Chè kho sánh vai cùng bánh chưng thành cặp đôi hoàn hảo

31/01/2025 - 12:20

PNO - Những ngày tết ở quê tôi, cái rét có khi ngọt, có khi buốt giá len lỏi qua từng nếp nhà, mang theo hơi thở của đất trời chuyển mình vào xuân. Trong khung cảnh ấy, hình ảnh nồi chè kho của bà, của mẹ tôi đã trở thành một phần ký ức không thể nào quên, một mảnh ghép trọn vẹn trong bức tranh tết cổ truyền.

Ngày trước, bà tôi bảo, tết đến mà thiếu chè kho thì chẳng trọn vị. Nhưng người ở quê tôi nấu chè kho chẳng giống ai.

Do thời tiết đặc trưng của miền Bắc - khi rét căm căm, lúc nồm ẩm đến khó chịu - nên nếu nấu chè kho “chuẩn” mà gặp trời nồm là họ hàng nhà mốc kéo đến rất nhanh. Ngược lại, nếu nấu 100% gạo nếp mà gặp rét buốt, sương muối thì chỉ có cách đập đĩa, mới ăn được chè.

Chè kho của quê tôi là sự hòa quyện giữa chè con ong và chè kho truyền thống
Chè kho của quê tôi là sự hòa quyện giữa chè con ong và chè kho truyền thống

Vậy nên, món chè kho của quê tôi là sự hòa quyện giữa chè con ong và chè kho truyền thống, để chè không quá rắn trong ngày rét, cũng không dễ hỏng trong tiết trời nồm ẩm.

Ngày mẹ tôi nấu chè kho, gian bếp nhỏ trở nên ấm cúng, rộn rã lạ thường. Trên bếp lửa rực hồng, những trái thảo quả (quê tôi quen gọi là “tò ho”) được mẹ vùi vào than đỏ. Hương thơm đặc trưng của tò ho lan tỏa, len lỏi khắp căn nhà, hòa quyện cùng mùi khói bếp, tạo nên một dư vị rất riêng của ngày tết.

Nhưng để có được thứ gia vị tò ho cay cay, thơm lừng ấy, mẹ phải giã chúng thật kỳ công. Tôi nhớ mẹ luôn phải vừa giã, vừa thổi nhẹ để các mày vỏ bay ra. Đó cũng là lúc những hạt bụi li ti quẩn trong không khí làm cay xè mắt.

Tò ho (thảo quả) là gia vị không thể thiếu
Tò ho (thảo quả) là gia vị không thể thiếu

Khi xôi đỗ xanh chín tới, mẹ bắt đầu nấu chè. Mật mía đúng bằng viên gạch chỉ được mẹ chặt nhỏ, đun lên đến khi sánh quyện, sắc màu mà tôi không biết giống nâu cánh gián hay giống màu men da lươn trên đồ gốm hơn. Chỉ biết rằng, khi đến màu sắc đó là lúc xôi đỗ đã nục lắm rồi.

Mẹ nhanh tay xúc xôi đỗ vào nồi mật rồi dùng 2 chiếc đũa cả để đánh đều tay. Mỗi lần đánh chè là một thử thách. Hơi nóng bốc lên khiến trán mẹ lấm tấm mồ hôi, đôi tay phải giữ nhịp đều để gạo, đỗ, mật mía hòa quyện với nhau, tạo thành một hỗn hợp sánh mịn, thơm ngào ngạt.

Càng lâu, hơi nước trong nồi càng ít, chè cũng dần đanh lại, việc “đánh” chè tốn sức hơn rất nhiều. Nhìn mẹ chăm chú từng đường đũa như điệu múa, tôi mới hiểu rằng, món chè kho không chỉ đòi hỏi công sức mà còn cần cả sự kiên nhẫn và tình yêu với căn bếp gia đình.

Mật mía cũng là nguyên liệu làm nên linh hồn của món chè kho
Mật mía cũng là nguyên liệu làm nên "linh hồn" của món chè kho

Khi nồi chè dậy mùi thơm ngọt, mẹ bảo tôi chuẩn bị mâm và những chiếc bát nhỏ xinh mà nhà chỉ dùng vào dịp tết. Chè được đơm vào bát, ép chặt để mặt chè bóng mịn rồi úp xuống đĩa giống như cách đơm xôi nhưng công phu hơn rất nhiều.

Đĩa chè nóng dễ bị xệ xuống nên đám trẻ trong nhà mỗi đứa cầm một chiếc muỗng để chè xệ đến đâu là lấy muỗng vén lên tới đó. Mẹ tôi vừa rắc thêm chút mè rang vàng óng, vừa nhắc bọn trẻ vén góc này, đĩa kia.

Hồi còn sống, bà nội tôi bảo, chè kho phải tròn đĩa, thơm, khi ăn có vị ngọt thanh của mật mía, có độ dẻo của nếp và chút bùi bùi của đỗ xanh mới đạt.

Đĩa chè kho thường được bày lên trên cặp bánh chưng trên bàn thờ tổ tiên. Cha tôi hay nói đùa rằng, chè kho và bánh chưng như một cặp đôi hoàn hảo của tết cổ truyền, không thể thiếu nhau. Chè kho ngọt dịu, bánh chưng bùi béo, hòa quyện thành dư vị của tết quê, khiến những ai xa nhà lâu ngày đều bồi hồi khi nghĩ đến.

Tôi lớn lên, rời quê ra phố, những ngày tết dần trở nên vội vã với lịch trình kín mít, nhưng mỗi lần về nhà, mùi tò ho từ nồi chè kho, đĩa chè kho của mẹ vẫn luôn khiến tôi dừng lại. Dừng để lắng nghe nhịp thở của ký ức, để lại được thấy mẹ bên bếp lửa, nhẫn nại và đầy yêu thương.

Bích Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI