháp là nhờ tòa án phán xử. Theo nhà nghiên cứu Lưu Khánh Thơ - con gái nhà viết kịch Lưu Quang Thuận, cha cô cũng có mặt tại tòa với tư cách người đại diện cơ quan và cũng là bạn thân với gia đình Chế Lan Viên. Cô kể lại diễn biến như sau: “Suốt buổi đó, Chế Lan Viên ngồi im lặng. Sau khi đã xong hết mọi thủ tục, trước khi ra về, ông mới lặng lẽ đứng lên và đọc bài thơ, thay cho lời nói cuối cùng:

Đến chỗ đông người anh biệt em

Quay đi thôi chớ để anh nhìn

Mày em trăng mới in ngần thật

Cắt đứt lòng anh trăng của em

Sự việc đó khiến mọi người vô cùng sửng sốt. Đúng là có một không hai. Thông cảm với nỗi đau của ông, người ta thêm kính trọng nhân cách và lòng nhân hậu, vị tha của một thi sĩ tài năng. Nếu ai đã gặp bà Giáo, càng thấy cảm phục cái tài và cái tình của Chế lan Viên. Nét nổi bật nhất trên gương mặt của bà Giáo là cặp lông mày hình vòng cung, cong như lá liễu. Khi đã là một người đàn bà có tuổi, đôi lông mày của bà vẫn còn nguyên nét mảnh mai, son trẻ như mảnh trăng đầu tháng. Ấn tượng mà bài thơ  từ biệt của Chế Lan Viên để lại trong lòng cha tôi thật lớn. Nhiều năm sau này ông vẫn còn kể về nó”.

Che Lan Vien (1920- 1989): Cat dut long anh trang cua em
Chế Lan Viên và vợ - nhà văn Vũ Thị Thường - cùng 2 con

Chia tay xong, thời gian sau Chế Lan Viên bước qua mối tình khác với nhà văn Vũ Thị Thường. Ngoài sự nghiệp văn chương, người bạn đời thủy chung của Chế Lan Viên đã sống với ông cho đến giây phút cuối đời. Có thể nói, ngoài tình yêu nguyên vẹn dành cho Chế Lan Viên, bà Thường còn có công rất lớn với văn học Việt Nam khi cặm cụi, nhẫn nại đọc từng dòng chữ viết chi chít của chồng mình trong những sổ tay thơ để rồi, từ năm 1992 đến nay, bà Thường đã công bố Di cảo thơ (3 tập), khiến công chúng lại thêm  kinh ngạc trước tài năng độc đáo Chế Lan Viên. Cũng trong Di cảo thơ, có bài thơ Những mảnh trời xưa viết năm 1957-1959, tôi ngờ là ông viết cho người tình đầu với những lời đau đớn không nguôi:

Người mang lại ái tình không ở cùng tôi nữa

Nhưng em còn quẩn mỗi câu thơ

Trời xanh của sông Hàn nay đã vỡ

Mỗi câu thơ là một mảnh trời xưa

Hạnh phúc em đong cho ta bằng đôi mắt nhỏ

Đôi chén đắng cay làm lòng nức nở

Mỗi bức thư như gạch lỡ đầu tường

Nhưng đạn xé vào thịt non không lấp nổi

Thơ anh viết những lời anh chẳng sống

Chiều nay anh viết: Yêu em!

Thức ăn cũ biến thành thuốc độc

Lối cỏ hoa xưa nay đã gài mìn.  

Thế nhưng, bà Vũ Thị Thường vẫn công bố, thế mới biết tấm lòng của bà dành cho nhà thơ Chế Lan Viên độ lượng và rộng lớn biết chừng nào.

Lê Minh Quốc

Tài liệu tham khảo: Bàn Thành tứ hữu - hồi ký văn học của nhà thơ Quách Tấn; Báo Tiền Phong chủ nhật số 5-6 (xuân 2000).

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI